Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC: UPCOM) là một trong những nhà thầu đình đám tại Việt Nam với bề dầy 37 năm hình thành và phát triển. Năm 2023 – 2024 có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất của doanh nghiệp và cũng là khoảng thời gian vất vả nhất của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, người sáng lập và chèo lái doanh nghiệp nhiều thập kỷ qua.
Gặp gỡ phóng viên nhadautu.vn tại văn phòng làm việc trong ngày gần kết năm, ông Hải đã có trải lòng về thời gian qua, vì sao Hòa Bình gặp khó khăn hơn doanh nghiệp xây dựng khác, bài học rút ra và niềm tin về triển vọng sáng hơn cho năm sau.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng ngành bất động sản thời gian tới và qua đó tác động ra sao đến lĩnh vực xây dựng?
Ông Lê Viết Hải: Tôi đánh giá thị trường bất động sản sang năm sẽ tốt hơn nhiều. Bởi, đã có những chuyển biến khá tích cực, trước hết là từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý. Tổng Bí thư Tô Lâm rất quyết liệt trong xử lý các điểm nghẽn, thủ tục, hành chính để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Và hiệu quả đã có, rõ nhất là giải quyết pháp lý cho Novaland – một nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam. Nỗ lực của Chính phủ, lãnh đạo Nhà nước là chìa khóa để cải thiện tình hình.
Thứ hai, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư lớn từ các “đại bàng” trên thế giới. Như mới đây, Nvidia thông báo hợp tác với Chính phủ để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và Trung tâm Dữ liệu AI (trí tuệ nhân tạo). Đầu tư của Nvidia không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ thông tin mà tác động đến nhiều lĩnh vực khác.
Thứ ba, ngành du lịch sang năm kỳ vọng có chuyển biến tích cực, khôi phục hoàn toàn về lượng khách nước ngoài trước dịch. Đặc biệt, đầu năm 2025 khi ông Donal Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì tôi tin chiến tranh phải kết thúc, điều này thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Bởi vì khi có hòa bình kinh tế thế giới sẽ hồi phục và lượng khách du lịch sẽ tăng. Đặc biệt hai nguồn khách không nhỏ của ngành du lịch Việt Nam là Nga và Ukraine.
Thứ tư, Chính phủ thúc đẩy hoàn thành nhiều dự án đầu tư công đang dở dang và cho khởi công nhiều dự án mới quy mô lớn. Nhờ những điểm đó, lĩnh vực xây dựng được dự báo sẽ tăng trưởng tốt vào năm sau, gấp đôi từ 7,5% của năm 2024 lên 15%, theo một báo cáo của Vinacapital.
Mấy năm nay, Xây dựng Hòa Bình chuyển sang đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, phải chăng là để giảm thiểu rủi ro?
Ông Lê Viết Hải: Công ty có các mảng kinh doanh gồm bất động sản dân dụng, nghỉ dưỡng, công nghiệp và hạ tầng. Đồng thời, công ty cũng có định hướng đầu tư ra nước ngoài.
Khoảng 5, 6 năm trước dịch, Hòa Bình tập trung cao cho các dự án resort, khách sạn. Đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp bất động sản chuyển qua đẩy mạnh bất động sản nghỉ dưỡng. Bởi từ năm 2016 – 2017, nhà nước chủ trương đẩy mạnh du lịch, ra luôn Nghị quyết của Đảng chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia. Doanh nghiệp bất động sản nhà ở, đô thị xin giấy phép bất động sản đô thị rất khó nhưng giấy phép để đầu tư bất động sản du lịch rất dễ nên đổ xô đi làm.
Còn ngành bất động sản dân dụng trong những năm qua gặp khó khăn không chỉ do đại dịch covid-19 mà do kiểm soát về pháp lý của nhà nước, nhiều dự án không thể xin giấy phép nên không có nhiều việc cho nhà thầu.
Đó là 2 mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của Xây dựng Hòa Bình. Mảng công nghiệp, hạ tầng chiếm tỷ trọng doanh thu rất nhỏ, đâu đó chỉ khoảng 5%.
Đối với việc phát triển ra nước ngoài, tôi xác định có thể chưa đẩy mạnh nhưng phải có. Chúng tôi tập trung nguồn lực để phát triển trong nước nhưng cũng dành phần để nắm bắt cơ hội phát triển ra nước ngoài, tạo động lực phát triển bền vững trong tương lai. Hòa Bình đang ở giai đoạn nghiên cứu sâu thị trường, tiếp cận các đối tác, xây dựng mối quan hệ và sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi có dự án tiềm năng.
Ông đánh giá triển vọng các mảng này năm sau thế nào?
Ông Lê Viết Hải: Ngành bất động sản nghỉ dưỡng, tôi nhận định với thái độ của người đứng đầu Nhà nước thì những dự án nghỉ dưỡng có thể không xây mới nhưng sẽ được tiếp tục hoàn thành. Nhờ đó, những nhà thầu như Hòa Bình sẽ có nhiều việc làm.
Trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh không để dự án lãng phí, đắp chiếu nhiều năm, cần triển khai, đưa vào đầu tư xây dựng, tạo công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm phục vụ cho cộng đồng, phát triển kinh tế.
Giá trị khu đất rất cao, không biết khai thác mà để năm này qua năm khác trong khi cần những công trình phục vụ dân sinh như bệnh viện, nhà ở, khách sạn, resort, nhà máy… Đây là sự lãng phí lớn, chủ đầu tư đã bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng, đền bù; đất rừng, đất nông nghiệp đã phải phá bỏ nhưng không được xây dựng, để đất trống. Do vậy, phải có hướng xử lý để các khu đất, khoản tiền đã đầu tư được khai thác hiệu quả.
Tổng bí thư đã nói các quan chức sợ bị mang tội tham nhũng không dám quyết gì mà để lãng phí thì tội còn lớn hơn. Đây là quan điểm tôi cho rằng rất quan trọng để thay đổi tư duy của người làm quản lý Nhà nước, phải làm đúng quy trình, phải thúc đẩy ban, ngành trong phạm vi quản lý để xử lý cho doanh nghiệp, người dân.
Mặt khác, như tôi đã nhận định ở trên, khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì chiến tranh có thể chấm dứt. Nhờ đó, cả ngành du lịch có thể phục hồi. Bất động sản đô thị, nhà ở cũng khởi sắc dần.
Nhìn lại, ông thấy điều gì đã khiến Hòa Bình gặp khó khăn đến thế thời gian qua?
Ông Lê Viết Hải: Tôi cho rằng Hòa Bình có 2 điểm khác biệt với nhiều doanh nghiệp xây dựng khác khiến cho công ty gặp khó khăn hơn.
Thứ nhất, Hòa Bình tập trung rất cao cho lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng trong 5 đến 6 năm trước dịch. Khi dịch bệnh đến, công ty khó kiếm được công ăn việc làm và khách hàng của công ty cũng gặp khó khăn.
Thứ hai, trong giai đoạn khó khăn, Xây dựng Hòa Bình vẫn tiếp tục thực hiện công trình. Nếu công ty tạm ngưng thì sự việc sẽ nhẹ nhàng hơn, chi phí thi công, chậm thanh toán sẽ ít hơn.
Ngoài vấn đề thị trường thì một vấn đề không riêng Hòa Bình mà nhiều doanh nghiệp xây dựng là công nợ lớn. Trải qua khó khăn vừa qua, ông rút ra bài học gì về quản trị rủi ro?
Ông Lê Viết Hải: Thực ra, xuyên suốt quá trình hoạt động, Hòa Bình vẫn có các bước chọn chủ đầu tư, thẩm định tính khả thi của dự án cũng như năng lực tài chính của chủ đầu tư. Song, các khách hàng của Hòa Bình chủ yếu là những nhà phát triển bất động sản hàng đầu thị trường như Sungroup, Vingroup hay Novaland. Câu hỏi đặt ra là năng lực tài chính của họ có đáng nghi ngờ không? Tôi cho là không.
Tôi cho rằng chỉ có một biến cố bất thường không đánh giá được là dịch bệnh covid. Ngành du lịch tăng trưởng vài chục % mỗi năm, cho đến năm 2019 tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh vừa bùng phát, ngành du lịch sụt giảm đến hơn 90%, thậm chí năm 2021 chỉ có 1% khách nước ngoài đến Việt Nam. Không ai dự đoán được điều này.
Sau đó, hết dịch rồi thì các xung đột chính trị lại nối tiếp diễn ra từ Nga – Ukraine cho đến Trung Đông,…, đưa lĩnh vực du lịch vào hoàn cảnh khó khăn chồng khó khăn.
Nhưng sau sự việc xảy ra, Hòa Bình cũng rút ra được bài học, có kinh nghiệm để ứng phó với những rủi ro bất thường như vậy. Tôi nhận ra nếu doanh nghiệp cứ gồng gánh với chủ đầu tư để vượt qua khó khăn trong khi không lường sức mình rất nguy hiểm.
Ông cho rằng Xây dựng Hòa Bình đã vượt qua khó khăn chưa?
Ông Lê Viết Hải: Phải đến năm sau Hòa Bình mới vượt qua khó khăn được. 6 tháng đầu năm báo cáo tài chính của Hòa Bình xấu quá, bị loại ngay từ vòng gửi xe không được dự thầu. Hòa Bình vẫn làm được công trình nhỏ nhưng công trình lớn thì khó. Nhưng với quy mô của Hòa Bình, phải công trình lớn mới nuôi được nhân công, bộ máy.
Giữa năm có BCTC tốt hơn, vốn chủ sở hữu từ 93 tỷ lên hơn 1.600 tỷ đồng, như vậy mới dự thầu được các dự án ngàn tỷ trở lên. Nhờ đó, trong các tháng cuối năm mới nhận được các dự án lớn quy mô ngàn tỷ như mới đây là Eaton Park, trước đó là Newtown. Chúng tôi còn trúng thầu nhiều dự án nữa và sẽ công bố vào thời điểm thích hợp.
Năm 2024, Hòa Bình cũng trúng thầu được 9.000 tỷ đồng, chủ yếu là dự án bất động sản nhà ở. Sang năm, công ăn việc làm cho công ty cải thiện hơn rất nhiều.
Với năm sau, đã có tín hiệu khởi sắc từ thị trường bất động sản, lĩnh vực du lịch cũng phục hồi, tôi tin rằng những mảng kinh doanh chính của Hòa Bình sẽ đi lên.
Dù vậy, dòng tiền vẫn là câu chuyện khó khăn của Hòa Bình cần đối mặt. Bây giờ, công ty cần thêm nguồn vốn, phải là vốn tự có. Sắp tới, công ty sẽ bán một số dự án bất động sản để giải quyết câu chuyện dòng tiền.
Nhìn lại thì tôi cho rằng sống sót là may rồi. Điều được là trong lúc khó khăn đã tìm được đối tác chiến lược cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn và giá trị của sự hợp tác bền lâu. Những đối tác đó là khách hàng, nhà thầu phụ, nhà cung cấp, cổ đông và cả cán bộ công nhân viên.
Một cách làm không hướng về hiệu quả kinh tế nhưng tôi không cảm thấy tiếc vì trong khó khăn Hoà Bình vẫn luôn giữ được tính nhân văn trong ứng xử với người lao động. Đó là trong bối cảnh công trình mới rất ít, công ty không có chủ trương cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt vì lý do công ty không đảm bảo được việc làm cho người lao động. Trong giai đoạn chờ việc mà nhân viên tìm được việc làm ở bên ngoài vẫn có thể ra đi mà không lo sợ sẽ không được về lại khi công ty có nhiều việc. Nếu anh em không tìm được việc thì công ty có nhiều chương trình đào tạo nội bộ để anh em ở nhà học và Hoà Bình vẫn trả lương cơ bản.
Cám ơn ông!
Mỹ Hà-Minh Thông