Trong bối cảnh thị trường được dự báo còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố bất định bên ngoài, những yếu tố nội tại sẽ là điểm tựa quan trọng cho chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn.
Nền tảng vĩ mô vững chắc được kỳ vọng là điểm tựa tốt cho thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu.
Chứng khoán Việt Nam đã trải qua một giai đoạn giao dịch với nhiều cảm xúc. Sau thông tin áp thuế 46% từ Tổng thống Donald Trump (phiên 3/4), VN-Index đã giảm một mạch trong 4 phiên liên tiếp. Vốn hóa HoSE theo đó giảm hơn 933.074 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 37,3 tỷ USD, xuống mức gần 4,6 triệu tỷ đồng.
Dù vậy, với thông tin hoãn áp thuế quan trong 90 ngày, VN-Index tăng mạnh 3 phiên liên tiếp (10/4, 11/4, 14/4). Chỉ số tới cuối phiên 25/4 đạt 1.229,23 điểm, tăng gần 134 điểm từ mức đáy chốt phiên 9/4 (1.094,3 điểm).
Chia sẻ với Nhadautu.vn, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia đã giải ngân mạnh trong nhịp giảm điểm vừa qua của VN-Index. Một nhà đầu tư chia sẻ: “Thông tin thuế quan rõ ràng tác động tới triển vọng trung hạn của TTCK, song việc giảm gần 17% trong 4 phiên cho thấy VN-Index đã về vùng quá bán. Tôi đã tận dụng cơ hội này để mua các cổ phiếu với nền tảng kinh doanh tốt, tỷ lệ trả cổ tức cao”.
Thời gian tới, chỉ số được kỳ vọng sẽ tiếp tục hướng tới những vùng điểm cao hơn. Nền tảng kinh tế tốt và có triển vọng trong dài hạn trở thành điểm tựa quan trọng cho thị trường chứng khoán trong nước.
Điều này thể hiện qua quyết tâm của Chính phủ với Nghị quyết 77 ban hành ngày 12/4, trong đó đánh giá tình hình vĩ mô trong nước và thế giới có nhiều thách thức, song vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8%. Chính phủ cũng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương không bi quan, tận dụng cơ hội, tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8% trở lên, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Động lực từ kinh tế vĩ mô ổn định
Trong riêng quý II/2025 và cả năm nay, nhiều đơn vị kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục tốt nhờ vào nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Ở thư gửi nhà đầu tư, ông Petri Deryng, nhà sáng lập Pyn Elite Fund bày tỏ mức thuế 46% mà Mỹ đề xuất sẽ gây áp lực ngắn hạn lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, quỹ vẫn duy trì niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ và xây dựng.
Phân tích sâu hơn các con số, ông cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam ước đạt 405 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 137 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI chiếm tới 72% tổng xuất khẩu, song giá trị gia tăng thực tế chỉ đóng góp khoảng 8% vào GDP sau khi loại trừ phần nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu.
"Việt Nam tiếp tục có khả năng tăng trưởng trong năm 2025, bất chấp tác động từ chính sách thuế, nhờ vào chi tiêu công và tiêu dùng nội địa", ông Deryng nhận định.
Đồng quan điểm, các chuyên gia Chứng khoán VNDirect cho rằng thị trường đã có những phản ứng “quá mức” và bị khuếch đại bởi hiệu ứng “giải chấp cổ phiếu”. Trong trung hạn, VNDirect nhìn nhận thị trường chứng khoán vẫn có những yếu tố hỗ trợ để phục hồi từ vùng đáy hiện tại, bao gồm chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cùng với khả năng Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2025.
Trong kỳ Review tháng 3/2025 của FTSE Russell, TTCK Việt Nam dù vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets), song tổ chức này đã ghi nhận các cam kết của cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong việc theo đuổi các cải cách quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn nhà đầu tư quốc tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm việc nâng cấp nền tảng giao dịch chính.
Tương tự, TS. Hồ Sỹ Hòa – Giám đốc nghiên cứu và Tư vấn đầu tư – CTCP Chứng khoán DNSE đánh giá TTCK Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố về triển vọng nâng hạng, hệ thống KRX sẽ chính thức vận hành vào ngày 5/5, quyết tâm tăng trưởng GDP cao bằng cách đẩy mạnh tín dụng và đầu tư công, và thông điệp giảm thuế nhập khẩu về 0% từ Chính phủ.
Yếu tố nội tại cũng là điều được SGI Capital đề cập trong báo cáo gần nhất của mình. “Một trong những điểm rất đáng chú ý trong lần suy giảm mạnh vừa qua của TTCK là sự ổn định của tỷ giá và các mặt bằng lãi suất. Không thể phủ nhận sự điều hành chủ động của Chính phủ và NHNN đang phát huy tác dụng. Sự ổn định vĩ mô cùng như nỗ lực liên tục của Chính phủ trong đàm phán và hỗ trợ tăng trưởng sẽ là bệ đỡ quan trọng cho dòng tiền dài hạn chảy vào thị trường”, SGI Capital nhìn nhận.
Một điểm tựa khác với thị trường chứng khoán đến từ mức định giá hấp dẫn. Hiện tại, P/E VN-Index đang giao dịch với mức chiết khấu 28% so với trung bình 5 năm. Bất chấp những tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ, các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên sàn HoSE sẽ đạt mức 12-17% trong năm 2025, tùy theo các kịch bản thuế quan. Xét theo định giá P/B, VN-Index hiện tại đang tương đối hấp dẫn khi giao dịch ở mức 1,5 lần, chiết khấu 22,7% so với mức trung bình 5 năm.
Vùng giá hiện tại được đánh giá là hấp dẫn trong dài hạn. Theo đó, các nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị có thể cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu ở mức giá hiện tại, vì rủi ro thuế quan phần lớn đã được phản ánh vào giá và thị trường đang đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn. Đặc biệt, những yếu tố như thành công trong đàm phán thuế quan hoặc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên nhóm "Thị trường Mới nổi thứ cấp" của FTSE có thể giúp thị trước được tái định giá lại cao hơn từ các mức thấp hiện tại.
Ở góc nhìn của mình, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân ở nhóm chứng khoán. Lĩnh vực này dự kiến hưởng lợi từ việc hệ thống KRX sẽ go-live từ ngày 5/5. Đây là tín hiệu cho thấy TTCK Việt Nam đã sẵn sàng cho việc nâng hạng vào tháng 9 năm nay. Khi đó dòng vốn đầu tư vào TTCK có thể lên đến hàng tỷ USD.
Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng cũng được kỳ vọng hưởng lợi do sự chuyển dịch tăng trưởng GDP nhờ các yếu tố nội tại. Theo đó, các ngân hàng Việt Nam tài trợ vốn tín dụng cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có một số nhóm đáng chú ý như bất động sản, tiêu dùng, đầu tư công...
Ông Phương cũng gợi ý nhà đầu tư có thể để ý nhóm cổ phiếu bất động sản dân dụng và đầu tư công.