Tuần qua, nhóm cổ phiếu tăng mạnh ghi nhận nhiều màn "phá" đỉnh tại CTI, VTP, KSV. Trong khi đó, VRC và MFS cũng đang "sáng cửa" lập kỷ lục mới về giá.
Tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán chứng kiến diễn biến tích cực với sự hồi phục của chỉ số. Cụ thể, VN-Index khép lại tuần giao dịch tại mốc 1.249,11 điểm, tăng gần 30 điểm so với vùng đáy 1.220 điểm.
Trong bối cảnh thị trường chung diễn biến thuận lợi, nhiều cổ phiếu đã bứt phá mạnh mẽ và bước vào sóng tăng mới.
HoSE: CTI, VTP “phá” đỉnh, NVL “thủng” đáy
Trên sàn HoSE, CTI là cổ phiếu có diễn biến sôi động nhất khi tăng mạnh về giá cũng như thanh khoản. Trong tuần qua, mã này đã tăng 16,84% với mức thanh khoản trung bình đạt hơn 1,1 triệu đơn vị/phiên. Với nhịp tăng lên mức 21.850 đồng/cp, cổ phiếu CTI đã “phá” đỉnh năm 2023. Tính theo mức giá này, vốn hóa của Công ty CP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO đạt gần 1.200 tỷ đồng
Đà tăng của cổ phiếu CTI diễn ra trong bối cảnh dòng tiền liên tục đổ về nhóm cổ phiếu đầu tư công trong tuần qua. Theo nhận định của nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức lớn như Dragon Capital, Chứng khoán ACBS, Chứng khoán DSC,... nhóm cổ phiếu xây dựng - vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi nhờ làn sóng giải ngân đầu tư công trong năm nay.
Với mức tăng 16,67%, TYA là cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 trên sàn HoSE. Trong tuần qua, cổ phiếu này đã có 2 phiên tím trần liên tiếp. Tính theo mức giá 15.750, vốn hóa của Công ty CP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam đạt hơn 483 tỷ đồng. Dù tăng mạnh về giá nhưng khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên của cổ phiếu này chỉ ở mức khiêm tốn, đạt hơn 11.000 đơn vị.
Sau TYA, cổ phiếu VRC đứng thứ 3 với mức tăng 15,60%. Tính theo mức giá 12.600 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC đã tăng lên 630 tỷ đồng. Tại doanh nghiệp bất động sản này, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ hơn 7,2 triệu cổ phiếu VRC, tương ứng 14,54% vốn.
Xét dưới góc độ kỹ thuật, cổ phiếu VRC hiện đang tiến tới vùng kháng cự 13.500 đồng/cp. Đây là vùng đỉnh của tháng 4/2024 và tháng 12/2024. Trong kịch bản dòng tiền tiếp tục gia tăng tại cổ phiếu này, VRC hoàn toàn có thể vượt đỉnh.
Đứng vị trí thứ 4 trong nhóm tăng mạnh là cổ phiếu HRC với mức tăng 13,75%. Tính theo mức giá 40.950 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Cao su Hòa Bình đã tăng lên hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy tăng mạnh về giá nhưng thanh khoản của cổ phiếu chỉ ở mức nhỏ giọt với khối lượng trung bình 10 phiên đạt khoảng 300 đơn vị.
Đứng thứ 5 là cổ phiếu KHP của Công ty CP Điện Lực Khánh Hòa với mức tăng 13,41%. Tính theo mức giá 13.400 đồng/cp, vốn hóa của Điện Lực Khánh Hòa đạt hơn 863 tỷ đồng.
Những cái tên còn lại của trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh sàn HoSE là: TRC (+11,56%), GSP (+10,93%), DXV (+10,53%), VTP (+10,20%), CDC (+10,39%).
Trong các mã này, cổ phiếu VTP của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) chiếm trọn sự quan tâm của giới đầu tư khi xác lập kỷ lục mới về giá. Hiện tại, cổ phiếu này đã tăng lên 162.000 đồng/cp, đưa vốn hóa của Viettel Post lên hơn 19.700 tỷ đồng.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh trên sàn HoSE ghi nhận sự góp mặt của STG (-12,65%), CKG (-11,26%), HAP (-11,20%), DTA (-10,47%), PMG (-9,70%) GMC (-7,57%), LGC (-7,07%), NOI (-6,91%), NVL (-6,37%), DAT (-6,16%).
Trong đó, dù không phải mã giảm nhưng cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) lại trở thành tâm điểm của nhóm này khi rơi xuống dưới mệnh giá. Tính theo mức giá 9.280 đồng/cp, vốn hóa của Novaland hiện chỉ còn hơn 18.000 tỷ đồng. Việc cổ phiếu NVL trượt về dưới mệnh giá có thể tạo ra làn sóng giải chấp, do Novaland hiện đang dùng cổ phiếu NVL để làm tài sản đảm bảo cho 1 số khoản vay.
HNX: KSV lập đỉnh mới, CTP, BKC “đánh mất mình”
Trên sàn HNX, 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua lần lượt gọi tên: L40 (+32,62%), ATS (+27,27%), NAP (+19,78%), SVN (+14,71%), KSV (+14,29%), KDM (+13,29%), HBS (+11,95%), BTW (+11,82%), VC6 (+11,58%), VTV (+11,43%).
Tương tự như câu chuyện của VTP trên sàn HoSE, dù không xếp thứ hạng quá cao trong nhóm tăng mạnh nhưng cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV (Vimico) chiếm trọn “spotlight”. Với mức tăng 14,29%, cổ phiếu KSV đã vượt đỉnh và tiến tới gần mức giá 150.000 đồng/cp.
Lọt top 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán, mã này đã vượt mặt nhiều tên tuổi khác trên HoSE như CTR, FPT,... Tính theo mức giá 149.500 đồng/cp, vốn hóa của Tổng Công ty Khoáng sản TKV đã tăng lên gần 30.000 tỷ đồng.
Ngoài KSV, HBS cũng thu hút được nhiều sự chú ý do đây là cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán. Tính theo mức giá 6.800 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình đã tăng lên hơn 224 tỷ đồng.
Đà tăng của cổ phiếu HBS diễn ra cùng với thời điểm ông Bế Công Sơn - Phó tổng giám đốc của công ty đăng ký mua 4,3 triệu cổ phiếu vào ngày 10/1. Trước giao dịch, ông Sơn không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu HBS nào.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là CMC (-18,75%), CTP (-15,30%), DC2 (-14,47%), KSQ (-11,90%), NBW (-9,09%), VHL (-8,74%), BKC (-8,33%), PCG (-8,11%), QST (-7,32%), FID (-7,14%).
Trong nhóm này, cổ phiếu CTP gây đôi chút thất vọng cho nhà đầu tư khi không thể nối dài mạch tăng giá. Với nhịp giảm hơn 15% trong tuần qua, mã này này đã tạo ra đỉnh ngắn hạn, thấp hơn vùng đỉnh hồi tháng 9/2024. Trên góc độ phân tích kỹ thuật, đây là tín hiệu cho thấy xu hướng tăng giá đã kết thúc. Trong giai đoạn tới, nếu để mất vùng giá 30.000 đồng, cổ phiếu CTP sẽ chuyển sang trạng thái tiêu cực.
Một cái tên gây thất vọng khác là cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn. Từng nhiều lần “sánh đôi” cùng KSV trong các đợt tăng – giảm giá nhưng trong tuần lễ KSV vượt đỉnh, mã này lại đánh mất 8,33% thị giá. Chốt tuần, cổ phiếu BKC đạt 14.400 đồng/cp, tương đương mức vốn hoá 169 tỷ đồng.
UPCoM: Màn “so kè” giữa MFS và ABC
Trên UPCoM, quán quân tăng giá gọi tên cổ phiếu MFS Của Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Mobifone (Mobifone Service). Trong tuần qua, cổ phiếu này đã có 4 phiên tím trần với thanh khoản đột biến. Tính theo mức giá 56.800 đồng/cp, vốn hóa của Mobifone Service đạt hơn 400 tỷ đồng.
Màn bứt phá của cổ phiếu MFS diễn ra ngay sau thông tin chuyển giao công ty mẹ của Mobifone Service là Tổng công ty Viễn thông MobiFone về quản lý của Bộ Công an. Đây là phương án mà Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ cuối tuần qua. MobiFone, chiếm 30% thị phần, hiện đang là một trong số các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin - nội dung số lớn nhất, cung cấp mạng thông tin di động, trực thuộc quản lý của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC).
Theo sau MFS lần lượt là TVA (+45,63%), HBD (+39,64%), ABC (+39,09%), SEP (+30,13%), BSH (+29,67%), ICI (+26,76%), VNI (+26,32%), PTO (+24,14%), QNT (+22,58%).
Trong đó, cổ phiếu ABC của Công ty CP Truyền thông VMG gây chú ý khi cùng MFS “đua” sắc tím. Cần biết, Truyền thông VMG là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – “kình địch” của MobiFone. Trong khi MFS “nổi sóng”, ABC cũng ghi nhận diễn biến sôi động với đà tăng “bốc đầu” cùng hàng trăm nghìn cổ phiếu được khớp lệnh.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là DNL (-36,76%), XDH (-34,15%), DCR (-26,35%), LMC (-25,77%), PIV (-25,00%), VHD (-20%), G20 (-18,75%), BVN (-16,67%), RBC (-14,93%).
Trong đó, cổ phiếu DNL có diễn biến tiêu cực nhất nhóm khi mất 36,76%. Tính theo mức giá 21.500 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Logistics Cảng Đà Nẵng chỉ còn gần 93 tỷ đồng. Với chỉ hơn 4,3 triệu cổ phiếu lưu hành, thanh khoản của cổ phiếu này chỉ ở mức nhỏ giọt và hiếm khi được giao dịch.