Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch HĐQT VNDIRECT Phạm Minh Hương pha trà tiếp khách với một chiếc bàn kiểu Nhật. Người phụ nữ đặc biệt của ngành chứng khoán Việt Nam tiết lộ, sau cú vấp với chứng khoán năm 2008, chị từng muốn bán công ty với giá chỉ 1 USD. Thế nhưng, vừa mới tìm thấy con đường vực dậy công ty, chị lại gặp một cú sốc khác khiến bản thân không còn hứng thú làm chứng khoán nữa và gần như "biến mất", không tham gia vào việc vận hành VNDIRECT trong 7 năm.
Trở lại vào năm 2017, người phụ nữ chứng khoán này đã tìm thấy một con đường mới, một triết lý mới và quyết định "startup lại" VNDIRECT để tạo nên một công ty mới. Đó là nơi kiến tạo nếp sống đầu tư cho mọi người, tạo ra một chiếc "két điện tử" riêng cho từng người với nhiều ngăn riêng biệt, chứ không chỉ đơn thuần là một sàn giao dịch cho nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu mà chưa đủ nhận thức về rủi ro.
Chủ tịch HĐQT VNDIRECT cũng tiết lộ những lý do bất ngờ trong quyết định rời bỏ chứng khoán trong thời gian dài, rồi lại trở lại công ty mà mình sáng lập.
Năm 2010, sau thời gian hồi phục từ cú vấp ngã với thị trường năm 2008, tôi đã nhận diện được những rủi ro với chứng khoán và vấn đề với các nhà đầu tư cá nhân. Thế nhưng, câu chuyện làm tôi sốc nhất đến từ một khách hàng đặc biệt của VNDIRECT.
Đó là một nhà đầu tư lớn tuổi, rất yêu mến VNDIRECT và có mặt tại đây từ khi công ty mới thành lập (năm 2006). Nhà đầu tư này từng viết thư góp ý cho tôi, dài tới 13 trang. Trong thư, nhà đầu tư này viết: "Cảm ơn con đã cho bác một nơi để học hỏi, phát triển và vui vẻ cho tuổi già".
Nhưng sau đó một thời gian, tôi không thấy bác ấy đến. Một hôm tôi mới hỏi nhân viên thì nhận được câu trả lời: "Bác ấy tự tử rồi!". Đó là một cú sốc rất lớn, khiến tôi thực sự bị trầm cảm.
Tôi gần như không tham gia điều hành công ty sau thời điểm đó và "biến mất" khỏi thị trường trong gần 7 năm (từ 2010 đến 2017). Lúc đó, tôi không muốn nói đến sự nghiệp chứng khoán của mình nữa. Thậm chí, trong điện thoại, tôi để tên mình là Hương Homefood chứ không phải là VNDIRECT.
Thời điểm đó, thị trường vẫn còn quá mới, nhất là các khái niệm về rủi ro. Đội ngũ tư vấn, môi giới cũng còn mới và chưa đủ trình độ để ngăn cản nhà đầu tư trong cơn say giao dịch. Hầu hết nhà đầu tư cá nhân mất tiền và không có mấy người thực sự kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán.
Cô bé giúp việc biết tôi làm chứng khoán cũng hay hỏi là "có tiền thì đầu tư vào cái gì", chị giúp việc cũ cũng hay hỏi tôi câu đó, nhưng tôi không thể trả lời được. Lúc đó, tôi thực sự không nhìn ra con đường.
Một thực tế khác mà rất nhiều người biết là hầu hết môi giới chứng khoán đều từng "cháy" tài khoản và nhiều người nợ nần chồng chất. Đối với nhà đầu tư cá nhân, tôi chứng kiến người từng có 2.000 tỷ đồng nhưng rồi mất sạch và giờ đi bán bảo hiểm để kiếm sống. Đó đều là những chuyện có thật.
Khi thành lập VNDIRECT, slogan của công ty là "Your Investment Home" bởi ngay từ ngày đó tôi đã muốn khách hàng của mình quan tâm đến đầu tư nhiều hơn. Sau đó, slogan được thành "Go Online, Go Direct" khi chuyển dịch thông điệp thương hiệu sang công ty chứng khoán công nghệ, lấy nền tảng công nghệ làm sức bật cho khách hàng đầu tư và giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, sau nhiều trải nghiệm không mấy tích cực, tôi hiểu cái nhà đầu tư cần không chỉ là công nghệ để giao dịch, mà phải là Công nghệ để giúp nhà đầu tư kiến tạo được trải nghiệm giao dịch an toàn và tích lũy được trí tuệ để thành công "Wisdom to Success" (Hội tụ trí tuệ - Lan tỏa thành công). Đó cũng là lý do chúng tôi là công ty chứng khoán đầu tiên ra đời công cụ DSTOCK giúp nhà đầu tư tra cứu sức khỏe cổ phiếu.
Năm 2017, khi quyết định trở lại điều hành công ty, tôi lại gặp những chuyện khiến mình phải suy nghĩ rất nhiều. Nhờ uy tín đội ngũ, cộng với nền tảng công nghệ dẫn đầu trên thị trường và quy trình vận hành chuyên nghiệp, thị phần giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tại VNDIRECT khá cao. Lúc ấy, tôi cũng rất khó khăn khi phải lựa chọn – "Thôi kệ!" Mình cứ làm giao dịch cho tốt, và vẫn thành công hay mình sẽ phải đi tìm sự thay đổi mới và có thể thất bại!".
Thực tế, số liệu thống kê cho thấy, vòng đời cho 1 tài khoản chứng khoán chỉ là 2 năm. Chưa hết, khi hỏi một bạn môi giới xuất sắc được giải thưởng năm 2017 của công ty: "Em muốn làm gì?" thì tôi nhận được câu trả lời: "Em muốn kiếm đủ tiền trong 5 năm nữa rồi nghỉ không làm môi giới nữa!".
Chuyên gia môi giới làm nghề giỏi nhất cũng không muốn gắn bó dài lâu, nhà đầu tư thì 2 năm là hết tiền, cạch chứng khoán đến già. Đó là những điều mà tôi phải đối diện lúc đó. Cũng nhờ vậy mà tôi nhận ra con đường mà mình cần lựa chọn cho sự phát triển bền vững của khách hàng và môi trường làm nghề an vui của đội ngũ VNDIRECT.
Tôi không muốn mình chỉ mở ra một cái sàn, làm công nghệ cho tốt, giúp giao dịch thuận lợi, rồi nhìn nhà đầu tư rất hăng hái ban đầu khi vào thị trường và buồn tủi rời bỏ vì mất tiền sau 2 năm. Đây là một thách thức lớn với VNDIRECT, làm thế nào để giúp những khách hàng của chúng tôi biến đầu tư thành một kỹ năng sống để kiến tạo Sức khỏe tài chính - Bảo an thịnh vượng và Tăng trưởng bền vững, chứ không phải chỉ cung cấp dịch vụ mở tài khoản chứng khoán để giao dịch ngay.
Thế nhưng, muốn đầu tư trở thành một nếp sống thì VNDIRECT phải giúp khách hàng hiểu được cách tiếp cận với đầu tư chứng khoán để lựa chọn trải nghiệm phù hợp với sức khoẻ tài chính, vị thế đầu tư và vị thế tài sản. Với đầu tư, vị thế rất quan trọng vì nó quyết định cơ hội hay rủi ro để lựa chọn. Vị thế đầu tư là kinh nghiệm, kiến thức, thời gian và khẩu vị rủi ro.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khách hàng đến với chúng tôi sẽ được tư vấn kỹ trước, chứ không phải mở tài khoản là lao vào giao dịch. Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn có nhận xét: đến mở tài khoản chứng khoán ở công ty khác mất 5 phút, còn VNDIRECT thì mất 2 ngày.
Cùng với thay đổi về triết lý, nguyên tắc hành nghề với môi giới chứng khoán tại VNDIRECT cũng thay đổi. Chúng tôi có lẽ là công ty duy nhất đặt ra nguyên tắc môi giới không tư vấn mua bán cổ phiếu riêng lẻ. Bởi, giao dịch chứng khoán đòi hỏi nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thời gian để tích luỹ kinh nghiệm, bản lĩnh cũng như hiểu biết về rủi ro để có tâm lý vững vàng trước biến động của thị trường.
Nếu không có kiến thức cơ bản về đầu tư, không hiểu về vị thế của mình để xây bước đệm bảo vệ, không biết lựa chọn tư vấn và thời điểm giao dịch phù hợp, khi rủi ro xảy ra nhà đầu tư sẽ mất niềm tin và đổ lỗi cho người tư vấn.
Tôi thấy nghề môi giới chứng khoán dù không hàn lâm nhưng vẫn phải dựa trên trí tuệ. Và phải từ trí tuệ mới dẫn đến thành công, còn không đều giống như roller coaster (tàu lượn siêu tốc) rồi biến mất mà thôi.
KPI của môi giới cũng không đi theo giá trị giao dịch mà căn cứ vào NAV của khách hàng. Khi thay đổi như vậy, tôi dựng lại đội ngũ môi giới với câu lạc bộ làm nghề, xây dựng tri thức môi giới, chứ không khuyến khích việc chạy theo cơ hội như trước. Điều này cũng khiến tôi phải chấp nhận lùi và mất tới 70% nhân sự môi giới sang công ty chứng khoán khác. Những người không tin vào cách hành nghề chuyên gia, tri thức môi giới đều nghỉ.
Điểm thú vị là dù có thay đổi rất lớn về đội ngũ môi giới, nhưng thị phần giao dịch chứng khoán của VNDIRECT cũng ổn định ở mức top 3 toàn thị trường. Quan trọng hơn, đó là một thị phần ổn định, bền vững, không roller coaster và tổng tài sản cũng như NAV (giá trị tài sản thuần) của khách hàng tăng.
Nếu vẫn giữ cách làm cũ, và tận dụng thêm những thời điểm thuận lợi của thị trường, thị phần môi giới có thể tăng mạnh hơn. Thực tế, có thời điểm, tỷ lệ tài khoản mở mới của VNDIRECT chiếm tới 40% toàn thị trường, nhưng tôi vẫn kiên định với triết lý mới vì không muốn làm hỏng môi trường làm nghề của các bạn môi giới nên tỷ lệ này giảm rất nhiều. Nhưng thành công đến dễ quá sẽ sớm tàn và không xây được phẩm chất làm nghề.
Ở Việt Nam, phần lớn người dân có thói quen gửi tiền tiết kiệm và an toàn. Khi chứng khoán phát triển mạnh, nhiều người chuyển từ một loại hình đầu tư có thu nhập ổn định (giống như đi tàu hoả) sang mua bán cổ phiếu (đi tàu lượn siêu tốc - roller coaster) mà không có sự chuẩn bị. Đó cũng là lý do phần lớn nhà đầu tư mất tiền khi "say" giao dịch và vòng đời của một tài khoản chứng khoán trung bình chỉ 2 năm.
Vì thế, khi trở lại điều hành và quyết định thay đổi, tôi phải "startup lại" VNDIRECT bởi trước đó công ty được thiết kế cho thị trường giao dịch, còn VNDIRECT mới hướng tới kiến tạo nếp sống đầu tư cho khách hàng. Với triết lý mới, cách làm mới, nhân sự trong công ty thay đổi rất nhiều.
Không chỉ có môi giới, nhiều nhân sự cấp cao cũng thay đổi, có bộ phận trong công ty rời đi 100%. VNDIRECT trở thành nơi cung cấp rất nhiều nhân sự cho ngành chứng khoán. Có công ty chứng khoán còn quảng cáo hơn 50% nhân sự đến từ VNDIRECT, và hệ thống cũng do VNDIRECT phát triển… Nhưng tôi chấp nhận điều đó.
Tôi không muốn nhà đầu tư đến với VNDIRECT chỉ có một lựa chọn duy nhất là mua bán cổ phiếu, họ phải có nhiều lựa chọn. Để làm được việc đó, chúng tôi phải xây dựng lại hạ tầng dịch vụ, công nghệ, sản phẩm đầu tư… Trong hơn 5 năm trở lại đây, chúng tôi tập trung làm điều đó nhưng chưa quảng bá gì nhiều bởi cho đến tận bây giờ mới tự tin một chút về hạ tầng dịch vụ và sản phẩm của mình (cười).
Còn một điểm khác mà chúng tôi còn phải làm nhiều là làm sao để thị trường, nhà đầu tư hiểu, tin và chia sẻ với VNDIRECT về nếp sống đầu tư. Nhà đầu tư phải được quyền có nhiều lựa chọn khác nhau khi đến công ty chứng khoán và học dần. Đầu tiên, họ cần xây dựng sức khoẻ tài chính, sau đó có thêm công cụ tích sản và cuối cùng mới là "chơi chứng khoán". Khi ấy, nếu chơi mà mất thì cũng không nhiều hoặc không cháy tài khoản.
Điều khó khăn là hiện nay nhà đầu tư đến với công ty chứng khoán hầu hết có thiên hướng muốn kiếm cơ hội kiếm tiền nhanh. Với tâm lý đó, việc tư vấn để kiến tạo nếp sống đầu tư cho họ là không dễ, cần thời gian và rất nhiều công sức. Cũng vì thế, muốn đi với nhau dài thì việc tìm hiểu ban đầu kỹ về nhau rất quan trọng nên có thể mất tới 2 ngày để tư vấn mở tài khoản chứ không phải 5 phút hay chỉ cần quyết định trong 5 giây. Hiểu kỹ và đúng về nhau sẽ tránh được hiểu lầm, khởi đầu cho một mối quan hệ bền vững.
Hiện nay, cứ mỗi một sản phẩm đầu tư nào ra mắt đều hút được rất nhiều tiền nhưng chưa có công ty nào trao cơ hội thực sự cho nhà đầu tư tự quản lý. Nhà đầu tư cần có một nơi có kỷ luật, có nền tảng quản lý tài sản để không "fomo" rồi đem "all in" tài khoản đầu tư của mình khi thấy thị trường chứng khoán hưng phấn. Bởi nếu điều đó xảy ra, đến khi bị "force sell" lại phải bán cổ phiếu tích sản. Đó cũng là lý do VNDIRECT xây dựng nền tảng quản lý tài sản để đóng lại các ngăn với những chìa khoá khác nhau để nhà đầu tư không dùng tài khoản tích sản cho mục đích đầu cơ.
Tài chính an sinh là phải lấy thu nhập đưa vào hưu trí, tích sản phải để đấy và không được dùng vào mục đích margin. Khi đã có đủ những kỷ luật đó, nhà đầu tư có thể chơi chứng khoán và margin phần còn lại. Nếu có cháy thì chỉ cháy phần ngọn, không cháy phần gốc. Chúng tôi muốn giúp nhà đầu tư sở hữu một cái két điện tử có kỷ luật, nguyên tắc để không bị "xúi dại".
Bây giờ, tôi đã có cảm giác là ai cũng có thể là khách hàng của mình rồi, kể cả bạn giúp việc ở nhà. Còn ngày xưa, tôi bảo phải tránh xa chứng khoán ra, bởi bạn ấy mất hết tiền rồi bỏ nghề thì mình lại không có người giúp việc (cười).
Thực tế là kể cả những người ở bên cạnh tôi, dù rất yêu quý họ thì tôi cũng không thể tư vấn vì họ phải tự làm chủ tài sản của chính mình trước. Tôi chỉ có thể đồng hành để hỗ trợ được thôi.
Còn việc kiến tạo một nếp sống đầu tư thành công thì không phải mình tôi hay một vài người có thể giải quyết được. Đội ngũ tư vấn khách hàng phải thực sự có nghề, có tri thức. Nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm với tài sản của mình. Mỗi người phải có trách nhiệm riêng. Môi giới có nghề thì mới kiếm được phí chứ không phải cứ đẩy lệnh qua sàn giao dịch rồi thu phí, bởi xu hướng "zero fee" là chắc chắn.
Tôi thường ví chuyện thiết kế mô hình kinh doanh cho thị trường giao dịch giống như chạy 100m, còn kiến tạo nếp sống đầu tư giống như chạy marathon (42km). Bài toán đặt ra giữa marathon và 100m, thì VNDIRECT chọn cuộc chơi marathon với chiến thuật chạy tiếp sức. Ở đây không có đúng hay sai mà là lựa chọn chiến lược nào phù hợp với mình.
Cá nhân tôi cho rằng mô hình chạy 100m sẽ phù hợp với công ty chứng khoán quy mô nhỏ, với những nhóm nhỏ xuất sắc và có thể giúp họ đi rất nhanh. Thế nhưng, với một tập thể lớn thì cần sự hỗ trợ lẫn nhau kiểu tiếp sức mới có thể chạy marathon vì chặng đường rất dài. Tốc độ của mô hình kiến tạo nếp sống đầu tư cũng không thể như kiểu chạy 100m vì nó còn phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng thị trường là môi trường luật pháp, nhận thức của nhà đầu tư và điều kiện của doanh nghiệp nữa.
VNDIRECT đang theo đuổi mục tiêu kiến tạo thị trường đầu tư dành cho khách hàng cá nhân tại Việt Nam, trong đó có thị trường giao dịch nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với thị trường đầu tư. Kỳ vọng của tôi là thị trường Việt Nam sẽ giống như Ấn Độ, 100% khách hàng có tài khoản đầu tư chứ không phải tài khoản ngân hàng. Thị trường này giờ phát triển rất mạnh với 2 thị trường lớn dành cho nhà đầu tư cá nhân là "mutual fund" và "fixed income".
Tôi luôn trăn trở làm thế nào để VNDIRECT có nhiều triệu khách hàng, nhưng thực sự giúp được họ có nếp sống đầu tư chứ không phải chỉ lao vào giao dịch. Vì thế, chúng tôi bắt đầu xây dựng DGO compass (La bàn đầu tư tích sản bảo an thịnh vượng) – một chìa khoá giúp khách hàng thiết lập nếp sống đầu tư trọn đời. Điều này vẫn còn mới nên dù nhu cầu tích sản là có nhưng để tạo dựng một thị trường quy mô lớn, bài bản không hề đơn giản.
Ở Việt Nam, lãi suất tiết kiệm vẫn cao và Nhà nước vẫn bảo hộ cho tiền gửi. Thế nhưng, khi thị trường tài chính phát triển hơn, điều này sẽ thay đổi và lãi suất tiết kiệm sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, bất động sản không phải là cuộc chơi dành cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Muốn tìm lợi suất cao hơn và an toàn, họ phải đầu tư và cần những công cụ tài chính với thu nhập cố định phù hợp. Ví dụ những nhà đầu tư nhỏ lẻ như cô bé giúp việc ở nhà tôi cần tài chính an sinh, hằng tháng bỏ tiết kiệm vào một loại tài sản có khả năng tạo ra thu nhập trung bình dài hạn tương lai cao hơn lãi suất tiết kiệm.
Tôi chọn trái phiếu là sản phẩm đầu tiên để khách hàng làm quen dần với thị trường đầu tư, bởi bỏ tiền ngay vào cổ phiếu thì quá rủi ro và phức tạp cho họ. Để tăng lòng tin cho nhà đầu tư, VNDIRECT phải đứng ra làm nhà bảo lãnh phát hành.
Thế nhưng, các doanh nghiệp ở Việt Nam làm trái phiếu rất khó khăn. Thứ nhất, nhà đầu tư Việt Nam khi đến mở tài khoản tại công ty chứng khoán hầu hết muốn làm giàu nhanh. Tâm lý này gây khó khăn cho việc phát triển các sản phẩm tài chính với thu nhập cố định. Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam có mô hình quản trị bền vững rất hiếm. Họ có thể sở hữu mô hình kinh doanh rất tốt, nhưng trình độ quản trị thấp thì khi gặp khủng hoảng hệ thống thì vẫn có vấn đề nặng. Tôi thấy rất rõ vấn đề này sau khủng hoảng trái phiếu từ tác động của vụ Vạn Thịnh Phát vào năm 2022.
Thời điểm đó, chúng tôi không gặp vấn đề gì, doanh nghiệp phát hành cũng vậy nhưng nhà đầu tư vẫn mang trái phiếu đi bán. Họ bị tâm lý, đơn giản coi "trái phiếu là tội đồ" chứ không thực sự hiểu vấn đề và VNDIRECT đã vô cùng vất vả. Cũng may là hệ thống của chúng tôi vững vàng, vốn chủ sở hữu lớn nên giai đoạn khó khăn nhất chỉ diễn ra trong khoảng hơn 2 tuần.
Hiện giờ, nhiều công ty khác e ngại rủi ro trong lĩnh vực trái phiếu, nhưng chúng tôi thì vẫn làm. VNDIRECT còn không có hàng để bán cho nhà đầu tư và nhu cầu vẫn còn lớn, nhất khi lãi suất tiết kiệm ở các ngân hàng giảm liên tục.
Đối với chúng tôi, tất cả khó khăn trên thị trường đều là cơ hội để quay lại, cải thiện mình mà vụ Vạn Thinh Phát là một ví dụ. Thế giới đã giải quyết các bài toán tương tự như thế nào thì mình cứ học thôi. Nghề này, càng khó khăn mình càng có cơ hội phát triển.
Khi nhìn vào kết quả của VNDIRECT thời gian gần đây, nhiều người thấy chúng tôi có vẻ khá thuận lợi. Nhưng thực tế là chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn hướng đi này. Đến mức tôi từng chia sẻ với nhân viên của mình: "Mỗi lúc gặp khó khăn, chị chỉ cầu nguyện là mình đừng từ bỏ để nếm được vị giải thoát khỏi nỗi sợ hãi khó khăn để gặp khó khăn tiếp theo mình đủ dũng cảm vượt qua".
Trước đây, khi không thể tìm được lời giải cho bài toán của VNDIRECT, tôi gần như bỏ công ty để "đi trốn" trong 7 năm. Nhưng khi biết được đạo Bụt và đến Làng Mai, tôi đã nhận diện được và tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình. Suy cho cùng thì VNDIRECT là công ty do tôi lập ra nên cũng không thể trao cho ai được. Mà thực tế thì cũng chẳng ai muốn làm chủ công ty chứng khoán nếu theo cách chúng tôi đang làm và trong một môi trường kinh doanh vô cùng thách thức với những rủi ro của nền kinh tế số.
Còn việc nhiều người không hiểu vì sao tôi đến với đạo Phật lại quay lại làm kinh doanh sau 7 năm "đi trốn" thì có thể mọi người chưa được tiếp xúc với sự thực tập nguyên bản của Phật Pháp. Từ xa xưa, Vua Trần đã dùng đạo Phật để trị vì đất nước và đó là thời kỳ phát triển rực rỡ và bền vững nhất thời Lý, Trần: 3 lần chiến thắng quân Nguyên, còn mở rộng được bờ cõi.
Đạo Bụt là đạo của tiến bộ. Ngày xưa, vua Trần dùng Tam giáo đồng đường để trị vì đất nước: đạo Khổng lấy tính kỷ luật, đạo Bụt lấy tinh thần tiến bộ, đạo Giáo lấy tinh thần bảo vệ thiên nhiên. Mỗi tuệ giác của một vị Thánh ngày xưa đều có một phẩm chất, giá trị riêng.
Đạo Bụt rèn cho con người ta tinh thần của tiến bộ, mình phải tiến bộ mỗi ngày và tiến bộ từ khó khăn. Bản chất của đạo Bụt là có khổ mới ngộ được đạo, mình phải quan sát được vấn đề thì mới tiến bộ được. Mọi người thường quan sát vấn đề của người khác, còn của chính mình thì lại không.
Trước đây, tôi hay đổ lỗi cho người khác. Còn bây giờ, tôi nhìn lại chính mình trước và cứ dần dần tự mình thay đổi. Mà khi tôi thay đổi thì công ty cũng thay đổi.
Bài:Hà Linh - Hoàng Ly
Ảnh:Việt Hùng
Thiết kế:Hương Xuân