Các chuyên gia cho rằng với tâm lý e ngại từ thông tin chính sách Thuế đối ứng, dòng tiền nhiều khả năng sẽ đi ngang và chờ đợi. Thị trường sẽ tích cực hơn trong tuần giao dịch 7-11/4.
Chứng khoán "nín thở" chờ thông tin chính sách Thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Tổng thống Donald Trump. Ảnh minh họa: Forbes.
Chiều ngày 2/4 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (tức khoảng 3-4 giờ sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam), Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ công bố chính sách Thuế đối ứng với các đối tác thương mại.
Hoa Kỳ dự định sẽ áp Thuế đối ứng với toàn bộ các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, mặc dù không đưa ra cách tính Thuế đối ứng cụ thể, nhưng chính sách này không chỉ bao gồm thuế quan mà có thể bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế ngoài lãnh thổ đối với các công ty Mỹ và các rào cản phi thuế quan khác.
Trước đó, vào ngày 23/3/2025, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã thu hẹp đáng kể phạm vi áp thuế, có thể chỉ tập trung vào các quốc gia vi phạm theo hai tiêu chí gồm: Áp đặt thuế quan không công bằng đối với hàng hóa Mỹ; và khiến Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn (theo Bloomberg).
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận Việt Nam có khả năng cao rơi vào nhóm bị áp thuế do đang đánh thuế nhập khẩu trung bình cao hơn 5,8% so với mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp dụng. Tính thêm VAT, con số này có thể lên đến gần 11%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng trong “top 3” các đối tác mà Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại lớn nhất.
Dù vậy, ông Minh nhìn nhận Việt Nam đã có những động thái tích cực giảm mức thâm hụt xuống như Đề xuất của Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN (thuế tối huệ quốc) đối với một số mặt hàng; xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng quan trọng của Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nông sản và sản phẩm công nghệ cao… Do đó, ông kỳ vọng Việt Nam sẽ chưa nằm trong danh sách áp thuế đối ứng.
Tương tự, các chuyên gia phân tích từ KBSV cho rằng Việt Nam đang có những kế hoạch tăng mua hàng hóa từ Mỹ như khí LNG, máy bay, nông sản, thực phẩm…; và những nỗ lực nhằm hạn chế hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng đã được chính phủ Mỹ ghi nhận.
“Trong trường hợp Mỹ đánh giá tích cực về những động thái của Việt Nam, chúng tôi cho rằng vẫn có khả năng Việt Nam không bị Mỹ đưa vào danh sách trong kỳ đánh giá này”, trích báo cáo của KBSV.
Ở kịch bản tiêu cực, KBSV cho rằng trường hợp Việt Nam bị áp thuế đối ứng không tính đến VAT, Mỹ có thể tăng mức thuế bình quân thêm 5,8% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Còn ở trường hợp Việt Nam bị áp Thuế đối ứng có tính đến VAT, Tổng thống Donald Trump có thể xem xét đến cả những rào cản thương mại khác mà các quốc gia khác đang áp dụng, điển hình như thuế VAT. Theo cách tiếp cận này, sẽ phải cộng thêm phần chênh lệch giữa thuế VAT mà Việt Nam đang áp dụng (10%) và thuế bán hàng (Sales Tax) trung bình các bang của Mỹ đang áp dụng (5%). Như vậy, mức Thuế đối ứng có thể lên tới xấp xỉ 11%.
Về phần mình, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng nếu bị áp thuế, nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ là các doanh nghiệp FDI do đây là các lĩnh vực có tỷ trọng lớn xuất khẩu vào Mỹ. Với doanh nghiệp trong nước, một số nhóm bị ảnh hưởng có thể là nông sản, dệt may, đồ gỗ, da giày…
“Tôi nghĩ mức áp thuế lên Việt Nam từ 10-20% sẽ tác động ít nhất 1% GDP của Việt Nam. Dù vậy, tôi nghĩ Việt Nam trong năm 2025 chưa thực sự chịu nhiều tác động do chính sách áp thuế”, ông Minh nhìn nhận.
Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia VIS Rating nhìn nhận nếu Việt Nam bị tăng thuế, các ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.
“Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế”, trích báo cáo của VIS Rating.
Tác động với thị trường chứng khoán
Sau 4 phiên giảm điểm liên tục (26/3-31/3), VN-Index đã giao dịch tích cực trở lại trong 2 phiên ngày dịch gần nhất (1/4 và 2/4) với tổng mức tăng đạt hơn 10 điểm. Dù chỉ số tăng điểm song thanh khoản vẫn khá thấp, “basis” cả 4 hợp đồng tương lai gần nhất duy trì mức âm xấp xỉ từ 5 đến 7 điểm cho thấy tâm lý e ngại của dòng tiền.
"Theo thống kê của Yuanta Việt Nam, dòng tiền trên thế giới tập trung trú ẩn vào các tài sản an toàn là vàng và trái phiếu. Điều này cho thấy họ e ngại trước những yếu tố bất định của thế giới. Một số nhà đầu tư lo lắng vấn đề lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các kênh tài sản rủi ro. Song tôi thấy chỉ số ‘bond-yield’ (lợi suất trái phiếu) của Hoa Kỳ chưa tăng mà lại đang giảm, đồng nghĩa kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán chưa đến mức có sự khủng hoảng", ông Minh phân tích.
Giám đốc Yuanta Việt Nam cũng phân tích, thị trường trong tuần giao dịch 31/3-4/4 vẫn sẽ trong trạng thái đi ngang và chờ đợi những thông tin từ Chính quyền Tổng thống Donald Trump.
“Áp lực điều chỉnh vẫn hiện hữu, song mốc 1.300 sẽ là kháng cự quan trọng của thị trường. Đây là mức nền hỗ trợ mạnh cho VN-Index. Tôi nghĩ thị trường sẽ rơi vào tình trạng phân hóa, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể tăng nhưng chỉ là nhịp hồi do các tuần giao dịch trước đã giảm sâu. Còn nhóm vốn hóa lớn có thể vẫn còn áp lực giảm hoặc biến động trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng VN-Index trong tuần giao dịch tiếp theo 7-11/4 sẽ phản ứng tích cực hơn”, ông nói.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDirect nhìn nhận các rủi ro và tác động từ thuế quan có thể đang bị “thổi phồng” quá mức. Vị chuyên gia này đánh giá nếu VN-Index “lùi” về vùng hỗ trợ quanh 1.300 điểm (+/-10 điểm) sẽ mở ra cơ hội giải ngân với giá vốn tốt cho mục tiêu trung-dài hạn, đặc biệt ở các ngành có triển vọng tích cực trong năm nay như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở, điện, và đầu tư công.
“Năm 2025, thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ để kỳ vọng vào xu hướng tích cực, bao gồm định giá hấp dẫn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, những lợi ích lớn từ triển khai hệ thống KRX và nâng hạng thị trường”, ông Hinh đánh giá.