Thực tế, Cao Sao Vàng chỉ chiếm khoảng 7% tổng doanh thu của Dược phẩm Trung ương 3. Giai đoạn 2019 đến nay, sau khi loại cao này hồi sinh, dù chỉ tiêu tổng doanh thu ghi nhận tăng giảm đan xen nhưng lợi nhuận vẫn tăng khoảng 15%.
Một chiếc hộp bằng nhôm nhỏ, hình tròn, có logo ngôi sao ở chính giữa cùng màu đỏ bao phủ thân hộp, Cao Sao Vàng là sản phẩm quen thuộc và trở thành biểu tượng của ngành dược Việt Nam những năm 90.
Cao Sao Vàng.
Cao Sao Vàng được coi là "thần dược" khi không chỉ chữa cảm cúm thông thường, mà còn sử dụng trong nhiều tình huống như say tàu xe, xoa vết côn trùng đốt, hỗ trợ giảm đau cứng cơ, giảm đau lưng, xóa tan vết bầm tím nhanh chóng… Có lẽ, bởi sự kỳ diệu ấy nên Cao Sao Vàng đã trở thành bảo bối của nhiều gia đình người Việt Nam những năm 80 - 90 thế kỷ trước.
Sự hồi sinh của "thần dược"
Ban đầu, loại thuốc này chỉ là một loại dầu xoa dạng nước, sau đó được chế thêm loại cao đặc, đa dạng hóa sản phẩm theo từng mùa. Sau này, lương y Phó Đức Thành (cha đẻ của Cao Sao Vàng) đã chuyển giao công thức chế biến cho Xí nghiệp Dược Phẩm Trung ương 2.
Dược phẩm này tiếp tục được Nhà nước giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3, nay là Công ty Dược phẩm Trung ương 3, để nghiên cứu và sản xuất.
Sau một thời gian trầm lắng vì những sản phẩm có tác dụng tương tự như dầu cù là, dầu khuynh diệp cạnh tranh trên thị trường trong nước, thời gian gần đây, cao Sao Vàng lại được nhắc tới khi trở thành mặt hàng bán chạy trên thị trường quốc tế.
Cao Sao Vàng trên website eBay.
Trên các trang bán hàng trực tuyến hàng đầu như eBay hay Amazon, sản phẩm này có giá cao gấp đến hàng chục lần so với giá gốc tại Việt Nam.
Trên trang eBay, ở thời điểm hiện tại Cao Sao Vàng có giá khoảng 8 USD (202.000 đồng) hộp loại 4 gram, cao hơn gấp hàng chục lần so với thị trường Việt.
Trước sự hồi sinh này, công ty chủ quản của thương hiệu Cao Sao Vàng là CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Foripharm, HNX: DP3) đã được chú ý và nhắc đến nhiều hơn.
Dược phẩm Trung ương 3 tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3 trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập từ năm 1962 với chức năng chuyển sản xuất thuốc đông dược. Đến tháng 9/2006, công ty chính thức đổi thành Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3.
Hãng dược phẩm này sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước như Sâm nhung bổ thận Trung ương 3, Bổ phế Trung ương 3 Chỉ Khái Lộ, Siro Vihodan… Tuy nhiên, sản phẩm gắn liền với tên tuổi của Dược phẩm Trung ương 3 lại chính là Cao Sao Vàng.
Các sản phẩm nổi bật của Dược phẩm Trung ương 3.
Song, lãnh đạo Dược phẩm Trung ương 3 cho biết, doanh thu bình quân hàng năm của loại cao dầu xoa bóp này chỉ chiếm khoảng 7% tổng doanh thu của công ty, trong khi phần lớn nguồn thu của hãng đến từ các sản phẩm thuốc viên.
Theo số liệu từ Vietnam Report JSC, Cao Sao Vàng cũng hoàn toàn mất hút trong danh sách cơ cấu doanh thu các sản phẩm "đẻ trứng vàng" cho doanh nghiệp.
Theo đó, hiện Sâm nhung bổ thận TW3 là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, đóng góp gần 30% tổng doanh thu. Các sản phẩm thuốc viên khác là tetracylin (11%), clorocid (8%), trong khi thuốc hoàn chiếm khoảng 10%.
Kênh OTC chậm lại dù đã tiến hành nhiều giải pháp
Về bức tranh tài chính doanh nghiệp, từ năm 2012-2018, Dược phẩm Trung ương 3 ghi nhận doanh thu tăng khoảng 10-20%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khoảng 30%/năm.
Nếu như ở năm 2012, công ty ghi nhận doanh thu 122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 5 tỷ đồng, thì đến năm 2018 hai chỉ tiêu này đã lần lượt tăng gần 4 lần lên 471 tỷ đồng và 15 lần lên 80 tỷ đồng.
Giai đoạn 2019-2023, sau khi Cao Sao Vàng hồi sinh, dù doanh thu có ghi nhận tăng giảm đan xen nhưng lợi nhuận vẫn tăng khoảng 15%. Duy chỉ năm 2021 công ty ghi nhận lợi nhuận giảm 19% về còn 93 tỷ đồng.
Năm 2023 vừa qua, Dược phẩm Trung ương 3 báo lãi sau thuế kỷ lục ở mức 125 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ nhờ hoạt động tài chính tăng gấp đôi và tiết giảm chi phí bán hàng. Song doanh thu lại giảm 15% về gần 410 tỷ đồng.
Theo báo cáo thường niên 2023, ban lãnh đạo Dược phẩm Trung ương 3 cho biết, năm qua doanh thu từ kênh bán hàng thầu (ETC) của công ty vẫn tăng trưởng, đạt tỉ lệ trúng thầu cao với tổng giá trị trúng thầu trên 60 tỷ đồng.
Trong khi đó, kênh bán hàng tự do (OTC) bị chậm lại do sức cầu thấp trên diện rộng, dù công ty đã tiến hành nhiều giải pháp, sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống bán hàng.
Nửa đầu năm 2024, Dược phẩm Trung ương 3 ghi nhận doanh thu nhích nhẹ lên 102 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 12% về 27,7 tỷ đồng do tăng chi phí bán hàng.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản công ty ở mức 598 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm; chủ yếu đến từ tiền và tiền gửi tăng 6% lên 324 tỷ đồng (tương ứng tăng 18 tỷ đồng).
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Dược phẩm Trung ương 3 lại tăng 32% lên 151 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Biến động đến từ việc công ty chi gần 65 tỷ đồng để trả cổ tức, lợi nhuận, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận 357 triệu đồng.
Mạnh tay trả cổ tức cho cổ đông
Với kết quả kinh doanh khá đồng đều, Dược phẩm Trung ương 3 cũng mạnh tay chi trả cổ tức cho cổ đông. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉ lệ chia cổ tức của công ty dao động từ 50% đến mức cao nhất là 80%.
Đơn cử như năm 2022, công ty đã chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 80% (mỗi cổ phiếu nhận được 8.000 đồng), tương ứng tổng số tiền chi trả là 68,8 tỷ đồng.
Sang năm 2023, công ty thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 30%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 3.000 đồng.
Dù phần chi trả tỉ lệ cổ tức bằng tiền mặt có giảm so với các năm trước đó, nhưng vào tháng 9/2023 vừa qua, Dược phẩm Trung ương 3 đã phát hành thêm gần 12,9 triệu cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông, nhằm tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tỉ lệ phát hành là 150%, tương ứng với mỗi 100 cổ phiếu sở hữu, cổ đông nhận được thêm 150 cổ phiếu mới.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Dược phẩm Trung ương 3 đã tăng từ 86 tỷ đồng lên gần 215 tỷ đồng và duy trì cho tới thời điểm hiện tại.