Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Chung tay xây dựng thương hiệu gạo Việt - Kỳ 2: Gian nan như làm thương hiệu gạo
Chuyên mục:

Hàng hóa

Báo Tuổi trẻ | 05:20
Google news

Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" gạo ST25, chia sẻ ở Việt Nam chưa có thương hiệu gạo quốc gia nên ông phải xây dựng thương hiệu riêng của mình. Nhưng khi bắt tay vào làm, ông bị "sốc" bởi quá "chua".

Thu hoạch lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Gạo có thương hiệu gặp khó trong việc bảo vệ thương hiệu bởi tình trạng làm giả, làm nhái. Cần nhiều giải pháp để xây dựng thương hiệu gạo bền vững.

Thương hiệu gạo mong manh dễ... mất

"Lúc đầu tôi cũng còn bỡ ngỡ, chưa biết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên sau những sự cố xung quanh gạo ngon nhất thế giới, tôi đã học hỏi được nhiều điều nên quyết tâm làm", ông Cua cho biết.

Sau khi gạo ST25 lên "ngôi vương" gạo ngon nhất thế giới năm 2019, gia đình ông Cua đã bắt tay làm thủ tục đăng ký thương hiệu cũng là lúc các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước bắt đầu đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25. Chẳng hạn, trong năm 2021 có 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu, có doanh nghiệp đăng ký độc quyền chữ ST25.

Sau khi thuê một công ty luật quốc tế đại diện tham gia tố tụng và được sự trợ giúp của nhiều tổ chức, ông Cua giành được bản quyền vào cuối năm 2023, sau khi hồ sơ của các doanh nghiệp khác bị đình chỉ. "Nếu mình không có động thái kịp thời và không được cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ Mỹ chấp nhận, từ khóa ST25 sẽ không được gắn lên túi gạo Việt Nam, chúng ta mất thương hiệu", ông Cua nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Trương Tấn Tài - tổng giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice, Đồng Tháp), để xây dựng nhãn hiệu gạo, doanh nghiệp cần thực hiện nhiều khâu như: gửi mẫu gạo cho đối tác, cam kết về các tiêu chuẩn do đối tác đặt ra như một số nước Trung Đông đặt tiêu chuẩn Halal, với đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn này phải ở nước ngoài.

Rồi nhiều yếu tố đi kèm như giá trị xã hội, giá trị con người (chế độ chính sách cho người lao động, lao động là nữ chủ hộ...). Chưa hết, khi xây dựng vùng nguyên liệu cho nhãn hiệu gạo, đối tác nước ngoài liên tục cử người đến giám sát. "Cuộc chơi là như vậy, doanh nghiệp muốn làm được phải chấp nhận", ông Tài nói.

Cần vốn để phát triển lúa chất lượng cao

Ông Nguyễn Hồng P., ngụ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho hay nhờ vốn vay nông nghiệp từ ngân hàng mà gia đình ông có thêm vốn đầu tư cho cơ sở kinh doanh gạo. Các ngân hàng đa dạng gói dịch vụ, cụ thể như ông vay HDBank, nên đã có nguồn tiền xoay vòng để thu mua gạo, mua máy đóng gói, hút chân không giúp dễ vận chuyển và bảo quản gạo được lâu hơn. Trước cơ hội của ngành lúa gạo, ông P. tự tin: "Sắp tới tôi sẽ tiếp tục vay vốn nhằm mở rộng kinh doanh gạo".

Trong khi đó, nhiều cá nhân, đơn vị cho hay vẫn cần nguồn vốn lớn để phát triển gạo chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (tỉnh Đồng Tháp), cho biết hiện hợp tác xã mong tiếp cận thêm nguồn vốn để đầu tư kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nội đồng. "Vụ thu đông năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Kết quả, mô hình giúp giảm 20 - 30% chi phí sản xuất; tăng năng suất 10%; tăng thu nhập cho nông dân thêm 20 - 25%. Hợp tác xã có nhu cầu vay vốn để mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao lên 150ha", ông Hùng nói.

Đại diện HDBank cho hay từ đầu năm 2024, ngân hàng này đã giải ngân hạn mức tín dụng gần 5.000 tỉ đồng cho một tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, HDBank triển khai nhiều ưu đãi về phí và lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên biệt: kinh doanh tiêu, cà phê, điều, lúa gạo...

Với chiến lược cho vay theo chuỗi liên kết, HDBank đang cùng các doanh nghiệp và bà con nông dân nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong thị trường gạo đầy tiềm năng.

Gieo sạ lúa thuộc đề án 1 triệu ha chất lượng cao của TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Phải bắt đầu bằng vùng nguyên liệu...

Theo ông Trần Trương Tấn Tài, để có được vùng nguyên liệu gạo đạt chất lượng đồng nhất, doanh nghiệp luôn đi từng bước nhỏ để kiểm soát chất lượng đầu vào, rồi tiếp đến là đầu tư công nghệ máy móc nhà xưởng để bảo quản và kiểm soát dư lượng. Công ty tổ chức mua lúa sản xuất theo mô hình lúa tôm đạt tiêu chuẩn ở các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng, đồng thời mở rộng vùng trồng.

"Theo tôi, chúng ta không nên tham vọng số lượng mà bất chấp thu mua lúa số lượng nhiều, nếu giả dụ chỉ có một lô hàng không đạt chất lượng sẽ mất cơ hội phát triển. Vinarice đang xuất khẩu 3 nhãn hiệu gạo, trong đó giá thấp nhất khoảng 980 USD. Trong nước cũng có 2 nhãn hiệu gạo dành riêng cho Co.opmart và Vinmart", ông Tài nói.

Một chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng Việt Nam cần thiết lập thương hiệu gạo chung cho gạo Việt, đồng thời xây dựng nhãn hiệu chứng nhận để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và đăng ký cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ các nước có tiềm năng mua gạo của Việt Nam. Kinh nghiệm của Thái Lan, cần có những quy định, những tiêu chí chung về chất lượng gạo như độ ẩm, màu sắc, nhưng quan trọng nhất là độ thuần của hạt gạo, và thiết lập một quy chế để công nhận.

"Thái Lan công nhận bằng ADN và tổ chức hậu kiểm giai đoạn kinh doanh. Với nỗ lực toàn ngành từ Cục Ngoại thương tới Cục Sở hữu trí tuệ và những quy định của mình, ngôi vị gạo Thái Lan vững vàng có gạo thơm số 1 thế giới. Với quy mô những năm gần đây thường xuyên đạt 1,3 triệu tấn/năm đã mang lại hiệu quả vô cùng cao, tạo tiếng thơm rất lớn cho gạo Thái Lan", vị này nói.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Theo ông Đỗ Hà Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu, có gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice).

"Chính sách hỗ trợ cần cụ thể, chẳng hạn Nhà nước hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở các thị trường lớn, thị trường trọng điểm...", ông Nam nói.

Bàn nhiều nhưng chưa có thương hiệu gạo quốc gia
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia, mới chỉ có logo nhãn hiệu gạo Việt Nam. Thương hiệu gạo quốc gia được Bộ NN&PTNT nói nhiều năm qua nhưng Việt Nam mới làm được ở công đoạn xây dựng vùng nguyên liệu. Đó là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Trong khi đó, ngoài thương hiệu gạo ST25 từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, còn có một số thương hiệu khác như Cơm Việt Nam Rice (Tập đoàn Lộc Trời); gạo Trung An; gạo A An (Tập đoàn Tân Long)... đã có mặt tại nhiều quốc gia, kể cả những thị trường khó tính như EU, Mỹ... "Tuy nhiên thương hiệu được nhớ đến, gắn liền với gạo quốc gia thì mờ nhạt", ông Thủy nói và cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu đủ lớn nên khó kiểm soát nguồn cung, chất lượng không ổn định, không có tiêu chuẩn cho xuất khẩu theo nhóm thị trường lớn và truyền thống.

Trong khi với Thái Lan, ông Thủy cho biết sau khi gạo Hom Mali đoạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 1998, Thái Lan đã bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu lớn, tiêu chuẩn hóa quy trình để bảo đảm chất lượng ổn định dẻo, mềm, thơm, hương vị và ráo nước... Bao bì gạo Hom Mali có phiên bản tiếng Anh là chủ đạo, có thêm tiếng Trung Quốc, Philippines, Việt Nam... "Thái Lan sử dụng các thông điệp như "Think Rice, Think Thailand" (Nghĩ đến gạo, nghĩ đến Thái Lan) và "The rice bowl of Asia" (Bát cơm châu Á) để liên kết hình ảnh gạo Thai Hom Mali với quốc gia, nên gạo Thái Lan được tô đậm trong tâm trí người tiêu dùng nước ngoài", ông Thủy nói.

K.TÂM - Đ.TUYẾT - C.QUỐC - THẢO THƯƠNG

Link gốc

Thị trường đóng cửa
HDB
Thị trường đóng cửa
LTG
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục