Nếu ai đó chưa trả được nợ tức không còn nguồn hoặc do chưa thu hồi được công nợ, chứ ít doanh nghiệp nào có mà không phân bổ bớt để tạo đà cho mối làm ăn trong năm mới, trừ một số thuộc loại 'chây ì chuyên nghiệp' thì không bàn làm gì.
Mục đích của kinh doanh chính là sinh lời mà mức lời lãi luôn tỷ thuận với mức độ rủi ro. Trong kinh doanh thường không ai có đủ vốn tự có để tự thực hiện một phương án kinh doanh cả hoặc có đủ thì người ta cũng thường không bao giờ rút hết hầu bao để thanh toán cho một thương vụ vì sự rủi ro có thể dẫn đến nguy cơ mất cả vốn lẫn lãi.
Chính vì tính rủi ro trong kinh doanh dẫn việc bên này luôn có “gài bài” với bên kia và ngược lại, trừ các giao dịch “ẩn” giữa các công ty mẹ - con hoặc giữa các đối tác coi nhau như tình bằng hữu, bởi suy cho cùng các giao dịch này thực chất không phải là một giao dịch kinh doanh cho lắm.
Yếu tố quản trị rủi ro luôn được đề cao trong kinh doanh là vậy. Nếu doanh nghiệp quản trị tốt sẽ tránh được sự chây ì của đối tác. Thế nhưng, quản trị rủi ro là một thuật ngữ rộng, do đó nó còn tùy thuộc vào nhận thức và văn hóa kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
Người xưa có câu “gió tầng nào gặp mây tầng đó" có vẻ rất phù hợp với sự tương đồng về văn hóa kinh doanh. Nếu các đối tác có cùng quan điểm về văn hóa kinh doanh, cùng coi trọng chữ tín cộng thêm việc quản trị dòng tiền tốt thì luôn tạo ra các giao dịch win-win với nhau.
Ngược lại, nếu hai bên “lệch pha” ắt sẽ dẫn đến việc chây ì thanh toán và dẫn đến việc đe dọa nhau bằng quyền lực của các mối quan hệ hay sẵn sàng dùng “băng này, nhóm nọ” để uy hiếp nhau. Thậm chí, người ta sẵn sàng đưa nhau lên không gian mạng để để triệt hạ uy tín nhau bằng mọi giá mà không hề nhận thức được rằng các hành vi đó có thể đã cấu thành một tội nào đó được quy định trong Bộ Luật Hình sự.
Nguyên do xuất hiện các chiêu đòi nợ như vậy thì không thể không nhắc đến sự bất cập của pháp luật cộng với việc quản lý của các cơ quan hữu quan đối với việc đăng ký vốn, tài sản của doanh nghiệp mang nặng tính hình thức.
Ngoài ra còn phải kể đến các chứng thư định giá tài sản, báo cáo kiểm toán… được làm theo kiểu“đơn đặt hàng” nên nếu sử dụng phương thức khởi kiện ra tòa án mà thắng kiện thì kết quả đôi khi cũng thu được vẻn vẹn là vài tờ giấy A4 chứ chẳng thực thi được trên thực tế vì doanh nghiệp chẳng có gì để cơ quan thi hành án dân sự xác minh thi hành án.
Doanh nghiệp nào cay cú hơn có thể làm đơn tố cáo nhưng với xu hướng hạn chế hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại như hiện nay thì không nhiều vụ có dấu hiệu hình sự rõ ràng và bị khởi tố, thi hành án phạt tù. Mà thường thì một khi doanh nghiệp đã bị rơi vào cáo buộc hình sự thì họ cũng chẳng còn gì để trả nợ nữa.
Vì vậy, để tránh rơi vào cảnh đến ngày ông Táo về trời mà vẫn phải chật vật đi đòi nợ thì doanh nghiệp phải chú trọng quản trị phòng ngừa rủi ro. Đây là việc xác định, phân tích, ngăn chặn các rủi ro không mong muốn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng và tăng khả năng tận dụng cơ hội. Nói cách khác, quản trị rủi ro là một hệ thống xử lý rủi ro trước khi chúng trở thành tác hại trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Có thể mượn câu chuyện người lái buôn lợn mua bằng cách cân toàn bộ con lợn khi còn sống (thịt lợn hơi), thậm chí mua vo không cần cân chứ không mua theo khối lượng sau khi đã giết mổ (cân móc hàm).
Để mua được lợn hơi mà không sợ bị lỗ, người lái buôn lợn phải có con mắt để quan sát xem thói quen của người chủ hay cho lợn ăn gì, nhận dạng giống lợn, vệ sinh chuồng trại ra sao….và thậm chí là cả tính cách của người chủ để quyết định việc mua hay không. Cách mà người lái buôn lợn chọn mua lợn hơi chính là bằng hành vi quan sát và đặt câu hỏi để thu thâp thông tin rồi mới đưa ra quyết định.
Từ câu chuyện người lái buôn lợn hơi, chúng ta có thể suy ra rằng quản trị rủi ro của doanh nghiệp hiểu theo cách dân dã cũng na ná là vậy. Khi khách quan đánh giá đối tác, hàng hóa, dịch vụ để quyết định một thương vụ thì đừng bao giờ bỏ qua khâu thẩm định bằng lý trí, bởi chỉ người có lý trí mới nên tham gia vào việc kinh doanh, tránh để sự cả nể, cảm tính len lói vào nếu không muốn chuốc lấy các rủi ro đang ngự trị phía trước.
Quản trị phòng ngừa rủi ro rất quan trọng là vậy, nhưng một khi đã không thực thi nó mà để công nợ xảy ra một cách mất kiểm soát thì cũng không nên mất bình tĩnh để đòi bằng mọi giá, bởi nếu không lại có thể xuất hiện thêm mối rủi ro rơi vào vòng lao lý không đáng có.
Vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp đã tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh nên kết quả lỗ hay lãi, công nợ đã thu hồi được hay chưa thì cơ bản cũng đã được định hình rõ.
Nếu ai đó chưa trả được nợ tức không còn nguồn hoặc do chưa thu hồi được công nợ, chứ ít doanh nghiệp nào có mà không phân bổ bớt để tạo đà cho mối làm ăn trong năm mới, trừ một số thuộc loại “chây ì chuyên nghiệp” thì không bàn làm gì.
Ngoài ra, việc thu hồi công nợ không đúng cách sẽ tạo ra sự phản cảm, làm mất hình ảnh, thương hiệu của chính doanh nghiệp mình, đó chính là thứ “lợi bất cập hại” cô lập chính mình trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, các bên đều làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
-------------------------
(*) Luật sư, Công ty luật TNHH NPK Quốc tế
Phan Khắc Nghiêm (*)