Có kinh nghiệm hàng chục năm hoạt động nhưng Công ty Thực phẩm Quốc tế đã bị phạt vì xâm phạm nghiêm trọng quyền đối với nhãn hiệu "Bia Hà Nội" đã được bảo hộ của Habeco. Sau đó, công ty bết bát tới mức âm vốn chủ sở hữu.
Sau vụ “nhái” Bia Hà Nội, doanh thu Hibeco xuống dốc, âm vốn chủ sở hữu
Habeco đau đầu vì hàng giả, hàng nhái, Thực phẩm Quốc tế bị bêu tên
Thị trường bia Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với cán cân nghiêng hẳn về 2 ông lớn của ngành là Heineken và Bia Sài Gòn (Sabeco). Đứng ngay sát là Bia Hà Nội của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Dù không dẫn đầu thị trường toàn quốc nhưng ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, vị thế của Habeco là không thể phủ nhận. Các chai bia Hà Nội thường xuyên xuất hiện trên bàn nhậu, trong các quán ăn đã đảm bảo sức lan tỏa của thương hiệu này.
Cũng chính vì thế mà suốt nhiều năm qua, một trong những vấn đề khiến Habeco đau đầu chính là tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 4/2024, lãnh đạo Habeco đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức mà hãng bia này đã, đang và sẽ đối mặt. Đồng thời, Habeco đặt ra và thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm vượt khó.
Một trong số đó là “chú trọng việc bảo vệ thương hiệu, liên tục rà soát nhằm phát hiện và xử lý triệt để các hành vi xâm phạm thương hiệu, làm giả, làm nhái sản phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”.
Trong nhiều năm qua, rất nhiều vụ sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái Bia Hà Nội đã phanh phui khá nhiều. Một trong số đó là hồi đầu năm 2020, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Quốc tế (Công ty Thực phẩm quốc tế) bị xử phạt vì hành vi sản xuất bia hơi thành phẩm và chiết xuất vào các keg in nhãn hiệu đã được bảo hộ của Habeco.
Cụ thể, trong thời gian từ tháng 1/2019 đến thời điểm kiểm tra, Công ty Thực phẩm Quốc tế sản xuất sản phẩm bia hơi, bia tươi đóng vào các keg mang nhãn hiệu “Bia Dragon Hà Nội”, “Ha Noi Beer”, “Special Hà Nội Bia”, “Bia tươi Hà Nội Dragon”.
Hành vi trên đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ''Bia Hà Nội'' đã được bảo hộ của Habeco. Tổng giá trị tang vật vi phạm là hơn 297 tỷ đồng. Công ty Thực phẩm Quốc tế bị phạt 190 triệu đồng và buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp với các nhãn bia kể trên.
Âm vốn chủ sở hữu
Trong năm 2020, thời điểm Công ty Thực phẩm Quốc tế bị phạt vì vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, công ty ghi nhận doanh thu giảm rất sâu, giảm từ 40,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 12,2 tỷ đồng. Sau đó, doanh thu có nhiều thăng trầm, lần lượt đạt 30,8 tỷ đồng (năm 2021), 24,6 tỷ đồng (năm 2022) và 26,5 tỷ đồng (năm 2023).
Như vậy sau 5 năm (cũng đồng thời là khoảng thời gian việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của công ty bị phanh phui), doanh thu Công ty Thực phẩm Quốc tế giảm 14,2 tỷ đồng, tương đương 34,9%.
Cùng với doanh thu giảm là thua lỗ tăng. Trong năm 2023, Công ty Thực phẩm Quốc tế lỗ 33,84 tỷ đồng. Kết quả là công ty âm vốn chủ sở hữu 22,1 tỷ đồng.
Công ty Thực phẩm Quốc thành lập ngày 10/7/2001 tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên với người đại diện pháp luật ở thời điểm hiện tại là ông Lưu Anh Tuấn.
Tại ngày 29/3/2017, công ty có vốn điều lệ 23 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Lưu Minh Dũng (sở hữu 90% vốn), ông Nguyễn Quốc Khánh (sở hữu 10% vốn). Từ ngày 6/7/2022, cơ cấu cổ đông biến động mạnh, danh sách được mở rộng hơn, bao gồm: ông Lưu Anh Tuấn (sở hữu 33% vốn), bà Trần Thị Hoa (sở hữu 25% vốn), ông Lưu Thành Đạt (sở hữu 15% vốn), bà Lưu Thị Cẩm Thúy (sở hữu 20% vốn) và ông Lưu Mạnh Toán (sở hữu 7% vốn).
Có thể thấy, sau scandal vi phạm quyền sở hữu công nghiệp với các nhãn bia thuộc Habeco, Công ty Thực phẩm Quốc tế đã xuống dốc và chưa lấy lại được “phong độ” của năm 2019 - thời điểm ngay trước khi vụ việc bị phanh phui.
Mới đây, một số thành viên họ Lưu của Công ty Thực phẩm Quốc tế cùng góp vốn lập pháp nhân mới trong ngành Bia. Và lần này, “bóng dáng” Habeco tiếp tục xuất hiện.
Cụ thể, ngày 19/9/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Rượu Nước giải khát Hưng Yên - Hà Nội được thành lập. Tên viết tắt của công ty là Hibeco Group.
Ở thời điểm mới thành lập, công ty có vốn điều lệ 29 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: ông Lưu Thành Đạt (sở hữu 5,8% vốn), ông Lưu Anh Tuấn (sở hữu 31,2% vốn), bà Trần Thị Hoa (sở hữu 15% vốn), ông Vũ Mạnh Quang (sở hữu 28% vốn), bà Nguyễn Thị Thu Vân (sở hữu 15% vốn), ông Nguyễn Văn Phương (sở hữu 15% vốn).
Bà Nguyễn Thị Thu Vân đồng thời là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty. Từ ngày 27/3/2024, vốn điều lệ Hibeco Group tăng lên 55 tỷ đồng.
Thanh Giang