Bão Yagi gây thiệt lớn về người và vật chất tại các tỉnh khu vực phía Bắc. Bảo Minh đã phải gia tăng chi phí bồi thường ảnh hưởng đến dòng tiền cho hoạt động đầu tư.
Chi phí bồi thường gia tăng ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư của công ty. Nguồn:
Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã: BMI) công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 để điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Theo đó, HĐQT trình duy trì chỉ tiêu tổng doanh thu là 6.800 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 29% xuống 268 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tối tiểu từ 10% về 7%. Đồng thời, tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu cũng giảm từ 10% về 7%.
Ban lãnh đạo Bảo Minh cho biết tổng doanh thu thu phí bảo hiểm 10 tháng toàn thị trường ước đạt 184.231 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường bảo hiểm nói chung đã có tín hiệu phục hồi tích cực, song đầu tháng 9 vừa qua, cơn bão số 3 (bão Yagi) diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với Bảo Minh, cơn bão Yagi có phạm vi ảnh hưởng và tác động cực ký lớn tới kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Bắc, nhiều khách hàng của công ty chịu thiệt hại nặng nề về tài sản, xe cộ… dẫn đến chi phí dự phòng bồi thường gia tăng đột biến. Do vậy, lợi nhuận sau thuế quý III của công ty chỉ đạt 51,1 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng giảm 23% xuống 194 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Bảo Minh, trong các tháng cuối năm, công ty phát sinh nhu cầu thanh toán bồi thường tăng cao do ảnh hưởng từ các tổn thất xảy ra từ cơn bão Yagi, điều này cũng tác động đến việc cân đối nguồn tiền, dòng tiền trong hoạt động đầu tư để đảm bảo công tác bồi thường cho người được bảo hiểm.
Ngoài ra, tình hình bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nhóm – nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nghiệp vụ bảo hiểm của Bảo Minh diễn biến phức tạp, ngoài tầm kiểm soát của toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, phức tạp, người dân lạm dụng bảo hiểm, chi phí y tế, khám sức khỏe gia tăng…HĐQT đưa ra nhiều giải pháp cả thiện tình hình kinh doanh nghiệp vụ này như tăng phí, giới hạn quyền lợi, thậm chí từ bỏ một số khách hàng có doanh thu lớn nhưng có biểu hiện lạm dụng bồi thường trong nghiệp vụ này… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Trong các năm tới, HĐQT sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để từng bước cải thiện hiệu quả nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nói riêng cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung.