Khoản lỗ trong quý III đã hoàn toàn xóa sạch thành quả đạt được trong nửa đầu năm, khiến APG chịu lỗ lũy kế hơn 98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024. Cùng kỳ năm trước, Công ty lãi ròng gần 403 tỷ đồng.
Trong Báo cáo tài chính mới đây, CTCP Chứng khoán APG (HoSE: APG) gây bất ngờ khi lỗ ròng đến 148 tỷ đồng trong quý III/2024. Trong đó, chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến lên mức 160 tỷ đồng là tác nhân chính dẫn đến kết quả này.
Năm 2024, APG lên kế hoạch lãi ròng 239 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện năm 2023. Cơ sở này được Công ty đưa ra trên giả định VN-Index dao động quanh vùng 1.300 điểm trong nửa cuối năm nay.
APG lỗ nặng trong quý III/2024.
Tuy nhiên, dù VN-Index vẫn đang giao dịch quanh vùng đỉnh 1.300 điểm nhưng việc lỗ nặng trong quý III kéo theo lãi luỹ kế 9 tháng đầu năm giảm mạnh đã khiến cơ hội hoàn thành kế hoạch năm trở nên cực kỳ khó khăn.
Kết thúc quý III, danh mục tài sản tài chính FVTPL của APG chủ yếu là cổ phiếu niêm yết có giá trị hợp lý hơn 503 tỷ đồng, thấp hơn 143 tỷ đồng so với giá gốc 646 tỷ đồng, phần nào phản ánh khoản lỗ nặng quý III.
Kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng năm 2024 của
Tổng tài sản cuối quý III của APG gần 2.730 tỷ đồng, gấp 1,5 lần đầu năm, chủ yếu do tăng mạnh trả trước cho người bán, phải thu các tài sản tài chính và đầu tư dài hạn.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tăng mạnh sau khi Công ty phát sinh các khoản vay ngắn hạn gần 277 tỷ đồng từ cả ngân hàng và cá nhân. Công ty cũng thực hiện tăng vốn trong tháng 5/2024, qua đó nâng vốn điều lệ từ hơn 1.536 tỷ đồng lên hơn 2.236 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều lãnh đạo APG cũng liên tục thoái vốn. Ông Nguyễn Hồ Hưng - Chủ tịch HĐQT APG không còn là cổ đông lớn APG sau khi bán thành công 5 triệu cổ phiếu từ ngày 01 - 04/10/2024. Bên cạnh đó, ông Trần Thiên Hà - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Người phụ trách quản trị Công ty cũng đã bán bớt cổ phiếu APG.