"Tin vui" cổ tức là "chất xúc tác" đằng sau đà tăng phi mã của một loạt cổ phiếu trong tuần qua. Dù vậy, trong một tuần mà tâm lý thận trọng vẫn còn hiện diện, không có nhiều mã ghi nhận giao dịch sôi động. Trong bối cảnh đó, với sự bùng nổ của dòng tiền, VTP được xem là cổ phiếu tâm điểm.
Dưới tác động của diễn biến thị trường chứng khoán thế giới và những sự kiện quan trọng nhất kể từ đầu năm, VN-Index tuần qua chứng kiến những cú rung lắc dữ dội với biên độ dao động lớn, khiến tâm lý thận trọng chưa thể giảm bớt.
Chốt tuần, chỉ số VN-Index giảm nhẹ, đóng cửa ở mức 1.252,56 điểm, mất 2 điểm so với tuần trước.
HoSE: VTP tự xô đổ kỷ lục, nhiều mã tăng vọt sau "tin vui" cổ tức
Với mức tăng 29,58%, cổ phiếu TTE của Công ty CP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh là mã tăng mạnh nhất sàn HoSE tuần qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11, mã này đóng cửa ở mức 31.100 đồng/cp, chính thức thiết lập kỷ lục mới về giá. Vốn hoá thị trường của doanh nghiệp tương ứng đạt 886 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu TTE lại khá “èo uột” khi khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ đạt khoảng 2.720 đơn vị, thấp hơn nhiều so với tổng số hơn 28,49 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Điều này cho thấy, dù giá cổ phiếu tăng mạnh, mã này lại chưa thực sự thu hút được sự chú ý của dòng tiền.
Trái ngược, dù chỉ giữ vị trí “á quân” tăng giá nhưng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) lại đón nhận sự nhập cuộc của dòng tiền lớn. Khối lượng giao dịch trung bình cả tuần đạt 1,8 triệu đơn vị, cao gấp 2,5 lần tuần trước.
Với việc chốt tuần ở mức giá 108.700 đồng/cp, VTP đã chính thức gia nhập câu lạc bộ cổ phiếu “3 chữ số”. Cổ phiếu phá đỉnh, vốn hoá của Viettel Post cũng lên mức cao nhất lịch sử với 13.238 tỷ đồng.
Như VietnamFinance đã thông tin, đà tăng của cổ phiếu VTP được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tích cực cũng như triển vọng tươi sáng của doanh nghiệp sau khi công bố chủ trương đầu tư công viên logistics tại Lạng Sơn.
Ở vị trí thứ ba, cổ phiếu SFC của Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn đã tăng 21,33% trong tuần qua. Mã này kết tuần ở mức 27.300 đồng/cp, tương ứng mức vốn hoá 307 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đà tăng của cổ phiếu SFC diễn ra ngay sau khi Nhiên liệu Sài Gòn công bố kế hoạch tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%.
Thông tin cổ tức cũng là “chất xúc tác” quan trọng đối với cổ phiếu TCO của Công ty CP TCO Holdings và cổ phiếu TLG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long.
Hai mã này lần lượt xếp ở vị trí thứ tư và thứ năm trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE với đà tăng 16,85% và 14,52%. Cả hai cũng được đánh giá là “sáng cửa” vượt đỉnh cũ.
Các cổ phiếu còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE bao gồm: TMT (+14,95%), SMA (+14,36%), DC4 (+13,72%), SZC (+11,37%) và CSM (+11,21%).
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE gồm có: SC5 (-15,79%), DTL (-13,41%), FIR (-13,28%), OGC (-7,88%), L10 (-7,35%), DTT (-6,93%), FUC (-6,89%), PJT (-6,76%), STG (-6,61%), ABR (-6,57%).
Đáng chú ý, mã giảm mạnh nhất là cổ phiếu SC5 của Công ty CP Xây dựng Số 5 từng góp mặt trong danh sách tăng mạnh tuần trước.
Trong khi đó, các “gương mặt thân quen” như DTL, FIR và ABR dường như vẫn chưa kết thúc chuỗi ngày “ngụp lặn” dưới đáy.
HNX: HGM phá đỉnh, TFC chưa dứt "cơn say" cổ tức
Trên sàn HNX, “quán quân” bứt phá gọi tên cổ phiếu HGM của Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang với đà tăng 38,3%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/11, mã này đạt 130.000 đồng/cp, mức cao nhất lịch sử. Vốn hoá theo đó vượt ngưỡng 1.600 tỷ đồng.
Đà tăng của cổ phiếu HGM được hỗ trợ bởi thông tin thông báo tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 với tỷ lệ 20% bằng tiền. Được biết, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể khai thác và sản xuất sản phẩm antimon ở quy mô công nghiệp, do Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 46,64%.
Là cổ đông lớn nhất, SCIC cũng là bên hưởng lợi nhiều nhất trong đợt chi trả cổ tức tới đây của Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang.
Tương tự HGM, cổ phiếu L40 của Công ty CP Đầu Tư và Xây dựng 40 cũng “nổi sóng” nhờ cổ tức. Mã này đã tăng 31,67%, đặc biệt là trong 3 phiên cuối tuần, ngay sau khi doanh nghiệp công bố kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 90%.
Những cái tên còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX là HTC (+30,94%), MEL (+28,79%), VLA (+22,95%), TFC (+22,8%), SDC (+18,84%), SGH (+16,67%), VCM (+14,88%), PCG (+14,55%).
Trong đó, dù ở vị trí không cao nhưng đây đã là tuần thứ hai liên tiếp cổ phiếu TFC của Công ty CP Trang góp mặt trong nhóm tăng mạnh. Dường như “hiệu ứng cổ tức” vẫn tiếp tục phát huy tác dụng. Tuần trước, mã này đã tăng hơn 28% sau khi doanh nghiệp thông tin chốt danh sách cổ đông vào ngày 4/11 để trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 12%.
Ngược lại, danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất lần lượt gọi tên: ATS (-20%), VE8 (-16,67%), TKU (-14,29%), GKM (-10,77%), TTL (-10%), KST (-9,84%), SGD (-9,77%), PMS (-9,52%), HJC (-9,46%), THS (-9,43%).
Trong đó, cổ phiếu GKM của Công ty GKM Holdings đã lập chuỗi 3 tuần liên tiếp rơi vào nhóm cổ phiếu mất giá mạnh nhất sàn. Đáng chú ý, tuần qua mã này liên tục ghi nhận thông báo bán ra từ phía Chủ tịch HĐQT Đặng Việt Lê.
UPCoM: VDT gây bất ngờ, MFS dựng "cây thông"
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu VDT của Công ty CP Lưới thép Bình Tây gây bất ngờ khi tăng tới 81,82%, soán ngôi quán quân của IN4. Điều này càng ấn tượng hơn khi tuần trước, đây là mã giảm mạnh thứ hai trên sàn.
Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu VDT vẫn chưa được cải thiện với chỉ vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Phiên giao dịch 6/11 là ngoại lệ duy nhất khi ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến 3.560 đơn vị.
Dù vậy, cũng cần nói thêm, phần lớn các mã biến động mạnh trên sàn UPCoM lâu nay đều ở trong tình trạng giao dịch ảm đạm.
Trong bối cảnh đó, tuần này, cổ phiếu MFS của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone trở thành cái tên nổi bật khi khối lượng giao dịch trung bình tuần lên tới 210.252 đơn vị.
Đây là mã xếp thứ 9 trong nhóm tăng mạnh với đà tăng 26,87%. Cổ phiếu họ Mobifone bắt đầu dựng "cây thông" sau thông báo sẽ chốt quyền trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 25% (2.500 đồng/cp).