Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Chủ tịch VNDIRECT tiết lộ cơ hội từ làn sóng AI và bí kíp đầu tư chứng khoán “không mất ngủ”
Chuyên mục:

Thị trường

Tạp chí Nhịp sống thị trường | 06:49
Google news

Tại số cuối cùng của talk show The Investor, bà Phạm Minh Hương đã chia sẻ những bài học đắt giá có được sau khó khăn và “tương lai” của VNDIRECT - một trong những công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời, “nữ tướng” trên thị trường chứng khoán cũng tiết lộ những bí kíp đắt giá để có sự an nhàn trong đầu tư từ chính kinh nghiệm của mình.

Host Hùng Linh: Xuất phát điểm là dân học kỹ thuật, điều gì khiến chị rẽ hướng và thành công trong lĩnh vực tài chính như hiện tại?

Bà Phạm Minh Hương: Tôi là người làm nghề, nhưng cũng không chắc mình có phải người thành công hay không. Tôi nghĩ học gì không quan trọng, quan trọng là yêu thích và “kính nghề” mình chọn. Nhưng dù học tài chính hay kỹ thuật đều có những kiến thức cơ bản và những thứ tưởng như đơn giản đó lại theo tôi trong suốt hành trình dài. Việc học kỹ thuật cho tôi những nền tảng cơ bản về tư duy hệ thống, tư duy phản biện và đó cũng là lý do tôi tiếp cận mọi thứ theo hệ thống và logic. Trong ngành tài chính cũng vậy, chỉ khác là tài chính biểu hiện bằng các con số.

Host Hùng Linh: Là một “nữ tướng” trong ngành chứng khoán, tôi rất ngạc nhiên khi chị nói không biết mình có thành công hay không, vậy định nghĩa thành công của chị là gì?

Bà Phạm Minh Hương: Định nghĩa thành công của tôi ngày xưa hơi khác với bây giờ. Tôi từng đặt mục tiêu trở thành một người rất giàu, có vị trí, tầm ảnh hưởng lớn. Tuổi trẻ thường có rất nhiều giấc mơ và ngày đó tôi cũng vậy. Nhưng đến hiện tại, thành công với tôi là mỗi buổi sáng thức dậy đều thấy yêu cuộc sống, hào hứng đến công ty và đón nhận những trải nghiệm mới mẻ. Đó cũng là lý do tôi luôn nói với mọi người cần “làm mới mình mỗi ngày”.

Nếu chiếu theo định nghĩa này thì tôi nghĩ mình là người thành công và may mắn. Bởi đến tuổi này vẫn được làm nghề, vẫn rất yêu công việc và không ngại bất cứ khó khăn nào. Cái hay nhất của người làm nghề là biết thưởng thức mọi hoàn cảnh, điều kiện mà mình tiếp xúc.

Host Hùng Linh: Suy nghĩ về thành công của chị rất đặc biệt. Khác với thành công của nhiều người trên thị trường chứng khoán là đạt mục tiêu về tài chính, thành công của chị lại là cảm thấy hạnh phúc và đam mê với công việc?

Bà Phạm Minh Hương: Tất nhiên khi tạo ra giá trị thì kết quả đạt được là tài chính. Nó cũng vậy thôi. Nhưng ngày xưa tôi thường “cắt” hành trình mà không thưởng thức nó. Đến bây giờ tôi mới chiêm nghiệm ra rằng tài sản giá trị không chỉ nằm ở đích đến mà còn nằm ở mỗi bước tạo ra nó.

Host Hùng Linh: Trên con đường đến thành công chắc hẳn chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thất bại. Chị cũng từng chia sẻ nhiều lần thất bại trong chặng đường kinh doanh, vậy chị rút ra những bài học gì?

Bà Phạm Minh Hương: Cuộc đời tặng cho tôi không ít bài học thách thức, thậm chí nhiều người còn nói số tôi xui nên để chồng tôi đứng tên Chủ tịch cho may mắn. Ban đầu trải qua khó khăn tôi cảm thấy sợ hãi, nhưng sau đó lại thấy may mắn vì mỗi lần thất bại đều cho mình một bài học.

Thời điểm VNDIRECT mới thành lập cũng là lúc cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, công ty đối diện khủng hoảng nợ, mất thanh khoản. Mặc dù khi mới thành lập công ty hướng đến sự trường tồn, nhưng sau hai năm suýt phá sản. Khó khăn này giúp tôi có nhận thức về điều kiện phát triển trường tồn và văn hoá quản trị rủi ro của tổ chức.

Năm 2017-2018, khi vừa trở lại vị trí điều hành, VNDIRECT lại diễn ra cuộc khủng hoảng nhân sự khi hơn 70% người nghỉ việc trong thời gian ngắn. Sau khi vượt qua thử thách này, tôi nhận thức sâu sắc hơn nữa về cách vận hành của một tổ chức và nền tảng con người.

Sau đó, khủng hoảng về trái phiếu cũng cho tôi bài học về rủi ro hệ thống, điều mà từ trước đến giờ mình chỉ biết trên lý thuyết. Gần nhất, cuộc khủng hoảng hacker vào đầu năm nay cho tôi thấy lỗ hổng và rủi ro lớn trong nền tảng công nghệ số.

Nhìn lại thì mỗi lần thất bại lại là cơ hội để vượt qua và học được nhiều bài học lớn, nhưng vẫn có một thất bại lớn từng khiến tôi “gục ngã”. Năm 2010, các bài toán về tài chính của VNDIRECT gần như được giải quyết và công ty đạt lợi nhuận hơn 200 tỷ. Thế nhưng thời điểm đó, tôi cảm thấy mất niềm tin vào chính mình, mất niềm vui trong công việc và không nhìn ra được con đường phía trước.

Khách hàng hăm hở vào thị trường năm 2006 để rồi sau 4 năm có rất nhiều người mất tiền, phá sản. Điều này khiến một người điều hành công ty chứng khoán như tôi thực sự mất phương hướng. Mất đến 6-7 năm để tôi vượt qua cú sốc tâm lý này sau hành trình tìm kiếm bản thân và lấy lại niềm vui trong công việc.

Host Hùng Linh: VNDIRECT có khẩu hiệu là “khởi nghiệp lại”, đây có phải khẩu hiệu được đúc kết từ những khó khăn đã qua?

Bà Phạm Minh Hương: VNDIRECT sau thời gian dài phát triển cũng đang khá ì trong vùng an toàn. Bản thân tôi rất muốn đánh thức tất cả mọi người bằng tinh thần khởi nghiệp, bởi tinh thần đó giúp cho chúng ta không ngừng sáng tạo và thách thức các giới hạn của bản thân. VNDIRECT là công ty chứng khoán độc lập, không có nền tảng hệ sinh thái lớn như các định chế tài chính, ngân hàng. Tôi hay đùa VNDIRECT như người sinh ra ở miền Trung, vùng đất nhiều sỏi đá và các điều kiện khó khăn. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi phải liên tục làm mới để có những lợi thế cạnh tranh khác biệt.

Host Hùng Linh: Được biết chị đã thiền rất lâu, với chị thì giá trị của thiền trong công việc tài chính là như thế nào?

Bà Phạm Minh Hương: Thực ra thiền có rất nhiều phương pháp và mọi người thường nói về thiền như một cách để mình tìm sự tĩnh lặng ở bên trong. Tuy nhiên, nếu định nghĩa theo một cách chánh niệm, thiền là để dừng lại những cảm xúc, những bất như ý bên trong mình để tiếp xúc với hiện tại, thấy được mọi thứ rõ ràng và có sự lựa chọn thông thái hơn.

Tôi nghĩ thiền không còn mang tính tôn giáo mà là kĩ năng sống để giúp mình quay trở về và xây lại không gian bên trong mình. Chúng ta thường nhận định hiện tại bằng kinh nghiệm quá khứ, hay đôi khi gặp vấn đề bất như ý đều phản ứng thích hay không thích. Đó là phản xạ tự nhiên, nhưng chính cái đó làm cho mình không tiếp xúc được với chính mình, không tiếp xúc được với thực tại. Thiền là cách để dừng lại việc đó. Khi dừng được, chúng ta sẽ có sự sáng suốt, khi tâm đủ sáng sẽ lựa chọn được.

Host Hùng Linh: Dường như VNDIRECT cũng đang “thiền” khi có sự chững lại trong thời gian gần đây. VNDIRECT sẽ tiếp tục “thiền” hay lấy đà bứt phá trong tương lai?

Bà Phạm Minh Hương: Sau thời gian phát triển nóng, VNDIRECT bộc lộ khá nhiều rủi ro. Thực tế nội tại của công ty về quản trị, đội ngũ, chuẩn mực cũng cần phải tái thiết lại để phù hợp. VNDIRECT cũng như các công ty chứng khoán khác đang phải đối diện với rất nhiều thay đổi ở bên ngoài về yếu tố cơ bản nền kinh tế, chuyển đổi số AI, hành vi của khách hàng.

Hiện nay khách hàng ngày càng đòi hỏi khả năng làm mới, thích ứng với tốc độ nhanh hơn, đó là thách thức với tôi và VNDIRECT. Chọn hướng đi nào trong cuộc cạnh tranh về phí, lãi và chất lượng dịch vụ cũng là bài toán khá cân não và để một tổ chức có thể xoay chuyển cũng cần thời gian nhất định.

Thực ra VNDIRECT vẫn có những thành công đấy. Thế nhưng những thành tích đó không phải của hôm nay mà là sự tích luỹ của nhiều năm trước, còn những gì làm hiện tại sẽ biểu hiện ở tương lai và tất nhiên sẽ có những khoảng trống ở giữa. Tôi thường nói với mọi người quan trọng không phải sự biểu hiện của các con số hay thành tích mà khả năng làm mới của tổ chức và mỗi người trong công ty.

Sau 6 năm khi quay trở lại, tôi cũng liên tục “gieo hạt” để mọi người thay đổi, nhưng cách làm truyền thống và đà phát triển cũ của tổ chức vẫn còn. Giờ tôi chỉ hỗ trợ về mặt tư tưởng và định hướng, mỗi người ở VNDIRECT sẽ phải tự đánh thức bản thân để gắn kết tổ chức như một sức mạnh lớn chung, mỗi người tạo đòn bẩy cho tổ chức cũng như tạo đòn bẩy làm nghề của của chính mình. Đây cũng là điều tôi nhận thấy VNDIRECT đang dần thay đổi.

Tất nhiên tôi vẫn nhìn thấy có những kết quả tài chính chưa được như mong muốn do khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là chặng đường đi tiếp theo, mỗi người ở VNDIRECT đều vững vàng. Hành trình này là hành trình marathon, mọi người còn rất nhiều năm để xây dựng sự nghiệp hay VNDIRECT cũng còn rất nhiều năm sau 18 năm để tiếp bước phát triển. Bởi vốn dĩ một định chế tài chính cần bề dày phát triển rất lâu và nền tảng rất vững.

Host Hùng Linh: Là lãnh đạo của doanh nghiệp, chị có niềm tin như thế nào về sự phát triển của VNDIRECT trong tương lai 5 năm tới?

Bà Phạm Minh Hương: Chắc chắn tôi tin. Nhưng tôi cũng tin vào quy luật mọi thứ là vô thường. Công thức thành công của VNDIRECT ngày hôm nay có thể không còn đúng trong tương lai và sẽ phải thay đổi. Đội ngũ nhân sự tôi yêu quý và mong muốn được gắn bó lâu dài cũng có thể rời đi, ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng tôi có niềm tin khi còn phát triển, tất cả những gì VNDIRECT làm đều đặt trên sức mạnh tập thể.

Rất nhiều người tưởng tôi có tầm ảnh hưởng lớn ở VNDIRECT, nhưng vai trò duy nhất tôi làm là kết nối mọi người, việc duy nhất tôi làm là cho công ty có sức mạnh kiên cường, có khả năng thích ứng để đối diện với khó khăn trong tương lai. Thành công hay thất bại là những cơ hội mà VNDIRECT có khả năng chuyển hoá và vượt qua được nó.

Thực ra mục tiêu sau 18 năm của chúng tôi không thay đổi nhiều lắm, đó là giấc mơ phát triển trường tồn và xây một “ngôi nhà đầu tư” cho mọi nhà đầu tư. Với đội ngũ VNDIRECT hiện nay, tôi tin vào lý tưởng và tầm nhìn công ty đã định hình trong suốt 18 năm qua. Tôi tự hào vì VNDIRECT hiện là biểu tượng của trí tuệ, không phải tài sản của tôi được nhân lên bao lần hay là tỷ phú thứ bao nhiêu.

Host Hùng Linh: Những cú sốc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhà đầu tư. Dưới góc nhìn của CTCK trải qua khó khăn về trái phiếu, chị rút ra bài học gì?

Bà Phạm Minh Hương: Sau thời gian làm bảo lãnh phát hành trái phiếu, tôi nhận được rất nhiều bài học. Ngân hàng luôn nhìn tài sản đảm bảo để cho vay, nhưng những định chế tài chính trung gian như VNDIRECT không thể yêu cầu tài sản đảm bảo để bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Để phân tích sức khoẻ của tổ chức phát hành, chúng tôi luôn sử dụng nguyên tắc 5C gồm uy tín, năng lực, vốn, dòng tiền và các điều kiện phát hành trái phiếu. Trong những lần phát hành trước VNDIRECT luôn quan tâm nhiều về yếu tố dòng tiền và lợi thế ngành, nhưng sau nhiều biến cố chúng tôi nhận ra rằng quản trị doanh nghiệp mới là yếu tố cần đặt lên hàng đầu.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu không có tài sản đảm bảo thì phải tập trung rất nhiều vào quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tìm doanh nghiệp hội tụ đầy đủ các yếu tố như quản trị doanh nghiệp, chiến lược phát triển, dòng tiền vô cùng khó. Chúng tôi gặp hàng trăm khách hàng nhưng có khi chỉ chọn 10 được khách hàng, thậm chí trong 10 doanh nghiệp đã chọn vẫn còn rất nhiều rủi ro.

Dù trải qua nhiều khó khăn, nhưng TPDN vẫn là kênh huy động vốn dài hạn và là bài toán tất yếu cấu trúc thị trường. Trong 10 năm tới, khi luật trái phiếu ra đời sẽ nhấn mạnh tài sản đảm bảo, bởi mặt bằng sân chơi doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá non trẻ về quản trị và thiếu nhiều chuẩn mực. Chúng tôi khá dè dặt trong việc lựa chọn chuẩn mực mới khi tìm kiếm doanh nghiệp bảo lãnh trái phiếu trong thời gian gần đây.

Host Hùng Linh: Những tiêu chí về tài sản đảm bảo, dòng tiền hay quản trị doanh nghiệp đôi khi hơi vô hình và khiến nhà đầu tư khó nhận diện. Với kinh nghiệm của mình, chị hữu hình hoá những yếu tố trên như thế nào khi đánh giá doanh nghiệp?

Bà Phạm Minh Hương: Để nhận diện được doanh nghiệp quản trị tốt và thực sự vững vàng trước khó khăn, ngoài chuẩn mực cơ bản cần tuân thủ về ĐHĐCĐ, HĐQT còn cần quan tâm đến văn hoá doanh nghiệp và con người, nhất là những người đứng đầu doanh nghiệp. Chúng ta cần biết chuẩn mực, sự cam kết của lãnh đạo và đặc biệt là những thử thách họ đã trải qua trong quá khứ. Bởi trước thảm hoạ thì ai cũng may mắn và chúng ta cần biết cách họ hành xử ra sao khi đối diện khó khăn. Một yếu tố quan trọng khác cần quan tâm là cách những người đứng đầu quản lý mục tiêu. Nếu chỉ đưa mục tiêu tài chính sẽ khiến doanh nghiệp có những rủi ro dài hạn. Do đó quản trị doanh nghiệp là cả một khoa học về điều hành kinh doanh.

Trên thế giới đã tổng kết lại khá nhiều kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp nhưng nó cũng liên tục biến dịch. Trong quá khứ, Jack Welch đã từng thiết lập mô hình quản trị giúp General Electric (GE) có được thành công rực rỡ, nhưng bây giờ chính mô hình đó lại khiến GE thất bại. Do đó, quản trị doanh nghiệp không phải là công thức mà là hành trình liên tục vận động, cái tĩnh duy nhất đó là văn hoá.

Host Hùng Linh: Làn sóng AI đang bùng nổ, liệu AI có thể tạo ra thay đổi lớn trong lĩnh vực chứng khoán?

Bà Phạm Minh Hương: Không ít môi giới lo lắng hỏi tôi rằng, nếu AI phát triển thì môi giới kinh nghiệm 15 năm với môi giới mới ra trường có gì khác biệt khi đều có thể dùng AI viết báo cáo phân tích rất hay. Tôi cũng có một thời cảm thấy rất bi quan và khó khăn khi AI xuất hiện. Tuy nhiên, đến hiện tại tôi lại thấy sự ra đời của AI mở ra cơ hội lớn và mang lại phương tiện cho tất cả mọi người chứ không còn là lợi thế đặc thù của một công ty nào.

Nếu ngày xưa chúng ta phải được học những trường đại học danh tiếng, có những người thầy giỏi hay tiếp cận được những tài liệu rất đắt mới có được nhiều thông tin thì hiện nay tất cả đều “open” với một mức chi phí rất thấp. Với AI, nếu sử dụng đúng chủ đích, cung cấp thông tin đầy đủ với cách tiếp cận đúng, AI sẽ giúp chúng ta tổng hợp thông tin chính xác với tốc độ nhanh chóng.

Quan trọng nhất vẫn quay về cơ bản, đó là người biết sử dụng AI sẽ có lợi thế hơn người không biết sử dụng AI. Do đó, lực lượng tri thức trong tương lai cần thêm nhiều kỹ năng mới như tư duy hệ thống, tư duy phản biện, trí tuệ, cảm xúc và cả lòng trắc ẩn. Đó là những thứ con người khác biệt với AI.

Riêng với ngành chứng khoán, công ty chứng khoán nói chung và môi giới nói riêng cần phải tập trung vào những giá trị mới. Môi giới khi dùng AI cũng cần có đạo đức, có chuẩn mực để tạo nên những giá trị hướng tới khách hàng, cộng đồng và chính bản thân mình. Môi giới không phải tư vấn khách hàng mua con gì bán con gì, nguyên tắc ở VNDIRECT là cấm môi giới tư vấn cổ phiếu riêng lẻ.

Môi giới cần đồng hành để giúp khách hàng hiểu được cái họ cần, hiểu được vị thế đầu tư và khẩu vị rủi ro của họ. Bởi nhiều nhà đầu tư thường nghĩ chúng ta hiểu bản thân nhưng không phải, nhất là bây giờ mọi người thường phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và không có sự tự do ý chí, thậm chí nhiều nhà đầu tư có tâm lý đám đông, dễ lo lắng và sợ hãi trước những biến động thị trường.

Nhà đầu tư chứng khoán khi sử dụng AI cũng vậy, cần phải làm chủ hành trình đầu tư của mình, biết được cái mình cần, giữ được cái quan trọng giúp mình đầu tư an nhàn chứ đừng đầu tư chứng khoán mà mất ngủ. Quan trọng là dù bất cứ điều gì xảy ra, bản thân luôn có kế hoạch cho những thứ tệ nhất. Khi đã có kế hoạch cho những thứ tệ nhất thì hành trình đầu tư sẽ là những cuộc trải nghiệm và cuộc chơi này có AI hỗ trợ.

Host Hùng Linh: Hầu hết những người tham gia TTCK, kể cả những người đầu tư đều có suy nghĩ muốn kiếm tiền nhanh nhân hai nhân ba tài khoản. Làm giàu nhanh trên TTCK có đơn giản như vậy?

Bà Phạm Minh Hương: Thực ra tôi nghĩ làm giàu nhanh không sai, nhưng ít ai đặt câu hỏi làm sao để giàu nhanh vì thường chúng ta muốn nhiều hơn hành động. Thị trường chứng khoán vốn dĩ là thị trường của tốc độ, tốc độ thông tin, tốc độ phản ứng và tốc độ cập nhật kiến thức. Vì thị trường biến đổi liên tục nên nếu chậm vài phút có thể gặp rủi ro. Đó cũng lý do những người làm nghề chứng khoán luôn phải giữ đầu óc tỉnh táo, nhưng cần nhấn mạnh là tỉnh táo khác với việc muốn nhanh.

Tôi nhận thấy có ba yếu tố là rào cản tâm lý với nhà đầu tư là muốn, sợ và thờ ơ. Ba trạng thái này làm cho trạng thái nhà đầu tư không sáng suốt, còn làm giàu nhanh hay chậm chủ yếu do năng lực. Có những người làm giàu rất nhanh do có năng lực và chúng ta phải kiến tạo năng lực đó.

Để đầu tư an nhàn, tôi nghĩ phải biến đầu tư thành kỹ năng sống trọn đời, là hành trình trải nghiệm để nắm bắt cơ hội và kiểm soát rủi ro. Nhiều người nói tôi nói chuyện rất “bay” nhưng tôi thấy mọi thứ là thực tế. Tư duy của tôi là luôn nghĩ phải làm gì chứ tôi ít khi nghĩ nó sẽ như thế nào.

Thị trường luôn luôn đúng, người tỉnh táo cần phải biết nhận diện mình ở đâu trên thị trường. Chúng ta đừng nên đi theo xu thế mà chỉ nên quyết định khi cảm thấy tâm an tĩnh. Thiền là cách để tôi giữ được trạng thái tỉnh táo, thoát khỏi 3 cạm bẫy muốn, sợ và thờ ơ trên thị trường.

Host Hùng Linh: Từ những chiêm nghiệm của bản thân, chị có muốn truyền những kinh nghiệm đó cho đội ngũ nhân sự VNDIRECT để liên tục chiến đấu tạo ra giá trị?

Chủ tịch Phạm Minh Hương: Ở VNDIRECT tôi được mệnh danh là “bà trùm khuấy đảo”, có nghĩa mình thường tạo ra một loạt bài kiểm tra áp lực để đánh thức nhân viên, thậm chí cứ nhìn thấy ai yên ổn, trầm lắng là “đá” ra khỏi ghế. Tôi tự nhận mình không phải là một người được mọi người yêu thích, tôi là người hay gây hiềm khích thì đúng hơn. Tôi tạo sự khó tính vì nghĩ các bạn trẻ hiện nay hay bị ngủ quên và mình cần tạo ra sự thách thức mới để mọi người có cơ hội trải nghiệm và làm mới mình.

Tôi nghĩ điều thành công nhất là mình liên tục được gặp những thách thức, vì nếu cả đời chỉ may mắn thì sẽ là thảm hoạ. Có khi may mắn thì thách thức “tự rơi vào đầu”, như vụ hacker hồi đầu năm là một ví dụ. Thậm chí có đôi khi tôi cũng tự tạo ra thách thức cho bản thân, rồi lại phải học bài học đau khổ rồi tự vượt qua. Tôi cũng hay khuyên mọi người là hãy dấn thân trải nghiệm những thứ mà mình chưa từng trải qua và những điều mình nghĩ không thể làm được. Chúng ta đều được quyền mơ, đều có quyền thách thức bản thân và sống cuộc đời của mình một cách thú vị. Vậy tại sao không làm?

Host Hùng Linh: Trong mắt của mọi người, chị Hương là hình ảnh thành công trên thị trường, còn với đôi mắt của cá nhân mình, chị còn thấy điểm gì cần cải thiện về bản thân nữa không?

Bà Phạm Minh Hương: Tôi đã chậm lại rất nhiều bằng cách tập thiền, nhưng tôi vẫn thấy mình chưa chậm và tĩnh đủ. Tôi nghĩ mình vẫn phải kiên nhẫn và yêu bản thân mình hơn. Nhìn lại, 10 năm làm ở CitiBank đã dạy tôi cực kỳ nhiều bài học về chuẩn mực quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổ chức đó cũng khiến tôi có thêm một bệnh, đó là tẻ nhạt. Khi làm việc thì mọi người rất thích tiếp cận với tôi, nhưng đến khi đi chơi thì không thích tiếp xúc. Đơn giản vì tôi nghĩ mình cũng không phải là một người thú vị.

May mắn là tôi là người vui vẻ, bởi vì sinh ra trong thời kỳ khó khăn nên mình luôn biết vui trong mọi hoàn cảnh. Các bạn trẻ hiện nay xuất phát với điều kiện thuận lợi nên thường đánh mất đi kỹ năng sinh tồn và bản năng đối diện với khó khăn. Mọi người thường điều kiện hoá niềm vui khiến niềm vui đắt đỏ và không thực sự bền.

Có nhiều thứ tôi muốn thay đổi bản thân, muốn cho phép mình thưởng thức những thứ khác ngoài công việc nhưng vẫn đang phải học quen dần với điều đó. Thay vì ngày xưa chỉ có làm, làm và làm thì giờ tôi có thêm sở thích nấu ăn, xem phim, uống trà. Thước phim hay nhất khi học thiền chính là bản thân mình. Nhiều lúc quan sát bản thân tôi thấy khá thú vị vì nghĩ hóa ra mình cũng chẳng tử tế và hay ho như mình nghĩ. Nhưng chính những phát hiện đấy làm cho mình thật hơn.

Host Hùng Linh: Có rất nhiều con đường để đạt được thành công trong ngành tài chính. Con đường của chị rất đặc biệt đó là thiền và tĩnh, nhưng cũng tạo được rất nhiều lửa truyền cho đội ngũ nhân viên cùng hướng đến mục tiêu chung. Nhiều người nói ngành tài chính hao tổn rất nhiều công lực khiến mọi người già đi nhanh, mặc dù tóc bạc, nhưng bí kíp gì để chị vẫn giữ được nét tươi trẻ?

Bà Phạm Minh Hương: Thiền là phương tiện và mình phải thực tập cho đến khi bản thân cảm thấy yêu cuộc sống, yêu chính mình. Nó là “quả trái” của quá trình luyện tập. Tôi theo đạo phật từ năm 2010 trong thời điểm khó khăn, nhưng tiếp cận một cách khá hàn lâm là đọc kinh sách. Mãi sau khi tiếp cận sâu hơn, tôi mới bắt đầu biết chế tác niềm vui, mới bắt đầu biết được là chính mình.

Nhiều người hỏi tại sao tôi có nhiều sức sống đến thế? Bởi tôi tin tất cả những gì mình làm ngày hôm nay là kiến tạo giá trị tương lai và niềm tin đó cho tôi niềm vui. Tôi nghĩ mình là người làm việc rất nhiều, thậm chí nghiện việc. Đối với tôi còn làm việc là còn vui. Nhân viên mà không cần là tôi phải phấn đấu học để mọi người cần tôi hơn.

Quote: “Tôi nghĩ mình là người làm việc rất nhiều, thậm chí nghiện việc. Đối với tôi còn làm việc là còn vui. Nhân viên mà không cần là tôi phải phấn đấu học để mọi người cần tôi hơn”. Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VNDIRECT

“Ta có là ta, ta mới đẹp” là câu tôi rất tâm đắc. Và tôi từng hỏi mình là ai khi thường hay sống theo mong muốn và đích thành công mà người đời gán cho mình, nhất là khi mình đã khoác áo chủ tịch. Tại sao tuổi trẻ nhiều điều vui, tại sao tuổi trẻ luôn luôn dám dấn thân, dám trải nghiệm? Bởi vì tuổi trẻ dám sống với ước mơ và lý tưởng mà họ có. Thời gian, trách nhiệm, địa vị, tài sản tất cả mọi thứ nó làm cho mình xa những điều đó và đấy cũng là lý do mình phải đánh thức bản thân ở tuổi 18.

Link gốc

Thị trường đóng cửa
VND
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục