Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
“Chạy nước rút” để về đích tăng trưởng tín dụng
Chuyên mục:

Tài chính

Báo kiểm toán nhà nước | 07:18
Google news

Ngành ngân hàng đang “chạy nước rút” để có thể về đích mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm 2024. Theo tính toán, từ nay đến cuối năm, toàn hệ thống ngân hàng phải tăng tốc đẩy 500.000 tỷ đồng ra nền kinh tế.

Đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Ảnh minh họa

Tạo dư địa cho các ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng

Cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông báo tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) theo nguyên tắc cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch. Việc bổ sung hạn mức (room) là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.

Đây là lần thứ hai trong năm NHNN tăng thêm room tín dụng cho các ngân hàng. Trước đó, lần điều chỉnh đầu tiên được NHNN thông báo vào ngày 28/8/2024. Bằng cách thức điều hành tín dụng có sự khác biệt với các năm trước (vốn được NHNN chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room), NHNN đã thể hiện thông điệp: Toàn hệ thống phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và trách nhiệm hơn trong việc đẩy vốn ra nền kinh tế.

Việc nới room tín dụng được thực hiện trong bối cảnh kiểm soát tốt lạm phát dưới mức mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực và dự kiến tăng trưởng GDP đạt mức 7%. Đồng thời, động thái này cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc NHNN Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN), hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%.

Thực tế cho thấy tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng đang phân hóa rất mạnh. Trong Báo cáo “Dự báo lợi nhuận quý III/2024”, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận từ hai con số nhờ tăng trưởng tín dụng cao. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng chậm lại, thậm chí, vẫn còn ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt kỳ vọng trong quý III như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB).

Trao đổi với Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - nhận định: Nhiều ngân hàng còn room tín dụng nhưng một số ngân hàng lớn có thể đã sử dụng hết hạn mức được giao. Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu và các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tiếp tục nới room tín dụng của NHNN nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng đẩy mạnh tín dụng trong tháng cuối năm.

Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên

Số liệu từ NHNN cho thấy, đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Như vậy, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, từ nay đến cuối năm, toàn hệ thống ngân hàng sẽ phải đẩy 500.000 tỷ đồng ra nền kinh tế - một con số khá lớn trong bối cảnh chưa đầy một tháng là kết thúc năm.

Để đẩy hết 500.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, từ nay đến cuối năm, tín dụng nên được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm giúp các DN tại miền Bắc chịu ảnh hưởng của trận bão Yagi vượt qua khó khăn. Mặt khác, các ngân hàng cũng cần đẩy mạnh cho vay đối với các DN xuất nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế về hàng hóa, nguyên vật liệu trong tháng cuối năm và dịp lễ, tết. Lĩnh vực thứ ba cần tập trung cho vay là các DN nhỏ và vừa - đối tượng luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Trong bối cảnh dòng tiền vẫn còn hạn hẹp, ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối nghiên cứu phân tích Maybank Investment Bank - nhận thấy các DN phát triển bất động sản cần phải dựa nhiều hơn vào tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, tín dụng bán lẻ cũng sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của nền kinh tế nhằm đáp ứng sức mua của người dân, theo các chuyên gia MBS Research.

Để đáp ứng những nhu cầu nêu trên, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh giải ngân nhiều gói tín dụng ưu đãi có quy mô lớn với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5 - 6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng thiết kế riêng sản phẩm tín dụng cho từng phân khúc khách hàng khác nhau.

Đáng chú ý, NHNN đã liên tiếp có những chỉ đạo, điều hành nhằm thúc đẩy tín dụng. Cụ thể, trong Văn bản số 9364/NHNN-TD, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 và những năm tới. Tiếp đó, Công văn số 9774/NHNN-CSTT của NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai các biện pháp nhằm ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với các giải pháp quyết liệt mà ngành ngân hàng đưa ra cùng diễn biến tích cực của nền kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu và nhiều chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng có thể đạt được mục tiêu năm 2024. Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy cho vay, các ngân hàng cũng cần xem xét khả năng trả nợ cũng như việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các DN và các thành phần kinh tế, tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và phát sinh nợ xấu./.

Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục