Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Cẩn trọng với lạm phát nửa cuối năm
Chuyên mục:

Tài chính

VnEconomy | 20:06
Google news

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng đầu năm so với tháng trước tăng thấp, trừ tháng 1/2024 có mức tăng 0,31%, tháng 2/2024 có mức tăng đến 1,04% do đây là thời điểm mua sắm dịp Tết Nguyên đán. Bình quân mỗi tháng mức tăng chỉ số CPI là 0,23%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI bình quân tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Nửa đầu năm 2024, CPI kiểm soát như mục tiêu đề ra do sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính - tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.

Nửa cuối năm 2024, các nhân tố gây thách thức và tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát của Việt Nam đan xen, gồm các yếu tố khách quan do tác động từ nền kinh tế thế giới và cả các tác nhân từ nội tại nền kinh tế.

Thứ nhất, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm thấp nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao, dự báo khoảng 5,8%, có thể làm nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu lạm phát. Lạm phát của Mỹ tháng 5/2024 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tại cuộc họp tháng 6/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Trong tháng 5/2024, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023; Pháp tăng 2,3%; Đức tăng 2,4%; Tây Ban Nha tăng 3,6%.

Tại châu Á, lạm phát tháng 5/2024 của Lào tăng 25,77% so với cùng kỳ năm 2023, Ấn Độ tăng 4,75%, Philippines tăng 3,9%, Singapore tăng 3,1%, Indonesia tăng 2,84%, Hàn Quốc tăng 2,7%. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

Ngoài ra, những cú sốc về nguồn cung có thể làm tăng giá hàng hóa, đặc biệt là gián đoạn nguồn cung dầu và các nguyên liệu do xáo trộn địa chính trị trên Biển Đỏ và xung đột Nga-Ukraine có thể tác động dai dẳng đến thị trường toàn cầu. Giá năng lượng cao hơn sẽ chuyển sang giá tiêu dùng và làm kỳ vọng lạm phát tăng lên. 

Do Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chiếm tới 37%, nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào rất lớn.

Thứ hai, hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu trong quý 3 và quý 4/2024 có xu hướng tiếp tục tăng cao có thể sẽ đẩy lạm phát tăng cao. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 37,1%. Khi hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại sẽ đẩy cầu tiêu dùng tăng lên cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Thứ ba, việc vốn đầu tư công tăng cao đến 657.349 tỷ đồng trong năm 2024 và quyết tâm giải ngân 90 - 95% trong năm 2024 của Chính phủ sẽ đưa một khối lượng vốn hơn 600.000 nghìn tỷ đồng ra thị trường. Đây sẽ là áp lực lớn tăng giá nhiều loại vật tư nguyên liệu, hàng hóa liên quan đến đầu tư công của nền kinh tế, gây áp lực tăng lạm phát.

Thứ tư, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như trước đây, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng. Đồng thời, căn cứ trên đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 tăng 6% lương tối thiểu tháng và lương tối thiểu giờ.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, dù hoạt động thương mại quốc tế chưa phục hồi mạnh mẽ, song tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực hơn trước, nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, giá trung bình của hàng hóa giảm nhờ nguồn cung được cải thiện khiến áp lực lạm phát giảm dần.

Các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng từ 0,1 - 0,3 % so với các dự báo đưa ra trong tháng 1/2024. Tháng 6/2024, Liên hợp quốc (UN) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,7%, cao hơn 0,3% so với dự báo tháng 1/2024; Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,6%, cao hơn 0,2% so với dự báo tại thời điểm tháng 1/2024; Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,6%, tăng 0,2% so với dự báo trong tháng 3/2024.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng 3,2%, cao hơn 0,1% so với dự báo trong tháng 1/2024; Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo đạt 3,1%, cao hơn 0,2% so với dự báo tại thời điểm tháng 2/2024; Liên minh châu Âu (EU) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,2%, cao hơn 0,1% so với dự báo tại thời điểm tháng 11/2023. 

Bên cạnh đó, giá của nhiều mặt hàng nguyên nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất có thể giảm xuống khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục chậm chạp và nhu cầu toàn cầu chưa cao. Giá dầu có thể ổn định hoặc giảm nhẹ phản ánh lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm lại và căng thẳng thị trường tài chính. Nhiều kim loại, nguyên vật liệu sẽ ổn định hoặc có mức tăng thấp. Giá giảm phản ánh sự phục hồi của nguồn cung sau gián đoạn sản xuất vào năm 2023, cũng như nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm.

Ở trong nước, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế hồi phục và phát triển, thời gian gần đây, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, từ đó góp phần giảm sức ép tăng giá các hàng hóa trong nền kinh tế.

Theo đó, ngày 30/6/2024, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hướng dẫn chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.

Ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó giảm 10 - 50% cho 36 khoản phí, lệ phí từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 theo tinh thần Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024  của Chính phủ và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024.

Thêm nữa, Chính phủ đang thảo luận để ban hành Nghị định quy định về mức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây là cơ sở để nhiều nhóm hàng hóa hạ thấp giá cả.

Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục được giải ngân tăng cao trong nửa cuối năm 2024 cũng sẽ là một nhân tố có thể giúp tỷ giá VND so với các ngoại tệ bớt căng thẳng.

Đến thời điểm hiện tại, với các chỉ số tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66% và quý 2/2024 đạt 6,93%, so với dự báo được đưa ra cuối năm 2023, đầu năm 2024 thì kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ theo phương án 2. Đó là nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu ổn định, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do, kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng ở mức 6,3 - 7%; đồng thời, lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5 - 3,8%.

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, cần thực hiện tốt 7 giải pháp.

Một là, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục được củng cố sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Hai là, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI.

Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm. Cung tiền trong thời gian qua đang tăng thấp, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng thêm 4,45% so với cuối năm 2023, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,73%, do đó, cần nỗ lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024.

Ba là, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Bốn là, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng tăng giá theo tăng lương của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước quyết định, đặc biệt trong thời gian sau ngày 1/7/2024 khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện.

Năm là, việc tăng giá điện, nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo thực hiện tăng theo lộ trình của Chính phủ cần tính toán thời gian, mức độ phù hợp, tránh dẫn tới áp lực làm tăng sức ép lạm phát.

Sáu là, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có sự theo dõi chặt chẽ về sự biến động trên các thị trường: bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngoại tệ và vàng, có biện pháp xử lý kịp thời nhằm tránh các tình huống đột xuất có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính - tiền tệ và lạm phát.

Bảy là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế.

Đồng thời, cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm để các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành phải được doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư thực thi một cách toàn diện và nghiêm túc.

Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn