Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
BCM: Tăng cường vay nợ
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Tạp chí Nhà quản trị | 07:57
Google news

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Becamex IDC đến cuối quý II vừa qua đạt 1,1 lần, mức cao nhất ngành bất động sản khu công nghiệp và tiệm cận mức đỉnh 1,2 lần năm 2018.

Tỷ lệ nợ vay của Becamex tiệm cận đỉnh lịch sử

Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) vừa huy động thành công thêm 500 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 8.

Hai tháng trước, Becamex IDC cũng huy động thành công 800 tỷ đồng từ kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm của doanh nghiệp ghi nhận vay nợ tài chính hơn 21.200 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.

Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng 12.200 tỷ đồng, với các chủ nợ là các công ty chứng khoán và ngân hàng như chứng khoán SmartInvest, EuroCapital, MBS hay ngân hàng BIDV.

Sự gia tăng vay nợ ngắn hạn cũng như huy động từ trái phiếu doanh nghiệp đã tạo nên áp lực về khả năng thanh toán của Becamex IDC.

Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm lên tới 538 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính cao đã bào mòn lợi nhuận còn 513 tỷ đồng lãi sau thuế trong sáu tháng đầu năm, mới thực hiện được 22% kế hoạch cả năm.

Đặc biệt, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Becamex IDC đã đạt mức 1,1 lần vào cuối quý II vừa qua, mức cao nhất trong ngành bất động sản khu công nghiệp.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp đều duy trì trạng thái tiền mặt ròng thì Becamex có nợ ròng với tỷ lệ đòn bẩy tương đối cao.

Nguyên nhân chủ yếu liên quan tới cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Vì là doanh nghiệp nhà nước, do UBND tỉnh Bình Dương đang sở hữu 95,4% cổ phần, Becamex IDC muốn tăng vốn cần phải có sự phê duyệt của Chính phủ.

Nhiều năm qua, Becamex IDC vẫn chưa được phê duyệt tăng vốn nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nợ vay.

Kể cả khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, Becamex IDC vẫn liên tục huy động vốn qua kênh này.

Giai đoạn 2019 – 2022, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Becamex IDC dao động quanh mức 0,75 – 0,85 lần. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên mạnh trong thời gian gần đây và tiệm cận mức đỉnh 1,2 lần của năm 2018.

Cùng với áp lực nợ lớn, Becamex IDC duy trì lượng hàng tồn kho tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản. Hàng tồn kho tính tới cuối quý II/2024 đạt 20.648 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản.

Công ty chứng khoán Vietcap đánh giá, với các dự án quy mô lớn và đòn bẩy tương đối cao so với các công ty cùng ngành, dòng tiền dự kiến từ phát hành quyền mua cổ phiếu hoặc thoái vốn là yếu tố rất quan trọng đối với Becamex IDC.

Nếu kế hoạch thoái vốn tiếp tục kéo dài thì có thể gây ra rủi ro cho tiến độ phát triển của các dự án sắp tới.

Còn theo nhận định của công ty chứng khoán MBS, giai đoạn năm 2024 - 2025, nợ vay của Becamex IDC có thể giảm nhẹ nhờ thanh toán các khoản nợ đến hạn. Cụ thể, Becamex IDC sẽ phải thanh toán 2.700 tỷ đồng nợ đến hạn năm nay và 1.500 tỷ đồng năm tới.

Khi đó, tổng nợ vay lần lượt còn lại là 18.659 tỷ đồng và 19.438 tỷ đồng, giúp tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống và duy trì ở mức xấp xỉ 1 lần.

MBS cho rằng, áp lực trả nợ có thể thúc đẩy Becamex phải chuyển nhượng dự án bất động sản và cổ tức nhận từ công ty thành viên. Những khoản nợ trái phiếu có thể đối mặt rủi ro thanh toán khi tiến độ các dự án khu công nghiệp bị chậm triển khai, hoặc thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài.

Vẫn giàu tiềm năng

Những áp lực về nợ vay tác động đáng kể tới kết quả kinh doanh của Becamex IDC, song theo các công ty phân tích, tiềm năng của doanh nghiệp này vẫn rất lớn.

Thế mạnh lớn nhất của Becamex IDC nằm ở quỹ đất, khi doanh nghiệp này sở hữu 850 ha đất khu công nghiệp còn có thể cho thuê và khoảng 1.220 ha đất khu đô thị còn có thể bán được.

Ngoài ra, Becamex IDC còn được hưởng lợi thông qua các công ty liên doanh, liên kết có quy mô lớn trong ngành khu công nghiệp. Lớn nhất là 49% cổ phần của Becamex IDC tại VSIP - công ty phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam với khoảng 10.600 ha đất khu công nghiệp đang hoạt động.

Becamex IDC còn có 24% cổ phần tại BW Industrial - đơn vị đứng đầu Việt Nam trong phân khúc nhà kho, nhà xưởng xây sẵn với hơn 900 ha quỹ đất công nghiệp.

Câu chuyện thoái vốn nhà nước cũng rất được nhà đầu tư mong đợi. Hồi tháng 5/2024, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt giảm tỷ lệ sở hữu tại Becamex IDC từ 95,44% xuống mức hơn 65% vào cuối năm tới.

Chứng khoán Vietcap cho rằng quỹ đất dồi dào của Becamex IDC tại Bình Dương sẽ thúc đẩy doanh số cho thuê đất cao trong thập kỷ tới.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng và tình trạng khan hiếm đất tại TP.HCM sẽ thúc đẩy triển vọng bán đất khu đô thị.

Thành phố mới Bình Dương, dự án với quy mô 1.000 ha do Becamex IDC phát triển nhằm trở thành trung tâm vận hành của Bình Dương, gần đây đã thu hút các nhà phát triển nước ngoài như CapitaLand và Gamuda Land.

Cuối cùng, các công ty liên doanh,liên kết có giá trị cao sẽ gia tăng đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận. Năm ngoái, thu nhập từ các công ty liên kết đã đóng góp đáng kể, khoảng gần 800 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của Becamex IDC.

Vietcap dự đoán các công ty liên kết sẽ tăng dần mức đóng góp vào lợi nhuận của Becamex trong trung hạn khi kỳ vọng VSIP sẽ tăng gấp đôi quỹ đất khu công nghiệp và đạt doanh số cho thuê đất cao hơn.

Link gốc

Thị trường đóng cửa
BCM
Thị trường đóng cửa
BID
Thị trường đóng cửa
MBS
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn