Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài 1): Siết chặt công tác quản lý
Chuyên mục:

Kinh tế

Cổng Chính phủ điện tử | 19:13
Google news

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn tỉnh Thanh Hóa làm “bến đỗ” cho các dự án sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, thu hút nguồn lao động ngày một lớn, đặc biệt là các lao động và chuyên gia người nước ngoài (NNN). Do vậy, công tác quản lý cư trú, hoạt động của NNN luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh hướng dẫn làm thủ tục cho người nước ngoài. Ảnh: Quốc Hương

“Mảnh đất vàng” thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài

Với vị trí chiến lược, diện tích rộng, dân số đông, có hệ thống giao thông thuận lợi, có Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng biển Nghi Sơn thuận tiện cho lưu thông Bắc - Nam và đi quốc tế, là nơi hội tụ đầy đủ tiềm năng của 3 vùng kinh tế miền núi, trung du và đồng bằng ven biển, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Thanh Hóa được Bộ Chính trị xác định “là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung bộ. Xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển”... (tại Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị).

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế có được, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách mở cửa, hội nhập thông thoáng đã tạo nên sức hấp dẫn lớn, thu hút ngày càng nhiều NNN vào cư trú, hoạt động, và liên doanh, liên kết đầu tư vào địa bàn tỉnh với nhiều dự án lớn mang lại hiệu quả cao. Trong đó, nổi bật nhất là Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đến tháng 10/2024, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã thu hút được 730 dự án đầu tư, trong đó có 74 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đầu tư 13,691 tỷ USD; khoảng 160 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trên 200 doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài, với tổng số trên 2.000 lao động NNN thường xuyên làm việc.

Với ưu thế về hạ tầng được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, những năm gần đây Khu Công nghiệp Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn), cũng là “mảnh đất vàng” thu hút được nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài vào để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... Đến nay, tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn có 22 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 300 NNN cư trú, lao động. Do đó nhiều doanh nghiệp có số vốn đầu tư nước ngoài nên địa bàn thị xã cũng thu hút được số lượng lớn NNN đến làm việc, du lịch, khảo sát cơ hội đầu tư. Tính từ năm 2020 đến nay, thị xã có khoảng 3.778 lượt NNN thuộc nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đến hoạt động chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan... Có 8 đoàn nước ngoài đến để hoạt động đối ngoại, khảo sát, xúc tiến hoạt động đầu tư phát triển kinh tế.

Để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi thu hút NNN vào đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trên địa bàn tỉnh, thời gian qua các cấp, ngành trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với NNN nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam”, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND, ngày 23/12/2019 và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai mạnh mẽ công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú và các hoạt động của NNN trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 19, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao tại chỉ thị; đồng thời, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch công tác của các đơn vị, địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trên lĩnh vực bảo đảm ANTT, lực lượng công an trong tỉnh đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chủ trương, giải pháp trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú và các hoạt động của NNN trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn không để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo giữ vững ANTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của tỉnh. Nói về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Minh Hạnh, Phó đội trưởng Đội an ninh, Công an TP Thanh Hóa, cho biết: Trong thời gian qua, lực lượng công an trên địa bàn thành phố đã tăng cường siết chặt quản lý NNN trên địa bàn, chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều biện pháp để tổ chức công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hoạt động, dấu hiệu liên quan đến đưa dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép vào làm việc trong các doanh nghiệp, hoặc các vi phạm pháp luật như hoạt động không đúng mục đích nhập cảnh, hoặc lợi dụng địa bàn để tiến hành các hoạt động phạm tội...

Còn nhiều “kẽ hở”

Trong thời gian qua, hoạt động NNN nhập cảnh cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh cơ bản được phối hợp quản lý, kiểm soát tốt; NNN làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú liên quan đến NNN vẫn còn xảy ra.

Lực lượng công an kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài trên địa bàn.

Nếu như trước đây, trên địa bàn Thanh Hóa thường xảy ra trường hợp doanh nghiệp chậm trễ hoặc chưa chú trọng trong việc làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho lao động là NNN làm việc tại đơn vị mình. Một số doanh nghiệp lợi dụng quy định của Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam quy định lao động nước ngoài làm việc dưới 3 tháng không phải xin cấp giấy phép lao động để “lách luật”, đưa lao động vào làm việc dưới 3 tháng và luân phiên thay lao động khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Có trường hợp lao động nước ngoài vào tỉnh với danh nghĩa khách du lịch, thăm người thân nhưng thực chất ở lại để dạy ngoại ngữ và làm các công việc khác.

Hiện vẫn còn tình trạng NNN, lao động nước ngoài đến làm việc không đúng với nội dung đã được cấp phép như sai nơi làm việc, sai vị trí công việc. Mặt khác, việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài chưa đầy đủ, kịp thời; tình trạng lao động là người nước ngoài sử dụng visa du lịch vào để giảng dạy ngoại ngữ hoặc sử dụng visa doanh nghiệp vào làm việc tại Thanh Hóa còn xảy ra. Cùng với đó, một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có số lượng công nhân lớn, khi gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh buộc phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, phải cắt, giảm lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm, cá biệt có trường hợp chủ doanh nghiệp là NNN bỏ về nước trong khi đang nợ lương, nợ bảo hiểm người lao động... đã tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tranh chấp lao động, an ninh công nhân và các hệ lụy về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Cá biệt, có một bộ phận nhỏ NNN nhập cảnh, hoạt động trên địa bàn tỉnh đã có các hành vi vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, như: Quá hạn tạm trú, hoạt động không đúng mục đích nhập cảnh, vào khu vực Nhà nước quy định cần có giấy phép mà không có giấy phép...; thậm chí một số trường hợp NNN đã có hoạt động phạm tội về kinh tế, hình sự, môi trường... hoặc là đối tượng thuộc diện truy nã nước ngoài; NNN nhập cảnh trái phép đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa để xuất cảnh trái phép sang nước thứ ba...

Vụ việc các đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tổ chức cho 30 NNN nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép vừa qua đã gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Theo đó, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2021 đến tháng 3/2023, Lê Thị Hồng Vân, sinh năm 1984, ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa đã chỉ đạo 2 nhân viên dưới quyền là Đỗ Thị Vân, sinh năm 1992, ở phường Ngọc Trạo và Phạm Thị Hiền, sinh năm 1989 ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) sử dụng các phần mềm trên máy tính như: Phần mềm photoshop, phần mềm ghép và tách file PDF online... để làm giả 65 tài liệu của 30 trường hợp NNN. Sau đó, sử dụng pháp nhân của 4 công ty gồm: Công ty TNHH đầu tư và phát triển giáo dục PPV, Công ty TNHH giáo dục quốc tế Apple đều do Lê Thị Hồng Vân lập và đứng tên pháp nhân; Công ty CP truyền thông & giáo dục Global, Công ty TNHH tư vấn & đào tạo Hoàng Hà là 2 công ty Lê Thị Hồng Vân mượn danh nghĩa tư cách pháp nhân để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 NNN nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép.

Theo ý kiến của Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Ngọc Trung tại hội nghị tổng kết Chỉ thị số 19 của UBND tỉnh cho hay: Công tác quản lý lao động NNN hiện vẫn còn những hạn chế đó là: Tình trạng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực; sử dụng người lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động vẫn còn xảy ra. Cùng với đó, người lao động nước ngoài vi phạm pháp luật chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Quốc Hương

Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục