“Phải luôn bình tĩnh và suy nghĩ tích cực. Có suy nghĩ tích cực mới tìm ra giải pháp” – Đây là câu nói thường trực của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), cũng là điều đã khiến cho những nhân sự còn gắn bó với Hòa Bình đến lúc này cảm thấy có động lực để nuôi dưỡng niềm tin với thương hiệu xây dựng hàng đầu của Việt Nam sau bao nhiêu bão tố.
Hòa Bình là tổng thầu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, cũng từng là công ty xây dựng có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Nhưng hàng loạt vấn đề xảy ra, đến từ khách quan lẫn chủ quan, khiến cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết trên HOSE từ tháng 9/2024.
Ông Lê Viết Hải đã thẳng thắn chia sẻ câu chuyện của Hòa Bình tại Talk Show The Investors số 9, được dẫn dắt bởi Host Nguyễn Đức Hùng Linh – Nhà sáng lập Think Future Consultancy.
Host Hùng Linh: Năm 2006, Hòa Bình trở thành tổng thầu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán. Tại sao ông quyết định lên sàn sớm như vậy?
Ông Lê Viết Hải: Bởi vì Hoà Bình bước vào giai đoạn phát triển rất nhanh và cần vốn.
Ngày đó, đã có rất nhiều người khuyên tôi, công ty xây dựng không nên niêm yết vì khó đảm bảo được yêu cầu minh bạch rất cao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nhưng tôi cho rằng phải tiên phong niêm yết, và cần phải niêm yết nhiều công ty xây dựng hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành xây dựng.
Tôi cũng không lo ngại việc mất quyền kiểm soát công ty khi không còn chiếm tỷ lệ sở hữu tuyệt đối bởi lẽ một công ty sẽ luôn hoạt động hiệu quả nếu có các chính sách đem lại lợi ích cho cổ đông.
Khi ấy, những người trong Hội đồng quản trị (HĐQT) cùng tôi phát triển công ty đều mang cùng hoài bão, ước mơ và xác định một sứ mệnh rõ ràng. Chúng tôi muốn đưa Hòa Bình trở thành một Tập đoàn xây dựng có thể đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển kinh tế của quốc gia và vươn ra thế giới. Niêm yết trên thị trường chứng khoán là cách nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu về vốn, thực hiện sứ mệnh đó.
Host Hùng Linh: Một rủi ro khi niêm yết cổ phiếu là doanh nghiệp bị thâu tóm. Ông nghĩ gì?
Ông Lê Viết Hải: Đây đúng là một rủi ro khi niêm yết. Điều đáng lo nhất là bị đối thủ cạnh tranh thâu tóm và họ sẽ đưa công ty đi theo hướng mà người sáng lập không mong muốn.
Nhưng cũng có nhiều bên đi thâu tóm để tái cấu trúc, hỗ trợ về tài chính, thị trường, quản trị để thúc đẩy sự phát triển của công ty bị thâu tóm. Mua về để phá hoại thì đâu có được lợi gì.
Với Hòa Bình, nếu có nhà đầu tư thâu tóm với chiến lược rõ ràng và phù hợp để phát triển, chúng tôi không ngại. Quan trọng nhất là công ty thực hiện được định hướng, mục tiêu, sứ mệnh.
Nếu nhà đầu tư cùng định hướng đó, chắc chắn họ đã nghiên cứu rất kỹ và việc đầu tư sẽ tốt cho doanh nghiệp của mình. Nếu có những điều khác với lãnh đạo hiện thời, sẽ phải nói chuyện với nhau để tìm phương án phát triển tốt nhất.
Tôi có thể thuyết phục nhà đầu tư đi theo con đường tôi đã chọn nếu lập luận đúng, chặt chẽ và ngược lại họ cũng vậy.
Host Hùng Linh: Ngoài việc huy động vốn, việc niêm yết mang lại lợi ích gì khác cho Hòa Bình?
Ông Lê Viết Hải: Giai đoạn 2006-2019, Hòa Bình phát triển ổn định, nhanh chóng và có thể nói là "thần kỳ". Cứ 5 năm, doanh thu lại tăng 5 lần. Năm 2008 – tức 2 năm sau khi niêm yết, chúng tôi đạt doanh thu 700 tỷ đồng. Đến năm 2013 doanh thu là 3.500 tỷ đồng. Đến năm 2018 con số Hòa Bình đạt được là 18.300 tỷ đồng.
Chỉ 5 năm sau niêm yết chúng tôi đã đủ năng lực để phát triển ra thị trường nước ngoài. Năm 2011, Hòa Bình được tiếp tập đoàn UOA – doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của Malaysia. Họ ngạc nhiên vì trình độ xây dựng công trình của Hòa Bình không thua kém các nhà thầu nước ngoài. Điều họ tâm đắc nhất là cách tổ chức công trường cực kỳ bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn và chất lượng cao.
Chúng tôi được UOA mời làm quản lý xây dựng dự án tại Kuala Lumpur, cuộc hợp tác rất thành công.
Đến năm 2014, Hòa Bình đã thắng thầu một số dự án tâm điểm như Saigon Centre 6 tầng hầm, 43 tầng cao giá trị lên đến 154 triệu USD, giai đoạn 2-3 và Vietinbank Tower cao 68 tầng. Đây là hai dự án quy mô lớn yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao mà chủ đầu tư đòi hỏi rất khắt khe. Chúng tôi đã chứng minh Hoà Bình hiểu rõ và hoàn toàn đáp ứng được.
Host Hùng Linh: Đó là giai đoạn trước năm 2019, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề đã xảy ra là gì?
Ông Lê Viết Hải: Từ năm 2020, Hòa Bình gặp nhiều thách thức. Nguyên nhân đến từ việc chúng tôi tập trung rất cao vào các công trình khách sạn, resort cao cấp hay bất động sản nghỉ dưỡng 5-6 sao. Khi đại dịch bùng phát, gặp khó khăn về tài chính vì giãn cách xã hội và không có khách nước ngoài, họ chậm thanh toán tiền cho nhà thầu.
Tuy nhiên chúng tôi không thể ngừng thi công. Nếu không tiếp tục duy trì hoạt động của công trường, người lao động không có việc làm, chủ đầu tư không hoàn thành dự án để kịp khai thác khi đại dịch kết thúc. Chúng tôi lấy tiền ở đâu ra? Chỉ có thể là từ vốn của doanh nghiệp và nguồn tín dụng của ngân hàng.
Hòa Bình đã cố gắng như vậy, nhưng sau khi hết đại dịch vào năm 2022, thị trường chưa kịp sôi động trở lại thì xung đột địa chính trị trên thế giới lại nổ ra. Cho đến nay, lượng khách quốc tế vẫn chưa trở lại, ngành du lịch chưa hồi phục, các chủ đầu tư khách sạn, resort cũng vì thế chưa hết khó khăn. Hòa Bình chưa thể thu hết nợ, còn dự án mới thì gần như không có.
Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản nhà ở và khu đô thị lâm vào khủng hoảng do vấn đề tài chính và pháp lý. Chúng tôi tiếp tục khó khăn trong việc thu hồi nợ của những khách hàng này cũng như tìm kiếm công trình mới. Nó dẫn đến khó khăn khi giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Chúng tôi cũng nhận thầu các công trình hạ tầng và bất động sản khu công nghiệp nhưng doanh thu không đáng kể so với quy mô của Hòa Bình.
Host Hùng Linh: Với những khó khăn gặp phải, Xây dựng Hòa Bình đã lỗ trong 2 năm gần đây. Ông có cảm thấy áp lực?
Ông Lê Viết Hải: Tôi thấy rất áp lực. Gần 4-5 năm nay, tiền lãi phải trả ngân hàng mỗi năm xấp xỉ 500 tỷ đồng, 5 năm khoảng 2.500 tỷ đồng Trong bối cảnh khó kiếm công trình mới còn nợ cũ không thu được, dòng tiền đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Năm 2023 doanh thu của Hòa Bình là hơn 7.500 tỷ đồng, thấp nhất nhiều năm. Chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng trong năm nay nhưng khó đạt được.
Host Hùng Linh: Nói về tình hình ngành xây dựng, ngoài việc chủ đầu tư không trả được nợ, một tình trạng đang được nhắc đến là nhiều nhà thầu phá giá. Những điều này tác động thế nào đến Hòa Bình?
Ông Lê Viết Hải: Thị trường xây dựng đang ở trạng thái cung quá lớn, cầu quá nhỏ. Các chủ đầu tư không có nhiều dự án mới nhưng lại có quá nhiều công ty xây dựng trên thị trường. Cạnh tranh khốc liệt dẫn đến nhiều nhà thầu làm dưới giá vốn, đó là quy luật tự nhiên của thị trường, không thể nào cưỡng lại được.
Giải pháp triệt để cho vấn đề này là phải xuất khẩu ngành xây dựng Việt Nam ra nước ngoài. Thị trường quốc tế có quy mô gấp 450 lần so với Việt Nam, trong đó có nhiều thị trường đang thiếu hụt các nhà thầu. Nếu tìm kiếm được những thị trường đó, chúng ta sẽ khai thác được năng lực của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.
Tôi đã nhiều lần trình bày với Chính phủ về lợi thế của ngành xây dựng Việt Nam và đề xuất cần có chiến lược tầm quốc gia để khai thác lợi thế đó, đưa ngành này vươn tầm quốc tế.
Host Hùng Linh: Theo tôi được biết, các nhà thầu nước ngoài khi vào Việt Nam thường "đi theo" dòng vốn ODA từ nước họ rót vào, do đó cạnh tranh với các công ty trong nước. Có cách nào giúp nhà thầu Việt Nam cạnh tranh trên trường quốc tế nếu không có nguồn vốn ODA của Chính phủ?
Ông Lê Viết Hải: Trên thế giới chúng ta có nhiều đối thủ cạnh tranh, lớn nhất vẫn là Trung Quốc, sau đó đến Nhật Bản, Hàn Quốc và các nhà thầu lâu đời đến từ Châu Âu. Cần phải biết mình có lợi thế như thế nào.
Chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thấp nhưng lại nhiều kinh nghiệm và sở hữu tay nghề, trình độ đáp ứng những yêu cầu cao nhất của những dự án có quy mô lớn nhất, kỹ thuật phức tạp nhất. Chúng ta có chuỗi cung ứng về vật liệu xây dựng khi xuất khẩu xi măng của Việt Nam năm 2017 đã đứng số 1 thế giới, xuất khẩu sản phẩm gỗ và nội thất của Việt Nam sang Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, cũng đứng số 1 thế giới. Nhiều sản phẩm xây dựng xuất khẩu của nước ta đều đứng thứ hạng rất cao ở thị trường toàn cầu.
Chúng ta cũng sở hữu chuỗi dịch vụ từ thiết kế, quản lý dự án, giám sát chất lượng… Cả một hệ sinh thái xung quanh ngành xây dựng đã được hình thành và trưởng thành trong giai đoạn bùng nổ của ngành.
Nếu so với Trung Quốc, tôi cho rằng các doanh nghiệp nước này làm tốt trong nội địa nhưng ra nước ngoài thì chưa chắc. Một số công trình họ xây ở Việt Nam như tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông hay dự án thoát nước kênh Nhiêu Lộc tại TP.HCM… phát sinh nhiều vấn đề, đội vốn. Ngoài ra, nguồn nhân lực giá rẻ của Trung Quốc ngày càng giảm. Nhân công của họ hiện nay đòi hỏi mức lương cao gấp 3 lần Việt Nam. Nhân công Nhật Bản và Hàn Quốc cũng gặp vấn đề như vậy.
Chúng ta có công nghệ lõi, có chuỗi cung ứng cạnh tranh và có nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy khả năng cạnh tranh của các nhà thầu Việt Nam trên trường quốc tế là rất lớn.
Host Hùng Linh: Một số chủ đầu tư lớn đang thay đổi chiến lược bằng cách tự lập công ty xây dựng và thầu luôn dự án của mình. Điều này ảnh hưởng thế nào?
Ông Lê Viết Hải: Theo tôi đây là xu hướng không tốt cho cả chủ đầu tư, nhà thầu và Hòa Bình. Họ cho rằng chỉ cần nắm chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng, lập ra bộ máy quản lý là sẽ giảm được chi phí đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên sau một thời gian, các chủ đầu tư sẽ nhận ra cách làm đó không hiệu quả. Các dự án thường bị chậm trễ và phát sinh nhiều chi phí. Cả ngân sách, chất lượng, tiến độ và an toàn cho hoạt động xây dựng đều xảy ra vấn đề.
Dần dần các chủ đầu tư sẽ nhận ra làm tổng thầu không hề đơn giản.
Có 2 lý do chính cho để tôi nói vậy. Một là sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu các nguồn lực thiết yếu trong quán lý xây dựng. Hai là quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu không rõ ràng nên rất khó phân định trách nhiệm để áp dụng các biện pháp chế tài trong việc xử lý các rủi ro về chất lượng, tiến độ, an toàn lao động...
Host Hùng Linh: Dự báo của ông về ngành xây dựng trong năm 2025?
Ông Lê Viết Hải: Tôi cho rằng mức độ cạnh tranh của ngành trong năm tới sẽ giảm bớt do có sự thúc đẩy các dự án đầu tư công từ Chính phủ.
Thứ hai, nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19 ngày càng lớn, nhu cầu về các công trình công nghiệp, nhà máy, nhà kho cũng sẽ lớn dần theo.
Thứ ba, tôi nhận thấy thị trường bất động sản nhà ở, khu đô thị đã có tín hiệu tích cực trở lại. Trong thời gian qua chúng tôi đã trúng thầu dự án Eaton Park giai đoạn 1 tại quận 2, TP.HCM.
Host Hùng Linh: Trở lại với tình hình của Hoà Bình, có các giải pháp nào để giải quyết những khó khăn trước mắt?
Ông Lê Viết Hải: Một số biện pháp khả thi có thể thực hiện ngay là thu hồi nợ nhanh chóng, mạnh mẽ hơn từ các khách hàng. Bên cạnh đó, với những dự án Hòa Bình đã đầu tư, chúng tôi có thể sẽ bán nếu thị trường thuận lợi hoặc triển khai nhanh hơn.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thanh lý một phần máy móc thiết bị đã khấu hao gần hết để ghi nhận lợi nhuận.
Có một giải pháp nữa có thể đem về nguồn tiền là nhận chuyển nhượng dự án của một số đối tác đang mong muốn đưa tài sản của họ vào Hòa Bình, chuyển thành vốn góp. Tức là nâng vốn chủ sở hữu của Hòa Bình bằng dự án và phát hành cổ phiếu cho đối tác đó. Có một số nhà đầu tư đang muốn dùng giải pháp này.
Chúng tôi chỉ chọn những dự án tốt để phát triển cùng nhau.
Host Hùng Linh: Như các nhà đầu tư đã biết thì tháng 9/2024, cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết. Việc này ảnh hưởng như thế nào?
Ông Lê Viết Hải: Tôi rất tiếc vì đã không giữ được cổ phiếu HBC niêm yết trên sàn HoSE. Việc này khiến Hoà Bình gặp khó khăn hơn trong đấu thầu các dự án, trong việc giữ mối quan hệ với đối tác, ngân hàng và tìm kiếm thêm nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên thiệt hại lớn nhất vẫn là các cổ đông.
Việc tìm kiếm nguồn vốn từ trong nước cũng như nước ngoài với Hòa Bình lúc này đều khó. Khi xuống UPCoM, thị giá cổ phiếu HBC quá thấp, chỉ bằng khoảng 50% mệnh giá. Khó có thể phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Trong 2 năm 2022 và 2023 có 2 công ty nước ngoài ký MOU để phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cp, nhưng sau đó đã không chứng minh được nguồn tài chính để đầu tư.
Với việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, chúng tôi đã trình bày với đối tác về giá trị thực của Hòa Bình. Họ nhìn ra vấn đề và đến nay nhà đầu tư trước đây vẫn quyết tâm mua 200 triệu cổ phiếu HBC với giá 10.000 đồng. Các đối tác của chúng tôi chỉ lo một điều là hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị gián đoạn, nhưng thực tế chứng minh Hòa Bình vẫn hoạt động bình thường trong hai năm qua, vượt qua những khó khăn tài chính.
Tuy nhiên chúng tôi không đặt quá nhiều hy vọng vào phương án này, quan trọng nhất là vẫn là giải quyết những vấn đề nội tại của công ty, đặc biệt là bằng những biện pháp tôi nêu ở trên.
Host Hùng Linh: Vậy còn kế hoạch tại thị trường nước ngoài?
Ông Lê Viết Hải: Tôi thấy xấu hổ khi chiến lược phát triển ra nước ngoài của Hòa Bình bị chậm do điều kiện tài chính hạn hẹp chưa thể thực hiện được. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm thị trường có biên lợi nhuận cao và thiếu nguồn lực về mảng xây dựng, giữ các mối quan hệ với bạn bè quốc tế để khi nào đủ điều kiện, chúng tôi sẽ thâm nhập ngay.
Ngoài thị trường Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada) và Australia, chúng tôi đã nghiên cứu thăm dò thị trường Nga và thị trường Châu Phi, bắt đầu với Kenya. Đây là hai thị trường rất tiềm năng vì thiếu nguồn lực trong lĩnh vực xây dựng.
Ngành xây dựng Kenya đang rất lạc hậu, không khác gì Việt Nam sau giải phóng. Thậm chí họ còn không có cần cẩu, máy bơm bê tông… toàn làm bằng tay chân. Còn Nga thiếu nguồn nhân công chất lượng cao vì nhiều lý do. Nhà nước Nga cũng khuyến khích phát triển thị trường nội địa do cấm vận, trong đó có cả thúc đẩy ngành xây dựng đi lên. Nhiều dự án bất động sản tại Nga đang triển khai rất chậm vì thiếu nguồn lực.
Host Hùng Linh: Sau những biến cố, kinh nghiệm mà ông có được là gì?
Ông Lê Viết Hải: Tôi nghĩ đầu tiên là phải xây dựng mối quan hệ tốt với các bên. Trong lúc khó khăn, chúng tôi có được những sự giúp đỡ từ các nhân viên, đối tác, nhà thầu phụ và sự ủng họ của các cổ đông.
Giai đoạn dồi dào nguồn lực, chúng tôi luôn thanh toán tiền sớm cho các nhà thầu phụ, chẳng bao giờ nợ. Vì vậy, khi chúng tôi gặp khó, họ sẵn sàng mua cổ phiếu HBC với giá 10.000-12.000 đồng kể cả khi lúc đó trên sàn giá chỉ có 7.000-8.000 đồng thôi. Các ngân hàng cũng giúp đỡ chúng tôi, cấp hạn mức mới. Đó là nhờ cách chúng tôi cư xử với các bên trong một thời gian dài.
Hoà Bình cũng đã có biện pháp để quản trị rủi ro về tài chính. Nhiều người cho rằng Hòa Bình quản lý tài chính yếu kém nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Tôi không phủ nhận công ty có mặt hạn chế trong việc quản lý tài chính nhưng những khó khăn Hòa Bình phải đối diện rất khó hình dung nổi và rất khó giải quyết.
Tôi cho rằng một CEO hay CFO giỏi cỡ nào cũng khó giải quyết được các vấn đề đó, thậm chí là khó duy trì được hoạt động của công ty như bây giờ.
Nhắc lại chuyện đấu thầu, chúng tôi từng tham gia liên doanh đấu thầu gói 35.000 tỷ tại sân bay Long Thành. Dù đưa ra giá thầu thấp, thời gian thi công ngắn nhưng cũng không trúng. Những nỗ lực của chúng tôi không đạt được kết quả tốt khiến BCTC xấu đi. Đó là một bài học đau thương với Hòa Bình.
Tuy nhiên tôi đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
BCTC cải thiện. Hoà Bình trúng thầu những dự án quy mô lớn và chuẩn bị công bố thêm một số dự án khác.
Sau khủng hoảng, Hoà Bình vẫn còn lại những tài sản có giá trị rất lớn. Đó là những đối tác vẫn giữ niềm tin vào Hoà Bình, những nhà thầu phụ chiến lược quyết tâm gắn bó với Hoà Bình. Chúng tôi có sự hài lòng của khách hàng khi hoàn thành đúng hạn dự án, dù giai đoạn vừa qua không có tiền trả cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ.
Nhiều chủ đầu tư còn không ngờ khó khăn như vậy mà Hoà Bình vẫn hoàn thành công trình, đảm bảo an toàn, đúng hạn. Đó là điểm Cộng và họ tin rằng trong hoàn cảnh nào thì Hoà Bình vẫn tìm được cách khắc phục và giữ được uy tín.
Chúng tôi mất nhiều nhưng được cũng không ít.
Những gì thuộc về vật chất đã mất tôi tin rằng sẽ lấy lại được. Có những điều không thể có được nếu Hoà Bình không rơi vào nghịch cảnh như thời gian vừa qua. Đó là ân nghĩa, là sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ tận tình của đối tác, khách hàng, bè bạn. Đó là lòng trung thành, sự hy sinh, sức chịu đựng của các thành viên Hoà Bình cùng những bài học kinh nghiệm xương máu giúp Hoà Bình trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn về nhiều phương diện. Không thử qua lửa không phân biệt được vàng thau, không qua trui rèn sắt không thể thành thép được.
Host Hùng Linh: Một vấn đề mà cổ đông đang rất quan tâm là chặng đường trở lại HoSE sẽ như thế nào?
Ông Lê Viết Hải: Tôi cho rằng trước sau cổ phiếu HBC cũng sẽ trở lại HoSE. Theo như kế hoạch của UBCKNN và Bộ tài chính, nếu đáp ứng đủ điều kiện, tới cuối năm 2026, toàn bộ cổ phiếu từ HNX và UPCOM sẽ chuyển về HoSE với nhau.
Nhưng tất nhiên điều quan trọng là phải làm thế nào để công ty có được kết quả kinh doanh thật tốt trong khả năng có thể. Mục tiêu trở lại HoSE chắc chắn phải đạt được.
Host Hùng Linh: Hòa Bình có tiếp tục công cuộc chuyển giao thế hệ?
Ông Lê Viết Hải: Hòa Bình đã chuyển giao thế hệ rồi. Anh Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình làm việc ngày đêm không khác gì người trong gia đình, rất tâm huyết. Anh ấy là người trong thế hệ kế thừa của công ty.
Lời nói cuối cùng trong talk show hôm nay, tôi mong các cổ đông hãy kiên nhẫn, giữ vững niềm tin vào Ban lãnh đạo công ty. Chúng tôi nhất định không để các cổ đông thiệt hại trong như trong thời gian qua, đặc biệt là các cổ đông hoán đổi nợ sang cổ phiếu với giá cao hơn giá thị trường. Nhất định chúng tôi sẽ tìm mọi cách!
Bài:Trọng Hiếu
Ảnh:Việt Hùng
Thiết kế:Hải An