Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Biến động trái chiều lợi nhuận của doanh nghiệp tôm nửa đầu năm 2024
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Asean Times | 21:29
Google news

Nếu các doanh nghiệp tôm lớn như Minh Phú, Sao Ta có đà tăng trưởng lợi nhuận khá tốt trong nửa đầu năm 2024 thì “ông lớn” xuất khẩu tôm Camimex lại đi lùi so với cùng kỳ.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) có đà tăng trưởng doanh thu tốt với +20% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm trước (YoY), mang về 1.242 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu xuất khẩu tăng là yếu tố chính giúp lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý của doanh nghiệp +8% YoY, đạt 83 tỷ đồng.

Lũy kế 2 quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 2.703 tỷ đồng, tăng 32% YoY, trong đó doanh thu bán thủy sản tăng 34% YoY, đạt 2.636 tỷ đồng. Lãi trước thuế của doanh nghiệp đạt 141 tỷ đồng, tăng 10% YoY.

“Vua tôm” Minh Phú (CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, MPC) ghi nhận tăng tới 59% YoY doanh thu thuần hợp nhất trong quý 2/2024, tương ứng lên mức 3.737 tỷ đồng. Cùng với doanh thu bán hàng tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh nuôi tôm giống và tôm thương phẩm của MPC trong quý bắt đầu có hiệu quả, kéo lãi ròng hợp nhất của doanh nghiệp đạt 38,4 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 2 quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 6.488 tỷ đồng, tăng 45% YoY. Lợi nhuận sau thuế của MPC đạt 45,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận âm 88 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn khác là CTCP Camimex Group (CMX) lại có đà giảm sâu về lãi ròng trong quý 2/2024 với -75% YoY xuống 6,09 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền vay của doanh nghiệp tăng 116%, đạt 40,9 tỷ đồng.

Lũy kế 2 quý đầu năm 2024, dù doanh thu thuần tăng 99% YoY, đạt 1.482 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 13,4% cùng với chi phí lãi vay tăng gấp đôi khiến lãi ròng của doanh nghiệp giảm 22% YoY, còn 37,4 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang một số thị trường chính tăng trưởng tốt đã kéo tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 17% YoY, đạt 328 triệu USD; sang Mỹ tăng nhẹ 1% YoY, đạt 303 triệu USD; EU tăng 13% YoY, đạt 217 triệu USD. Ngược lại, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản lại giảm 3% YoY, còn 229 triệu USD và Hàn Quốc giảm 10% YoY, còn 149 triệu USD...

Nhận định về các tín hiệu tích cực đối với doanh nghiệp tôm trong nửa cuối năm 2024, VASEP cho rằng, theo quy luật thị trường, kể từ quý 3 trở đi là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý 3 trở đi nhiều khả năng sẽ cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.

Tại các thị trường, doanh nghiệp tôm của Việt Nam đang có lợi thế hàng giá trị gia tăng tại Nhật Bản, cạnh tranh tốt hơn so với nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Mỹ có thể tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam trong bối cảnh các nhà nhập khẩu tăng mua để phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm...

Tuy nhiên, các đối thủ của Việt Nam tại Trung Quốc & Hong Kong là Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường này trong thời gian tới do Mỹ áp thuế cao. Do đó, tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá, đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con...

Tại thị trường Mỹ, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông, nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ tác động lên chi phí các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ của doanh nghiệp tôm thời gian tới.

Nếu xét về lâu dài, theo VASEP, doanh nghiệp tôm của Việt Nam đang đối mặt với hai vấn đề lớn, đó là giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ và dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, có khả năng gây thiếu nguyên liệu trong nửa cuối năm 2024.

Trong kế hoạch phát triển dài hạn của các doanh nghiệp lớn ngành tôm, mới đây CTCP Camimex Group đã thống nhất cổ đông kế hoạch muốn “lấn sân” sang lĩnh vực mới là chế biến cá (cá tuyết, cá minh thái, cá chẽm, cá hồi) và đầu tư nuôi cá (cá hồi, cá chẽm).

Camimex sẽ mua lại nhà máy cá của công ty Hùng Vương, bởi CMX có nhà máy chế biến tôm nhưng không phù hợp để sản xuất cá và việc cải tạo nhà máy tôm để đầu tư máy móc cũng không phù hợp.

Hiện Camimex là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam, đặc biệt CMX là một trong số ít đơn vị sản xuất tôm hữu cơ quy mô lớn trên thế giới.

Năm 2024, Camimex lên mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 75 triệu USD từ 10.000 tấn thành phẩm. Tương ứng kế hoạch doanh thu tăng trưởng 22% lên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 57% lên 105 tỷ đồng.

Năm 2024, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đặt mục tiêu lãi ròng cao nhất kể từ năm 2008 với 1.265 tỷ đồng. Kế hoạch này đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận âm 98 tỷ đồng lãi ròng ngay trong năm 2023.

Trong thời gian tới, MPC đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà cung ứng thủy sản hàng đầu thế giới với hai nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ không cạnh tranh với sản phẩm tôm từ Ấn Độ và Ecuador thông qua khía cạnh giá mà sẽ tập trung vào việc gia tăng chất lượng và tạo sự khác biệt trên thị trường.

Doanh nghiệp tập trung hoàn thành và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBio nhằm đưa giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam thấp ngang với Ecuador từ năm 2030 và phấn đấu đạt mục tiêu tự cung cấp 50% nhu cầu nguyên liệu tôm cho các nhà máy chế biến của công ty từ năm 2035.

Lê Hồng Nhung-Link gốc

Thị trường đóng cửa
CMX
Thị trường đóng cửa
FMC
Thị trường đóng cửa
MPC
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục