Dòng tiền tham gia mạnh mẽ đã giúp chỉ số VN-Index hồi phục hơn 52 điểm từ vùng đáy trong phiên và khép lại phiên giao dịch cuối tuần giảm hơn 19 điểm, đứng tại mức 1.210 điểm.
Thị trường bật hồi hơn 52 điểm trong phiên 4/4. Ảnh Thời báo ngân hàng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một phiên giao dịch cuối tuần biến động mạnh. Theo đó, VN-Index sau khi mở cửa phiên 4/4 đã tiếp tục giảm mạnh 72 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy ồ ạt đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, thậm chí nhiều mã còn đảo chiều tăng điểm.
Sang đến phiên chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh, chỉ số VN-Index đã hồi phục hơn 52 điểm từ vùng đáy trong phiên và khép lại phiên giao dịch cuối tuần giảm hơn 19 điểm, đứng tại mức 1.210 điểm. Đây cũng là mốc điểm cao nhất của chỉ số trong ngày hôm nay. Trong phiên 4/4, sàn HoSE có 354 mã giảm, trong đó có đến 100 cổ phiếu giảm hết biên độ.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 1,8 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch đạt hơn 42.210 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các mã cổ phiếu trong nhóm VN30 như VIC (+3,7%), LPB (tăng hết biên độ), VNM (+3,5%) và VHM (+2%) giao dịch khởi sắc và đóng góp vào chỉ số chung hơn 5,7 điểm. Trong phiên hôm nay, việc chỉ số VN30 "rút chân" 70 điểm đã đóng vai trò chính giúp VN-Index phục hồi.
Dù vậy, đa số nhóm ngành cổ phiếu trên sàn vẫn giảm sâu với nhiều cổ phiếu giảm hết biên độ như: Nhóm dầu khí với PVD, BSR giảm hết biên độ, GAS, PVB, PVS giảm trên 5%; GMD trong nhóm cảng biển cũng giảm sàn...
Những nhóm ngành được cho là chịu tác động bởi thuế quan giảm rất mạnh. Bất động sản khu công nghiệp với các mã IDC, PHR, BCM, KBG, VGC... giảm hết biên độ trong tình trạng trắng bên mua; Diễn biến tương tự tại nhóm dệt may ở các mã TNG, TCM, MSH, STK, GIL...; và thủy sản với MPC, CMX, FMC, IDI, VHC...
Về giao dịch của khối ngoại, nhóm này tiếp tục bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung tại các mã FPT (615,65 tỷ), VCB (472,75 tỷ), SSI (452,01 tỷ)...
Đà hồi phục của chỉ số chính trong phiên 4/4 liệu đã xác lập đáy ngắn hạn của VN-Index? Nhà đầu tư có nên mua vào với tỷ trọng hợp lý để thăm dò thị trường? Để giải đáp những câu hỏi này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực Đầu tư CTCP Chứng khoán VPS.
Trong phiên giao dịch 4/4, VN-Index giảm điểm mạnh và rút chân về cuối phiên, thanh khoản cũng cao nhất lịch sử với giá trị giao dịch đạt kỷ lục 42.210 tỷ đồng. Theo ông, đây có phải là dấu hiệu xác nhận thị trường chứng khoán đã tạo đáy thành công?
Ông Lê Đức Khánh: VN-Index trong phiên 4/4 có thời điểm giảm sâu nhất về đáy trung hạn năm nay, tức mức 1.159 điểm. Dù vậy, thị trường đã có phiên “ngược dòng” với đà giảm được thu hẹp vào cuối phiên và chốt phiên ở mức cao nhất 1.210,67 điểm. Thanh khoản đạt mức kỷ lục với giá trị giao dịch 42.210 tỷ đồng cho thấy cầu mua vào bắt đáy gia tăng rất mạnh.
Có thể coi đây là một phiên đáy ngắn hạn của thị trường. Tôi kỳ vọng VN-Index có thể trở lại khu vực 1.250 – 1.280, thậm chí 1.300 điểm ngay trong tháng 4.
Thanh khoản đạt kỷ lục dường như đến từ lượng lớn dòng tiền bắt đáy vào thị trường. Nhiều cổ phiếu cũng đảo chiều tăng về cuối phiên. Phải chăng nhà đầu tư đã bớt lo sợ với thông tin thuế quan?
Ông Lê Đức Khánh: Tâm lý lo sợ vẫn bao trùm trong phiên giao dịch hôm nay. Có thể thấy trong hầu hết thời gian giao dịch, VN-Index giảm từ 30-40 điểm với nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng giảm hết biên độ.
Như đã nói, lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp dòng tiền thu hẹp. Lực cầu khá mạnh dù thị trường điều chỉnh mạnh 2-3 phiên cho thấy cầu hấp thụ khá tốt. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần điều chỉnh tích lũy đi kèm các phiên tăng điểm để thành “khung” test tích lũy. Dòng tiền sau khi tạo đáy sẽ cần kiểm tra lại đáy và phục hồi trở lại khi xu hướng đi lên ngày càng trở nên rõ nét hơn.
Dù vậy, thị trường vẫn chờ thông tin từ kết quả đàm phán mức thuế quan đối ứng với Mỹ. Trong phiên hôm nay, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung cũng ổn định và tích cực hơn phiên trước với thông tin Tổng thống Donald Trump để ngỏ cửa đàm phán thuế đối ứng, và việc Argentina đàm phán thành công đã tạo thêm nhiều kỳ vọng với Việt Nam.
Tôi nghĩ Việt Nam có dư địa để đàm phán về mức thuế thấp hơn, điều này có thể hỗ trợ tâm lý thị trường giai đoạn tới.
Thị trường giảm mạnh trong 2 phiên vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội với nhà đầu tư. Sau dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ, nhà đầu tư nên có hành động thế nào?
Ông Lê Đức Khánh: Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo, kiểm soát cổ phiếu, tỷ trọng phù hợp trong danh mục và chú ý các giao dịch trong ngắn hạn.
Nhiều cổ phiếu đã rơi về vùng định giá hấp dẫn mà nhà đầu tư có thể chọn lọc. Những thời điểm thị trường chao đảo với biên độ lớn là cơ hội với những ai có tỷ trọng tiền mặt cao. Dù vậy, việc giải ngân cần dựa trên nguyên tắc kiểm soát tỷ trọng danh mục, tránh ảnh hưởng tâm lý, chọn cổ phiếu tiềm năng và cần có tầm nhìn dài hạn.
Nhà đầu tư có thể giải ngân mua vào các cổ phiếu giảm sâu thời gian qua, tập trung các nhóm ít bị ảnh hưởng bởi thông tin thuế quan và có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.
Theo tôi, một số nhóm ngành không bị ảnh hưởng trực tiếp từ thông tin thuế quan, thậm chí còn có cơ hội như: Ngân hàng và tài chính với yếu tố dòng tiền trong nước vẫn chảy, nhu cầu vay vốn chưa hạ nhiệt, nên nhóm này chưa bị tác động nhiều; tiêu dùng và bán lẻ trong bối cảnh chính sách đang kích cầu; công nghệ, chuyển đổi số do doanh nghiệp càng cần chuyển đổi để tối ưu chi phí và vận hành. Ngoài ra còn có năng lượng, đầu tư công với việc được Nhà nước rót vốn mạnh, nên có thể nói là vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Xin trân trọng cảm Ông!