Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị nên quan tâm gồm: DVN, PLX, TNG.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khuyến nghị nhà đầu tư mua DVN vì cổ phiếu có tín hiệu điều chỉnh không quá xấu.
Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị mua cổ phiếu Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX), giá mục tiêu 57.794 đồng/cổ phiếu.
PLX có triển vọng tích cực nhờ nhu cầu xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam. Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023 và đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối năm 2024, Bộ Công Thương ước tính tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay cần khoảng 28,4 triệu m3/tấn, tăng hơn 9% so với tổng nguồn năm 2023.
Biên lợi nhuận cải thiện khi chi phí định mức được cải thiện từ tháng 7/2024. Trong kỳ điều chỉnh giá ngày 4/7, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới biến động tăng, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh định mức áp dụng trong giá cơ sở xăng dầu, nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.
Những điểm mới của Dự thảo Nghị định (số 3) thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có tác động tích cực đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu như PLX.
Công ty cổ phần Chứng khoán Agriseco (mã chứng khoán: AGR) khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG), giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu.
Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ; trong đó, tất cả các thị trưởng xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng tốt. Nhóm phân tích kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng dệt may duy trì đà tích cực trong cuối năm 2024 khi lượng hàng tồn kho đang ở mức thấp và nhu cầu tại các thị trường dần phục hồi.
Số lượng đơn hàng của TNG đã được lấp đầy tới cuối năm 2024 với các đơn hàng FOB từ các khách hàng lớn như Decathlon, Asmara, Columbia. TNG còn ghi nhận lượng đơn hàng đột biến trong quý II và III nhằm phục vụ cho Olympic tại Paris. Để đáp ứng nhu cầu hàng lớn, doanh nghiệp dự kiến nâng công suất lên 15% với 45 dây chuyền sản xuất mới và tuyển thêm 3.000 nhân công
Sự kiện bạo loạn ở Bangladesh giúp ngành dệt may trong nước hưởng lợi. Bangladesh hiện nay là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 thế giới và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành dệt may. Với việc bạo loạn và bất ổn đang diễn ra tại quốc gia này, các đơn hàng sẽ có sự dịch chuyển và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng kể trên.