Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) luôn nỗ lực trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất như tham vọng từng đề ra.
Lá cờ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Reuters
Theo bài phân tích mới đây trên tờ The Straits Times, trong một thế giới chia rẽ như hiện nay, ASEAN có cơ hội để hiện thực hóa tham vọng đó trong năm 2025.
Cần lưu ý rằng năm 2025 là năm mà ASEAN phải nắm bắt, nếu muốn thực hiện tham vọng trở thành khu vực tiên phong đầu tư vào sản xuất và dịch vụ, đồng thời là đối tác thương mại và du lịch xứng tầm. Có một loạt động lực thúc đẩy ASEAN thực hiện mục tiêu này. Ví dụ, việc tách biệt các chuỗi cung ứng do lo ngại về an ninh quốc gia đã khiến các công ty toàn cầu tìm kiếm một điểm hạ cánh trung lập, để các bên có thể yên tâm tham gia vào hoạt động thương mại. Trong khi đó, ASEAN cũng có hồ sơ nhân khẩu học hấp dẫn.
Ở Đông Bắc Á rộng lớn hơn, cả ba nền kinh tế quan trọng- Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc- đều đang chứng kiến tình trạng già hóa dân số, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, chưa kể đến những vấn đề địa chính trị đang gây chia rẽ trong tiểu vùng từng hội nhập nhanh chóng này.
Ở phía bên kia của ASEAN, Ấn Độ - “gã khổng lồ” đang phát triển khác của châu Á và là đối thủ về đầu tư của ASEAN - đang trong tình trạng suy giảm kinh tế, khiến các dự báo tăng trưởng trong tương lai gần đây bị cắt giảm. Khu vực Nam Á rộng lớn xung quanh Ấn Độ cũng ở trong tình trạng tồi tệ.
Ngược lại, Đông Nam Á (không tính Myanmar) có vẻ đạt trạng thái tốt hơn nhiều. Với một nhóm các nhà lãnh đạo mới, có tư tưởng quốc tế, đứng đầu ở hơn một nửa các quốc gia tạo nên khối này, ASEAN đang đứng trước cơ hội rộng mở để tận dụng những điểm tích cực tiềm năng.
ASEAN phải nắm bắt cơ hội bằng cách thực hiện các bước đi đột phá để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, giúp không chỉ vốn và hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn qua khu vực mà cả dịch vụ và nhân tài. Do đó, việc tập trung trở lại vào một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất rất đáng được hoan nghênh.
Số liệu thống kê của ASEAN cho thấy quy mô chung của nền kinh tế khu vực đã tăng từ 2.500 tỷ USD vào năm 2015 lên 3.800 tỷ USD vào năm 2023, đây là số liệu tính theo năm gần nhất có sẵn. Trong cùng kỳ, tổng kim ngạch thương mại của ASEAN đã cải thiện đáng kể từ 2.300 tỷ USD lên 3.500 tỷ USD.
Nhưng ASEAN gây ấn tượng nhất với tư cách là trung tâm đầu tư toàn cầu. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước ASEAN- thiên về một số ít thành viên- đã đạt mức cao kỷ lục là 234 tỷ USD vào năm 2023, nhấn mạnh môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện của khu vực. Mặc dù mức tăng theo năm là không đáng kể vào năm 2023, dưới 1%, nhưng đáng chú ý là nó đã xảy ra mặc dù dòng vốn FDI toàn cầu giảm 10% trong cùng năm, từ đó củng cố vị thế của ASEAN là nước tiếp nhận FDI lớn nhất trong số các khu vực đang phát triển, thu hút không dưới 17% dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Nơi kinh doanh lý tưởng
Theo dự báo, dòng chảy thương mại của ASEAN sẽ thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho khu vực vào năm 2032. Phó Tổng thư ký ASEAN Satvinder Singh, người chịu trách nhiệm thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cho biết: “Sự phân nhánh (của chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu) sẽ tiếp tục diễn ra. Thành thật mà nói, chúng tôi là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ điều đó, nhiều hơn các thành viên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là Canada hoặc Mexico. Chúng tôi đang ở vị thế rất tốt để cung cấp một địa điểm cho tất cả các nền kinh tế toàn cầu làm việc (với chúng tôi) mà không sợ địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi giá trị. Đó sẽ là thế mạnh của chúng tôi”.
Một số mô hình mới nổi đang xuất hiện. Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai của ASEAN sau Indonesia, đã công bố rằng họ đã giành được 1.140 tỷ baht (33,09 tỷ USD) trong các khoản đầu tư được cam kết vào năm 2024 và là mức cao nhất kể từ năm 2014. Tổng Thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan Narit Therdsteerasukdi cho rằng sự tăng trưởng này là do tính trung lập về địa chính trị của Thái Lan và nước này đã hưởng lợi từ điều đó, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số và điện tử. Trang mạng Nikkei Asia trích dẫn lời ông Therdsteerasukdi nói rằng năm 2025 sẽ là "năm cơ hội" đối với Thái Lan, vì nó giúp "thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa hai cường quốc" trong bối cảnh khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại ngày càng tồi tệ giữa chính quyền của ông Donald Trump và Trung Quốc.
Điều thú vị là Singapore đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Thái Lan khi các công ty Trung Quốc và Mỹ chuyển hướng đầu tư của họ thông qua thị trường này.
Nhưng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được công bố chính thức có hiệu lực vào năm 2015 đang ở đâu? Khi AEC được hình thành vào năm 2003, những tham chiếu sớm nhất về ý tưởng này trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN cho thấy những người soạn thảo có thể đã nghĩ đến một thị trường chung theo phong cách châu Âu với "sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề". Kể từ đó, đã có một chút quay trở lại với các tham vọng ngay cả khi một loạt thỏa thuận ràng buộc đã được ký kết, bao gồm Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Atiga), Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) và Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (Atisa).
Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ- cả hai đều sẽ được nâng cấp vào năm 2025- là những căn cứ bổ sung. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng vậy, có hiệu lực vào năm 2022, đưa ASEAN và một số đối tác thương mại lớn nhất của mình vào một khuôn khổ được coi là FTA lớn nhất thế giới.
Điều đó cho thấy sự chênh lệch lớn trong khu vực (Singapore và Brunei đứng đầu về kinh tế và Lào và Myanmar ở đầu bên kia) và sự gia tăng đột biến của chủ nghĩa bảo hộ thương mại cùng sự gia tăng của các rào cản phi thuế quan, tất cả đều làm chậm tiến trình hướng tới một thị trường thống nhất. Tính di động của lao động tự do, một thành phần quan trọng của liên minh kinh tế thực sự, vẫn bị chính trị chi phối và khó thực hiện.
Tiếp theo: Cơ hội cho ASEAN - Bài cuối: Thời điểm hành động