Tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg vừa khởi động 2 dự án lớn, nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính toàn diện.
Theo đó, “Dự án VIE/039 - Tài chính cho khả năng chống chịu - Thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu và tiếp cận tài chính ở tỉnh Thừa Thiên - Huế” sẽ được triển khai trong 2 năm từ 2025 đến 2026 với ngân sách 2 triệu Euro do Chính phủ Luxembourg và Chính phủ Việt Nam tài trợ. Dự án này tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu, tăng cường tiếp cận tài chính cho các hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, và tăng cường hợp tác đối tác công - tư.
“Dự án CARe Hue - VIE/301 - Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam” có tổng mức tài trợ 10 triệu USD trong thời gian 5 năm từ 2025 đến 2029. Dự án sẽ nhân rộng các mô hình hiệu quả từ dự án VIE/039, đồng thời triển khai các giải pháp sáng tạo trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển các vùng ven biển và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại những khu vực dễ bị tổn thương.
Dự án có kế hoạch hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và các tổ chức tài chính địa phương, Hội như Hội Phụ nữ và Hội Nông dân để nâng cao hiểu biết của họ về các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu có yếu tố giới. Mục tiêu chính là cải thiện quản lý tài chính và kinh doanh của các hộ gia đình nông thôn, thúc đẩy sử dụng các trách nhiệm các sản phẩm tài chính và phát triển các hoạt động cho vay hợp lý để đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu.
Đoàn đại diện Agribank tham gia vào lễ khởi động. Ảnh: Anh Quân/BNEWS/TTXVN
Ông Manuel Tonnar, Tổng giám đốc LuxDev - Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg chia sẻ: “Dự án VIE/039 và VIE/301 đánh dấu sự hợp tác lần đầu tiên của LuxDev với một ngân hàng thương mại. Agribank đóng vai trò kép trong 2 dự án này khi không chỉ là đơn vị hưởng lợi nhận được những hỗ trợ kỹ thuật từ dự án mà còn là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, triển khai giải ngân các gói cho vay phù hợp với từng chuỗi giá trị cho các đối tượng thụ hưởng mục tiêu của dự án”.
Dự án mong muốn nâng cao năng lực về kiến thức tài chính và kinh doanh cho nhóm dễ bị tổn thương để cải thiện khả năng biến đổi khí hậu. Đồng thời, thông qua phát triển các dịch vụ ngân hàng và thúc đẩy sử dụng các sản phẩm của ngân hàng và tài chính để các chuỗi giá trị nông nghiệp có khả năng vay ngân hàng và chống chịu hơn. Hợp tác với Agribank, dự án sẽ tăng cường hiểu biết về tài chính và kỹ năng kinh doanh ở cấp cơ sở đồng thời hỗ trợ các tổ chức xác định và quản lý rủi ro khí hậu.
Tại lễ khởi động, ông Thommas Lamar, đại diện lâm thời, Đại sứ quán Luxembourg tại Lào kiêm nhiệm Việt Nam đánh giá cao việc triển khai hợp tác, đặc biệt là sự hỗ trợ của Luxembourg tập trung vào các lĩnh vực nông thôn, giáo dục, y tế, du lịch và ngân hàng, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
“Chính phủ Luxembourg luôn chia sẻ và đồng hành trong những cam kết trong lĩnh vực tài chính công và tư bền vững với Chính phủ Việt Nam và cam kết tiếp tục bồi đắp mối quan hệ hợp tác lâu năm và bền chặt với Việt Nam, đặc biệt trong các hoạt động tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”, ông nhấn mạnh.
Đại diện Thừa Thiên - Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ dự án, LuxDev để triển khai thành công 2 dự án VIE/039 và VIE/301, góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác ngày càng vững bền giữa Chính phủ Luxembourg và Việt Nam nói chung, LuxDev và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng.
Ông Hoàng Hải Minh cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Chủ dự án phối hợp chặt chẽ với LuxDev xây dựng các dự án, chuỗi giá trị sản phẩm mới theo hướng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh chuỗi giá trị hàng hóa với ưu tiên cao nhất là hướng đến chủ thể thật sự của dự án là hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận thị trường, các công cụ tài chính, phát triển các chuỗi giá trị có tiềm năng trên địa bàn tỉnh hiện còn đang phát triển nhỏ lẻ trong nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, phát huy các giá trị di sản, văn hóa và hình thành ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo…