Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài 2): Núp bóng đầu tư “chui”
Chuyên mục:

Kinh tế

Cổng Chính phủ điện tử | 19:15
Google news

Bên cạnh mặt tích cực khi người nước ngoài (NNN) vào cư trú, làm việc trên địa bàn tỉnh mang lại như thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội... thì vẫn còn tình trạng NNN lợi dụng “kẽ hở” để “núp bóng” đầu tư “chui”... Điều này, không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn gây ra nhiều “hệ lụy” cho chính bản thân người lao động.

Lực lượng công an kiểm tra việc khai báo lưu trú đối với người nước ngoài.

Những “chiêu thức” tinh vi

Bên cạnh những mặt tích cực, lợi dụng các quy định thông thoáng về xuất, nhập cảnh, đầu tư kinh doanh, nhiều hành vi vi phạm pháp luật của NNN diễn biến với nhiều hình thức đa dạng, phức tạp. Trong đó, tình trạng NNN đầu tư “chui”, “núp bóng” vẫn diễn ra, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Theo đó, NNN bỏ vốn đầu tư nhưng thuê người Việt Nam đứng tên chủ đầu tư, làm đại diện pháp luật để thành lập doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam và đứng sau chỉ đạo, quản lý điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NNN thuê người Việt Nam đứng tên thủ tục pháp lý thành lập công ty 100% vốn Việt Nam, sau đó thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác NNN và người Việt Nam chung vốn thành lập công ty, sau đó người Việt Nam sang nhượng hoặc bán lại phần vốn góp cho NNN... Cá biệt, một số đối tượng NNN lợi dụng danh nghĩa hợp tác đầu tư vào địa bàn có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cá nhân, doanh nghiệp người Việt Nam.

Điển hình, trong tháng 12/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của anh L.X.H., sinh năm 1984, ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) tố cáo bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo tham gia đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán và bị lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng... Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc điều tra xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong thời gian ngắn tập trung rà soát, truy vết các thông tin, tài liệu, Phòng Cảnh sát hình sự đã điều tra làm rõ và bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây lừa đảo tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán, gồm: Guo Jinguang (tên gọi khác là Quách Kim Quang), sinh năm 1983 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; Lương Vỹ Hào, sinh năm 1994 ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh; Trần Thị Cẩm Ngân, sinh năm 1995; Lê Kỳ Nguyên, sinh năm 1996 đều ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Văn Thúy, sinh năm 1987; Làu Nhật Quý, sinh năm 2000; Nguyễn Thị Thanh Thiện, sinh năm 1986 đều ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh và Nguyễn Ngọc Tường Vy, sinh năm 1999 ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, Guo Jinguang đã cấu kết với một đối tượng người Trung Quốc khác đang hoạt động tại Campuchia thành lập các công ty với mục đích mở tài khoản ngân hàng để nhận, che giấu dòng tiền cho hoạt động lừa đảo. Sau đó, Guo Jinguang đã nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam và thông qua 2 phiên dịch là Trần Thị Cẩm Ngân và Làu Nhật Quý để tìm kiếm người Việt Nam mở nhiều tài khoản và bán cho đối tượng người Trung Quốc hoạt động tại Campuchia. Tại cơ quan công an, đối tượng Guo Jinguang khai nhận đã thống nhất với đối tượng người Trung Quốc đang hoạt động tại Campuchia chỉ đạo việc thuê người Việt Nam đứng ra thành lập doanh nghiệp, công ty nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh mà nhằm mục đích rửa tiền. Đồng thời, mở nhiều tài khoản ngân hàng (gồm tài khoản cá nhân và doanh nghiệp, công ty vì thông tin doanh nghiệp có thể tra cứu qua internet, tạo niềm tin cho bị hại khi chuyển tiền) để nhận tiền, chuyển tiền lừa đảo từ các bị hại Việt Nam, trong đó có Công ty TNHH Thương mại quốc tế MEI YUE. Quá trình chuyển tiền, Guo Jinguang chịu trách nhiệm từ việc cung cấp tài khoản, theo dõi dòng tiền, đưa các chủ tài khoản sang biên giới để tiến hành sinh trắc - xác thực giao dịch chuyển tiền tại Campuchia. Hoạt động lừa đảo của các đối tượng được tách biệt thành 2 bộ phận, gồm: đưa thông tin gian dối để lừa đảo gọi mời tham gia đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán và tạo các tài khoản, công ty để che giấu dòng tiền, tránh rủi ro khi bị cơ quan chức năng phát hiện, 2 bộ phận này hoạt động đồng thời, song song và có sự phối hợp nhịp nhàng trong cả quá trình lừa đảo...

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức kiểm tra đối với 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó phát hiện 6 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đầu tư, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 360 triệu đồng, gồm Công ty TNHH Millennium LNG Nghi Sơn; Công ty TNHH Millennium Power Nghi Sơn; Công ty THNN South Fame

Garmenst Limited... Cũng qua công tác điều tra, nắm tình hình, Công an tỉnh đã tham mưu không chấp thuận đối với 38 dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế Việt Nam...

Xử lý kịp thời, nghiêm minh

Thời gian gần đây, tình trạng NNN vi phạm pháp luật, phạm tội diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đã và đang tác động không tốt đến tình hình an ninh trật tự. Trong đó, vi phạm về không khai báo tạm trú, quá hạn tạm trú là hình thức vi phạm phổ biến nhất. Ngoài ra, còn có vi phạm pháp luật khác như tội phạm sử dụng công nghệ cao, tín dụng “đen”, ma túy, cờ bạc..., tội phạm truy nã của nước ngoài lẩn trốn tại Việt Nam hoặc tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp để hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 382 trường hợp NNN có các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập cảnh hoạt động không đúng mục đích, chương trình cấp thị thực, quá hạn tạm trú, không khai báo tạm trú...; 197 cơ sở lưu trú vi phạm quy định pháp luật xuất, nhập cảnh; bắt, bàn giao 2 đối tượng thuộc diện truy nã nước ngoài, trục xuất 45 NNN vi phạm các quy định về xuất, nhập cảnh; xử lý và bàn giao 35 NNN nhập cảnh trái phép. Phát hiện, điều tra khởi tố 14 vụ/27 bị can liên quan đến NNN với các hành vi: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, buôn lậu, tội trộm cắp tài sản...

Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài 2): Núp bóng đầu tư “chui”Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Phát hiện, ngăn chặn, xử lý 8 vụ/8 tổ chức, cá nhân NNN vi phạm pháp luật về môi trường như nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thải chất thải rắn không đúng quy định, không thực hiện đúng một số nội dung quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường... Điển hình, ngày 5/6/2024, Công an TP Thanh Hóa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa, công an các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh làm rõ, bắt giữ hai đối tượng có quốc tịch Trung Quốc chuyên trộm cắp tài sản tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố khác. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm về việc Công ty TNHH Colour Billion và Công ty TNHH Byeok Jin Vina ở Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) bị hai đối tượng đeo găng tay bịt mặt, mặc áo chống nắng đột nhập vào công ty sử dụng công cụ cạy phá tủ, để lấy trộm tài sản. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP Thanh Hóa tập trung lực lượng điều tra làm rõ vụ án. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bắt giữ hai đối tượng có quốc tịch là người Trung Quốc gồm Hoàng Gia Lạc, sinh năm 1992 và Hoàng Chấn Long, sinh năm 1974, cùng trú tại thị trấn Nghĩa Vu, huyện Hiển Đông, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khi các đối tượng đang lên kế hoạch chuẩn bị thực hiện trộm cắp tài sản ở khu công nghiệp tại TP Bắc Giang cùng nhiều tang vật phạm tội như xe máy, xà cày, găng tay...

Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số trường hợp NNN lợi dụng chính sách xuất nhập cảnh vào địa phương để hoạt động vi phạm pháp luật. Những vấn đề này cần được phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời để giữ vững tình hình ANTT trong công tác quản lý NNN tại địa phương.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục