Chứng khoán Mỹ bật tăng vào thứ Năm khi dữ liệu lạm phát mới và thông tin cập nhật về các kế hoạch thuế quan của Mỹ có vẻ đã làm dịu đi một phần những lo ngại về áp lực giá cả và căng thẳng thương mại toàn cầu.
Theo đó, chốt phiên giao dịch 13/2, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 342,87 điểm, tương đương 0,77%, lên 44.711,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,04% lên 6.115,07 điểm trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,5% lên 19.945,64 điểm.
Dow Jones đạt mức cao nhất trong phiên sau khi Tổng thống Donald Trump ký bản ghi nhớ xem xét việc áp thuế đối ứng với nhiều đối tác thương mại nhưng chưa vội triển khai bất kỳ mức thuế quan cụ thể nào nào dù đã cảnh báo về những thay đổi lớn trong chính sách thương mại tuần này. Ông cũng cho biết thêm rằng các mức thuế bổ sung, bao gồm thuế đối với ô tô nhập khẩu, có thể được áp dụng trong tương lai, theo thông tin từ Reuters.
Diễn biến tích cực từ nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đã thúc đẩy đà tăng của thị trường. Cổ phiếu Nvidia tăng khoảng 3,2% sau khi Hewlett Packard Enterprise thông báo đã cho ra mắt các sản phẩm sử dụng chip Blackwell. AppLovin, cổ phiếu công nghệ có hiệu suất tốt nhất tại Mỹ trong năm ngoái, tăng vọt 24% nhờ kết quả lợi nhuận tốt trong quý cuối năm 2024. Thị giá Tesla cũng tăng tới 5,8%.
Thị trường vẫn giữ được sắc xanh sau khi chỉ số giá sản xuất (PPI) ghi nhận mức tăng 0,4% trong tháng 1. Con số này cao hơn so với ước tính 0,3% của Dow Jones. Trong khi đó, PPI lõi, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% trong tháng, khớp với dự báo.
Mặc dù số liệu lạm phát có vẻ nóng hơn nhưng báo cáo PPI và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trước đó cho thấy khả năng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ không tăng quá mạnh so với những gì các nhà giao dịch lo ngại. Chỉ số PCE, sẽ sớm được công bố trong tháng này, là thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi chặt chẽ.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm sụt giảm khoảng 10 điểm cơ bản xuống còn 4,531% sau khi báo cáo PPI được công bố.
Trước đó, phố Wall vừa trải qua một giao dịch dao động mạnh sau khi lạm phát tiêu dùng tăng “nóng” hơn dự báo trong tháng đầu năm, kéo giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sớm giảm lãi suất. Hiện tại, thị trường vẫn tiếp tục đối mặt với rủi ro căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.