Trên thị trường, giá cà phê liên tục tăng lên đến 117.000 đồng/kg tại thời điểm ngày 28/5/2024. Giá cà phê tăng cũng dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê báo lãi trong quý I. Trái ngược với bức tranh tươi sáng, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thì lại chìm sâu trong thua lỗ, lợi nhuận giảm mạnh.
Trái chiều lợi nhuận quý I
Kết thúc quý I/2024, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê có kết quả hoạt động kinh doanh khởi sắc. Cụ thể, tại báo cáo tài chính quý I/2024, Công ty CP VinaCafé Biên Hòa (mã ck: VCF) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 484 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ các chi phí đều cao so với cùng kỳ, VCF lãi sau thuế 89 tỷ đồng, tăng 22%. Con số này đã giúp tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết tháng 3/2024 lên 1.692 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I/2024, tổng tổng tài sản của VCF đạt 2.562 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn còn 260 tỷ đồng, giảm 57%. Hàng tồn kho đạt 241 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 1.193 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 22% sau 3 tháng.
Kết quả kinh doanh qua các quý và các năm của cà phê Biên Hoà. Ảnh:
Tại Công ty CP Cà phê Thắng Lợi (mã ck: CFV), trong quý I, doanh thu thuần của công ty tăng 44% so với cùng kỳ, lên 165 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt gần 20 tỷ đồng, gần gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Các chi phí tăng tương ứng với tăng trưởng của doanh thu. CFV lãi sau thuế 10 tỷ đồng, gấp 7 lần quý I/2023.
Tính đến hết quý I, tổng tài sản của CFV đạt 241 tỷ đồng, giảm 14% sau 3 tháng. Trong quý, CFV đi vay 92 tỷ đồng và trả nợ gốc gần 150 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tính đến cuối quý I đã giảm 46% về 67 tỷ đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh theo chiều hướng tích cực thì còn có những doanh nghiệp có lợi nhuận “bốc hơi”.
"Cà phê Gia Lai năm 2023 báo lỗ 12,3 tỷ đồng. So với khoản lỗ 24,8 tỷ đồng vào năm 2022, kết quả kinh doanh năm 2023 của công ty có chuyển biến tích cực hơn. Song việc kinh doanh dưới giá vốn dường như không còn xa lạ với Cà phê Gia Lai vì từ năm 2017, công ty đã có 6 lần lặp lại lịch sử doanh thu không đủ trả giá vốn."
Tại Công ty CP Cà phê Gia Lai (mã ck: FGL), trong quý I/2024, doanh doanh thu thuần của FGL đạt 22 triệu đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính là 1,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 1,1 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến công ty lỗ hơn 2,3 tỷ đồng cả quý, cùng kỳ lỗ 2,7 tỷ đồng. Tính đến hết quý I, lỗ luỹ kế của FGL tăng lên 89 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Minh Khang Capital Trading Public (mã ck: CTP), doanh thu quý I giảm hơn 97% xuống còn 708 triệu đồng. Lợi nhuận gộp là 135 triệu đồng. Trừ các chi phí, CTP lãi sau thuế 18 triệu đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối quý I, tổng tài sản của CTP giảm 21% so với đầu năm, xuống còn 153 tỷ đồng. Sự thay đổi chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 80 tỷ đồng. Hàng tồn kho vẫn giữ nguyên ở mức 33 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có được hưởng lợi trong năm nay?
Tổng quan về thị trường cà phê, trong tháng 4 và 5, giá cà phê trong nước và thế giới đạt ngưỡng kỷ lục trong bối bối cảnh nguồn cung cạn kiệt. Do đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt trên 152 nghìn tấn, tổng giá trị là 572,95 triệu USD, giảm 19,5% về lượng và giảm 14,7% về giá so với tháng trước đó. So với tháng 4/2023, xuất khẩu cà phê giảm 7,0% về lượng, nhưng tăng 43,7% về giá.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt xấp xỉ 737,8 nghìn tấn, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam tăng lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Indonesia, Hà Lan, Philippines, nhưng giảm xuất khẩu sang các thị trường Đức, Hoa Kỳ, Nga, Angieria. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.389 USD/tấn, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành cà phê được các chuyên gia nhận định sẽ phản ứng với sự sụt giảm lớn về tồn kho, điều này sẽ được phản ánh khi mức tiêu dùng toàn cầu vẫn tích cực rõ ràng. Ảnh minh hoạ.
Về thuận lợi và khó khăn cho ngành cà phê trong năm 2024, theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê tăng nhưng lượng cà phê Việt Nam cạn dần. Tồn kho trong doanh nghiệp và nông dân không nhiều, do đó lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm.
Bên cạnh đó, Vicofa cũng nhận định, chưa năm nào giá cà phê cao như năm nay. Giá tăng mạnh đã khiến năng lực thu mua của các doanh nghiệp giảm xuống và đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp mua xa - bán xa, các hợp đồng tương lai có rủi ro rất cao.
Trong khi Việt Nam phải đến tháng 10/2024 mới vào thu hoạch cà phê vụ mới thì những diễn biến thời tiết khô hạn khắc nghiệt hiện nay ở Tây Nguyên cũng khiến nông dân lo ngại về sản lượng cà phê của vụ tới.
Mặc dù đầu tư cho cây cà phê khá cao trong bối cảnh giá phân bón cao, chi phí tưới nước trong bối cảnh hạn hán vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, song nhiều nông dân từng bỏ bê cây cà phê nay đã bắt đầu quay lại đầu tư cho cây trồng này.
Trái ngược với niềm vui của người nông dân các doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao khi phải huy động nguồn vốn lớn hơn, trong khi hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không tăng. Giá tăng cũng đi kèm với mức rủi ro tăng lên cho các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái.
Trên thực tế, đã có hiện tượng đại lý thu mua và doanh nghiệp thu mua giao hàng không đúng thời hạn quy định trong hợp đồng, gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam. Thậm chí, tình trạng này có dấu hiệu lan rộng, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành cà phê. Có doanh nghiệp còn phản ánh tình trạng một số nhà cung ứng không giao hàng theo hợp đồng mà bán cho đối tác khác với giá cao hơn. Điều này đã gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành cà phê.
Giá cà phê hôm nay 28/5 trong khoảng 115.500 - 117.000 đồng/kg. Giá cà phê ở thời điểm hiện tại cao gấp 2 - 3 lần giá cà phê của những năm trước. Giá cà phê tăng kỷ lục, khiến người dân mạnh dạn tái trồng, hy vọng làm giàu từ cây cà phê. Trái ngược với đó, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí nguồn cung hàng tăng cao hay việc giao hàng không đúng thời gian trong hợp đồng dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.