Nhóm cổ phiếu dệt may đang nhận được một số yếu tố mang tính chất hỗ trợ trong ngắn hạn. Tuy vậy, sau đợt hồi phục gần đây, cổ phiếu nhóm ngành này thích hợp cho hoạt động tích lũy ở vùng giá thấp hơn là “mua đuổi” ở vùng giá cao.
Nhóm cổ phiếu dệt may được xem là thích hợp cho hoạt động mua vào tích lũy trong các nhịp điều chỉnh hơn là “mua đuổi” ở các vùng giá cao. Ảnh: T.L
Số liệu quí 3 khả quan
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, ngành dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh quí 3-2024 khá ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 22% so với quí trước. Mức tăng trưởng mạnh như trên là nhờ các yếu tố như: nửa cuối năm thường là mùa cao điểm và đơn đặt hàng giá trị cao hơn cho bộ sưu tập Thu - Đông. Theo đó, lũy kế chín tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 32 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Sản lượng tiêu thụ hiện nay cũng đã vượt mức trước dịch Covid-19, trong khi giá bán bình quân cải thiện nhẹ tại hầu hết các công ty (khoảng 5%).
Với đà phục hồi nhất định sau tin tức về việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, hiện mức định giá của cổ phiếu trong nhóm dệt may đang ở vùng không quá hấp dẫn.
Trong dài hạn, với kỳ vọng các nhà bán lẻ lớn trên thế giới tiếp tục đa dạng hóa đơn hàng từ nhiều nước xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng ra khỏi Trung Quốc, nhờ: (i) chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc; (ii) mức thuế nhập khẩu hàng từ Việt Nam vào Mỹ thấp hơn so với Trung Quốc và (iii) lợi thế lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh. Cần lưu ý rằng Mỹ sẽ cần thời gian để đưa ra “thuế suất toàn diện”, dự kiến sẽ áp dụng vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ đẩy mạnh các đơn đặt hàng trước khi mức thuế quan mới được áp dụng, không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Theo đó, sản lượng tiêu thụ của các công ty dệt may được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong những quí tới.
“Soi” cụ thể từng doanh nghiệp
Cụ thể hơn, SSI Research phân tích về tình hình kinh doanh của các công ty trong ngành dệt may.
Đầu tiên là Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), trong quí 3-2024, TNG công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt mức cao kỷ lục, lần lượt đạt 2.400 tỉ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,5% so với quí trước) và 111 tỉ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ năm trước và tăng 26% so với quí trước). Điều này là nhờ doanh thu tăng mạnh trong mùa cao điểm, các đơn hàng tại thị trường Mỹ và châu Âu phục hồi (chiếm 80% tổng doanh thu, trong đó mỗi thị trường đóng góp một nửa) và doanh nghiệp mở rộng vào các thị trường xuất khẩu mới.
Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của TNG trong quí 3 đạt 14,4%, thấp hơn quí trước do biên lợi nhuận gộp từ các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường mới thấp hơn để tăng tính cạnh tranh. Về triển vọng, TNG đã nhận đủ đơn hàng đến quí 1-2025 với giá bán bình quân tăng 5%. Theo đó, kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2024 của TNG sẽ lần lượt đạt 7.800 tỉ đồng (tăng 10%) và 331 tỉ đồng (tăng 47%); còn sang năm 2025, các con số trên sẽ lần lượt đạt 8.400 tỉ đồng (tăng 7,9%) và 385 tỉ đồng (tăng 16%).
Với CTCP May Sông Hồng (mã MSH), doanh thu thuần quí 3-2024 đánh dấu mức cao kỷ lục (1.750 tỉ đồng), trong khi lợi nhuận ròng cũng đạt mức cao sau 10 quí tăng trưởng chậm (130 tỉ đồng) nhờ đang trong mùa cao điểm, các đơn hàng phục hồi tại thị trường Mỹ (chiếm 70% doanh thu) và các đơn hàng sản xuất trong quí 2-2024 được giao trong quí 3-2024.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 15,2% (tăng 450 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước và tăng 150 điểm cơ bản so với quí trước) trong khi các công ty cùng ngành đều có xu hướng thu hẹp. Chi phí bán hàng và quản lý (SG&A) trên doanh thu đạt 5,9% - thấp hơn nhiều so với năm trước là 7,4% và quí trước là 8,3% nhờ tiết kiệm chi phí quản lý. Hiện yếu tố có thể kỳ vọng đối với May Sông Hồng là nhà máy Xuân Trường II mới sẽ giúp tăng 25% công suất hoạt động trong năm 2025, qua đó tận dụng được sự phục hồi của ngành.
Mỹ sẽ cần thời gian để đưa ra “thuế suất toàn diện”, dự kiến sẽ áp dụng vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ đẩy mạnh các đơn đặt hàng trước khi mức thuế quan mới được áp dụng, không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Theo đó, sản lượng tiêu thụ của các công ty dệt may được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong những quí tới.
Một trường hợp khác, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng quí 3-2024 lần lượt đạt 1.100 tỉ đồng và 81 tỉ đồng. Đà tăng trưởng mạnh của Thành Công một phần nhờ đơn đặt hàng tăng từ đối tác Hàn Quốc (Eland) và thị trường Trung Quốc (tăng 20%).
Ngoài ra, nhà máy mới mua lại SY Vina đã giúp công ty phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng mới cho thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Đáng lưu ý, Thành Công có thể ghi nhận thu nhập tài chính cao bất thường từ: (i) việc bán nhà máy Trảng Bàng tại tỉnh Tây Ninh, do năng suất nhà máy thấp; và (ii) bán 7 héc ta đất tại tỉnh Vĩnh Long, trước đây được lên kế hoạch xây dựng thành một nhà máy thay SY Vina. Ngoài ra, dự án bất động sản nhà ở TC Tower đang được lên kế hoạch để khởi động lại.
Cụ thể, Thành Công đã ký kết thỏa thuận chiến lược với DBFS (thuộc Tập đoàn Đất Xanh) để có được phê duyệt đầu tư chính, và giấy phép xây dựng TC Tower. Lô đất được coi là “đất sạch”, và Thành Công đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất. Dự án có tổng diện tích 9.898 mét vuông, với dự kiến khoảng 600 căn hộ được bán trong phân khúc trung cấp. Công ty kỳ vọng sẽ ghi nhận doanh thu bất động sản vào năm 2026 và 2027, với giả định không gặp vấn đề trong việc xin giấy tờ pháp lý.
Còn với CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK), dù doanh thu thuần trong quí 3-2024 giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước và chỉ tăng nhẹ 1,3% so với quí trước song lợi nhuận ròng của công ty đạt 81,8 tỉ đồng, không những tăng 392% so với cùng kỳ mà còn đánh dấu sự phục hồi sau khoản lỗ 56 tỉ đồng trong quí 2-2024. Biên lợi nhuận gộp của Sợi Thế Kỷ đạt 16,9%, nhờ chi phí đầu vào cải thiện giúp tăng biên lợi nhuận đơn hàng sợi tái chế.
Ngoài ra, Sợi Thế Kỷ cũng tập trung vào sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng trong thị trường ngách cho khách hàng Nhật Bản và Mỹ. Sản lượng tiêu thụ đến Mỹ đã tăng gấp đôi trong quí 3-2024 và hiện chiếm 10% tổng doanh thu của công ty. Dù có sự cải thiện kết quả kinh doanh trong quí 2 song triển vọng đơn hàng trong quí 4-2024 của Sợi Thế Kỷ vẫn khá ảm đạm. Theo ban lãnh đạo, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất sợi vẫn gay gắt do mức tồn kho cao của Trung Quốc từ năm ngoái. Đồng thời, các nhà sản xuất Trung Quốc đã bán phá giá sợi với giá rất thấp vào thị trường nội địa.
Nhìn chung, các cổ phiếu ngành dệt may đang nhận được một số yếu tố mang tính chất hỗ trợ trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, với đà phục hồi nhất định sau tin tức về việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, hiện mức định giá của cổ phiếu trong nhóm dệt may đang ở vùng không quá hấp dẫn. Do vậy, đây là nhóm cổ phiếu được xem là thích hợp cho hoạt động mua vào tích lũy trong các nhịp điều chỉnh hơn là “mua đuổi” ở các vùng giá cao.