Tập đoàn Hóa chất Đức Giang do ông Đào Hữu Huyền làm chủ tịch HĐQT, con trai ông Huyền là Đào Hữu Duy Anh làm tổng giám đốc. Vi phạm này liệu có bị xử phạt và buộc phải miễn nhiệm tổng giám đốc giống trường hợp TNG vừa qua không?
Theo thông tin trên trang web của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC), ông Đào Hữu Huyền hiện là chủ tịch HĐQT, con trai ông Huyền - ông Đào Hữu Duy Anh - làm tổng giám đốc.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ông Đào Hữu Huyền (SN 1956) là chủ tịch HĐQT từ tháng 5/2007, còn ông Đào Hữu Duy Anh (SN 1988) là thành viên HĐQT từ tháng 4/2015 và tổng giám đốc từ tháng 3/2020.
Đây liệu có là hành vi vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ thời điểm 1/1/2021?
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hóa chất Đức Giang.
Tại điểm b khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp quy định: đối với công ty đại chúng, công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì giám đốc hoặc tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ.
Ông Đào Hữu Duy Anh.
Trước đó, ngày 26/12, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) bị Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên xử phạt vì bổ nhiệm tổng giám đốc công ty có quan hệ gia đình với người quản lý doanh nghiệp là chủ tịch hội đồng quản trị.
Cụ thể, TNG đã bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Mạnh làm tổng giám đốc. Ông Mạnh là con trai của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời. TNG đã bị phạt 25 triệu đồng và buộc phải miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Đức Mạnh. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này (26/12/2024).
Vậy với vi phạm tương tự, câu hỏi đặt ra là liệu DGC có bị xử phạt và ông Duy Anh có bị buộc phải miễn nhiệm giống trường hợp TNG?
Hóa Chất Đức Giang liệu có bị phạt?
Chia sẻ với báo chí, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho biết, việc bổ nhiệm tổng giám đốc của DGC nói trên không vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhưng lại vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Vi phạm này phải chấm dứt kể từ ngày đầu tiên của năm 2021.
Theo luật sư Đức, vi phạm trên, từ ngày 1/1/2021 sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 34, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư” và từ ngày 1/1/2022 là Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 (thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP).
Theo khoản 1, Điều 81 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm xảy ra từ năm 2021 về trước mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt từ năm 2022 thì áp dụng quy định của Nghị định số 122/2021/NĐ-CP để xử lý.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, Điều 52, Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm tổng giám đốc. Và biện pháp khắc phục hậu quả là: buộc miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm tổng giám đốc.
Theo luật sư, nếu vi phạm hành chính đã xảy ra quá 1 năm mới bị phát hiện thì hết thời hiệu xử phạt. Tuy nhiên, trường hợp DGC chưa hết thời hiệu vì vi phạm vẫn đang diễn ra.
Vị luật sư lưu ý rằng, một công ty đại chúng niêm yết mà bố làm chủ tịch, con làm tổng giám đốc, rất dễ bị liên tưởng đến công ty gia đình.
Trả lời về vấn đề này tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, theo Nhịp sống thị trường, Chủ tịch Hoá chất Đức Giang Đào Hữu Huyền cho biết, nhiệm kỳ HĐQT còn 2 năm. Ông đã trao đổi với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, sau 2 năm nữa khi kết thúc nhiệm kỳ, ông có thể từ chức để đảm bảo quy định và để ông Duy Anh tiếp tục là tổng giám đốc.
Đại diện Công ty Luật ANVI cho rằng, một số loại hình công ty bị hạn chế chặt hơn về điều kiện, tiêu chuẩn trong quản lý, điều hành, để bảo đảm tính khách quan, vô tư, bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số.
Nếu bài bản, chuyên nghiệp, công ty còn cần thực hiện chặt chẽ hơn quy định cấm của luật, để tăng niềm tin của nhà đầu tư và công chúng. Ví dụ, một cá nhân có thể sở hữu 99% cổ phần của công ty niêm yết mà không trái luật (trừ một số lĩnh vực bị giới hạn như ngân hàng hay cổ đông nước ngoài trong một số công ty). Nhưng 1 người sở hữu càng nhiều thì công ty càng dễ bị phụ thuộc, chi phối bởi một vài cổ đông, càng giảm đi tính đại chúng, chuyên nghiệp và tin cậy.
Hóa chất Đức Giang có quy mô tỷ USD
Hóa chất Đức Giang nổi tiếng trên thị trường chứng khoán với thị giá cổ phiếu rất cao, tăng vọt trong nhiều năm gần đây nhờ lợi nhuận nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu DGC hiện có giá 115.500 đồng/cp, tương ứng quy mô vốn hơn 43.800 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD).
Năm 2023,
Doanh nghiệp này có “cỗ máy in tiền” khủng là Phốt Pho Apatit Việt Nam với doanh thu cả nghìn tỷ đồng từ phốt pho vàng. DGC là doanh nghiệp sản xuất photpho vàng lớn nhất Việt Nam, sở hữu mỏ quặng riêng.
Tới giữa năm 2024, ông Đào Hữu Huyền nắm gần 69,8 triệu cổ phiếu DGC, tương ứng 18,38%. Tổng cộng ông Huyền và những người có liên quan nắm hơn 40% vốn DGC. Trong đó, ông Đào Hữu Duy Anh nắm hơn 3%.
Chủ tịch Đào Hữu Huyền có khối tài sản quy từ cổ phiếu trị giá hơn 8.200 tỷ đồng, xếp thứ 10 trong danh sách các doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Thuỳ Dương