Sau khi bị loại ra trong kỳ đánh giá tháng 4/2024, MWG được dự báo sẽ trở lại VNDiamond, đến từ tiêu chí tăng tính đa dạng của rổ chỉ số.
Ảnh minh họa
Ngày 21/10 tới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) sẽ công bố danh mục cổ phiếu thành phần thay đổi của các bộ chỉ số: VN-Diamond Index, VN-FinSelect Index, VNX-50 Index.
Dựa trên dữ liệu kết thúc tại ngày 30/9/2024, Chứng khoán BIDV (BSC) trong báo cáo phát hành ngày 6/10, dự kiến kết quả thay đổi như sau:
Đối với bộ chỉ số VN-Diamond Index, dự kiến sẽ thêm mới MWG và không loại bỏ cổ phiếu nào. Theo BSC, cổ phiếu MWG được thêm vào kỳ này đến từ tiêu chí tăng tính đa dạng của rổ chỉ số khi có một nhóm cổ phiếu cùng ngành (kỳ đánh giá này là nhóm ngân hàng) bị áp dụng ngưỡng giới hạn tỷ trọng vốn hóa 40%, đồng thời là cổ phiếu có hệ số FOL (tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài) cao nhất để xét duyệt.
Đối với cổ phiếu VRE, do không đáp ứng về tiêu chí hệ số FOL nên thuộc rổ cổ phiếu chờ loại ra ở kỳ này. Nếu không cải thiện tiêu chí về hệ số FOL trong thời gian tới, nhiều khả năng VRE sẽ có nguy cơ bị loại khỏi bộ chỉ số VN-Diamond vào kỳ đánh giá tháng 4/2025.
Theo BSC, kể từ thời điểm hoàn tất cơ cấu danh mục VN-Diamond Index trong kỳ đánh giá tháng 4/2024, với việc MWG bị loại và thêm mới BMP, các quỹ ETF tham chiếu phải hoàn tất cơ cấu danh mục chậm nhất vào ngày 3/5/2024. Tuy nhiên, quỹ ETF FUEVFVND (ETF nội có quy mô lớn nhất thị trường) do Dragon Capital quản lý vẫn đang sở hữu cổ phiếu MWG.
Theo Bloomberg, số liệu sở hữu MWG của ETF FUEVFVND tại các mốc thời điểm 31/5, 28/6, 31/7, 30/8 năm 2024 lần lượt là (đơn vị cổ phiếu): 8 triệu, 6,98 triệu, 3,94 triệu và 3,4 triệu.
Với những dự phóng trên, BSC tính toán các quỹ tham chiếu VN-Diamond Index sẽ mua mới gần 26 triệu cổ phiếu MWG tại kỳ cơ cấu lần này. Ngược lại, các mã VRE, OCB, PNJ, GMD, REE bị bán ra nhiều nhất theo khối lượng (từ hơn 5 triệu cổ phiếu đến hơn 7 triệu cổ phiếu).
Đối với bộ chỉ số VN-FinSelect Index, đơn vị phân tích dự báo thêm mới cổ phiếu NAB và không loại bỏ cổ phiếu nào.
Lưu ý đối với rổ chỉ số VN30, BSC cho rằng, trong trường hợp ACV, BSR chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE thành công, hai cổ phiếu này sẽ có khả năng vào bộ chỉ số VN30. Theo quy định hiện tại của HoSE, đối với một cổ phiếu mới khi niêm yết trên sàn sẽ cần thời gian tối thiểu 6 tháng để đủ điều kiện xét duyệt các tiêu chí của bộ chỉ số.
Trong trường hợp giả định chuyển sàn thành công đối với ACV, BSR và quy tắc của bộ chỉ số VN30 được giữ nguyên, BSC dự báo như sau:
Trường hợp của BSR, cổ phiếu sẽ cần thời gian niêm yết tối thiểu 6 tháng trên HoSE để được xem xét đánh giá khả năng vào bộ chỉ số VN30, điều này đồng nghĩa xác suất để lọt vào Top 20 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường không đảm bảo khi các cổ phiếu khác cũng đang có sự cải thiện rõ rệt về tiêu chí này.
Trường hợp của ACV, nếu vốn hóa được cải thiện sau khi chuyển sàn để lọt vào Top 5 giá trị vốn hóa thị trường (hiện đang nằm ngoài Top 5), ACV sẽ cần thời gian niêm yết tối thiểu 3 tháng để được xét duyệt vào VN30. Nếu giá trị vốn hóa nằm ngoài Top 5, ACV sẽ cần thời gian niêm yết tối thiểu 6 tháng trên HoSE (tương tự như BSR) để có cơ hội vào bộ chỉ số VN30.
Lưu ý cho kỳ đánh giá tháng 1/2025, BSC cho rằng, trong trường hợp HoSE không thay đổi bộ quy tắc tính toán chỉ số, cổ phiếu LPB đã đủ điều kiện vào VN30 (lọt Top 20 vốn hóa thị trường), đồng nghĩa cổ phiếu POW sẽ có nguy cơ bị loại khỏi VN30.
Thời gian chốt dữ liệu cho kỳ đánh giá tháng 1/2025 đối với bộ chỉ số VN30 là ngày 31/12/2025. BSC đánh giá, nếu cổ phiếu LPB tiếp tục duy trì giá trị vốn hóa cao như hiện tại trong hơn 60 phiên giao dịch của quý 4/2024 thì xác suất vào rổ chỉ số VN30 là rất cao và cổ phiếu POW sẽ có nguy cơ bị loại.