Hệ sinh thái An Phát ghi nhận nhiều biến động thượng tầng thời gian vừa qua, khi nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings Phạm Ánh Dương nộp đơn từ nhiệm, đồng thời đăng ký thoái trọn vốn khỏi công ty này.
Trụ sở An Phát Holdings tại cụm CN An Đồng - Thị trấn Nam Sách - Huyện Nam Sách - Tỉnh Hải Dương. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN
CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (Mã: APH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với doanh thu thuần giảm gần 7% so với cùng xuống 3.708 tỷ đồng. Với biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể trong kỳ, lợi nhuận gộp của APH tăng 18,5% lên 455 tỷ đồng.
Chi phí tài chính được tiết giảm hơn 35% do giảm chi phí đi vay, song chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 37% và 107% lên 228 và 230 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng giảm hơn nửa về còn 30 tỷ đồng.
Các chi phí ăn mòn lãi gộp khiến An Phát Holdings báo lỗ sau thuế gần 14 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 76 tỷ đồng của quý 3/2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 4 tỷ (quý 3/2023 đạt 20 tỷ). An Phát Holdings giải trình việc thua lỗ trong quý vừa qua chủ yếu đến từ việc ghi nhận khoản lỗ từ công ty con.
Việc thua lỗ khiến khoản lỗ chưa phân phối tại ngày 30/9 tăng lên 208 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, An Phát Holdings đạt 10.348 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9% so với cùng kỳ. Dù lỗ nhẹ quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế của APH trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt 257 tỷ đồng.
Cuối quý 3/2024, doanh nghiệp này đã tiến hành giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024. Cụ thể, doanh thu thuần giảm hơn 7%, từ 14.000 tỷ theo kế hoạch ban đầu xuống còn 13.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 10,5% từ 314 tỷ xuống 281 tỷ đồng.
Như vậy, sau điều chỉnh kế hoạch năm, An Phát đã thực hiện được 91% chỉ tiêu lợi nhuận do lãi lớn trong nửa đầu năm nay.
Công ty con của An Phát Holdings - CTCP Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) ghi nhận doanh thu trong quý 3/2024 đạt 3.193 tỷ đồng, giảm 9,5% so với quý 3/2023. Tuy nhiên do biên lợi nhuận cải thiện từ 9% lên 10,8%, lợi nhuận gộp của AAA tăng 7,8% lên 345 tỷ đồng.
Trong kỳ, hai chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động của AAA là chi phí bán hàng đặc biệt là chi phí quản lý tăng vọt lần lượt 30% và 156% so với cùng kỳ lên 191 tỷ và 184 tỷ. Đây là nguyên nhân chính bào mòn lợi nhuận gộp của AAA, khiến công ty này lỗ sau thuế quý 3/2024 gần 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 104 tỷ đồng.
Sau ba quý đầu năm 2024, doanh thu của AAA đạt 8.940 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 256 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự APH, AAA cũng thông qua việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024. Kế hoạch doanh thu hợp nhất của AAA giảm hơn 8% so với ban đầu, từ 12.000 tỷ xuống 11.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm giảm gần 17% từ 377 tỷ xuống 314 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp đã thực hiện được gần 82% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng.
Sự thoái lui của ông Phạm Ánh Dương
Hệ sinh thái An Phát ghi nhận nhiều biến động thượng tầng thời gian gần đây, khi Chủ tịch HĐQT kiêm nhà sáng lập An Phát Holdings – doanh nhân Phạm Ánh Dương nộp đơn từ nhiệm HĐQT công ty này vào đầu tháng 9/2024.
Đơn từ nhiệm của ông Phạm Ánh Dương được ĐHĐCĐ bất thường ngày 9/10 thông qua. Thay thế cho ông Phạm Ánh Dương ở ghế Chủ tịch HĐQT APH là ông Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch HĐQT AAA.
Ông Phạm Ánh Dương sau khi rút lui khỏi ghế Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings, đã bán thành công 6,7 triệu cổ phiếu APH trong số 11,9 triệu cổ phiếu đã đăng ký. Sau đó, ông Dương tiếp tục đăng ký bán sạch 5,2 triệu cổ phiếu còn lại trong tháng 10. Nếu hoàn tất giao dịch này, ông Dương sẽ không còn sở hữu tại APH.
Ngoài ông Dương, hàng loạt lãnh đạo khác của An Phát Holdings cũng ồ ạt bán ra cổ phiếu APH như bà Nguyễn Thị Tiện - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Phó Tổng giám đốc, ông Phạm Đỗ Huy Cường - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, bà Trần Thị Thoản - Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất, bà Hoà Thị Thu Hà - Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính.
Diễn biến cổ phiếu