Tình hình kinh doanh của Clever Group đi xuống năm 2023 và mới chớm phục hồi từ quý II. Công ty có khoản đầu tư trái phiếu 50 tỷ đồng vào một đơn vị liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.
Tài sản của Clever Group tập trung ở khoản đầu tư tài chính và bất động sản. Nguồn:
Trong thời gian qua, dù có những thăng trầm nhưng thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn đang xu hướng phục hồi, VN-Index tăng khoảng 13% so với đầu năm. Song, cổ phiếu Công ty cổ phần Clever Group (mã: ADG) lại ngược dòng khi liên tục lao dốc. Tính đến phiên ngày 15/10, mã chứng khoán này đã giảm về 11.550 đồng/cp, bốc hơi hơn 70% giá trị so với tháng 6/2023.
Clever Group hiện diện trên thị trường chứng khoán khi đưa 7,4 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM vào tháng 12/2019 tại mức giá tham chiếu 55.000 đồng/cp.
Trong vòng hơn 1 năm tại UPCoM, Clever Group nhanh chóng tăng vốn từ 74 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng thông qua các đợt phát hành riêng lẻ và chia thưởng cổ phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp đã chào bán 888.000 cổ phiếu cho quỹ ngoại Yello Digital Marketing Global Pte.Ltd với mức giá 78.545 đồng/cp vào đầu năm 2020. Sau giao dịch, quỹ ngoại này sở hữu 40,6% vốn Clever Group, tức gần 3,37 triệu cổ phiếu. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện đợt chia thưởng khủng tỷ lệ 115% nâng vốn lên 180 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020 đầu năm 2021, công ty triển khai kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết HoSE. Trong khoảng thời gian giao dịch tại UPCoM, mã chứng khoán ADG đã tăng giá rất mạnh từ vùng 46.000 đồng/cp lên 69.000 đồng/cp (xét theo giá điều chỉnh) và rời UPCoM để qua HoSE ở mức giá tham chiếu 64.900 đồng/cp.
Có thể thấy rằng, sau khi chuyển sàn giao dịch HoSE, cổ phiếu ADG luôn trong xu hướng giảm giá, mất 78% giá trị sau hơn 3 năm (xét theo giá điều chỉnh).
Clever Group tiền thân là Công ty cổ phần Quảng cáo thông minh (CleverAds), thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu 400 triệu đồng. Hiện, công ty đã tăng vốn lên 214 tỷ đồng, quỹ ngoại FSN Asia Private Ltd (tên cũ là Yello Digital Marketing Global Pte ltd) là cổ đông lớn nhất góp 38,7% vốn, ông Nguyễn Khánh Trình – Chủ tịch HĐQT góp gần 28% vốn.
Kinh doanh chớm phục hồi
Doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo số, là đối tác cao cấp chính thức của Google và đối tác ưu tiên của Facebook tại Việt Nam. Công ty cũng đã mở rộng phạm vi hoạt động qua các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, Philippines…
Trong định hướng chiến lược, Clever Group cho biết không ngừng tìm kiếm và phát triển quan hệ đối tác với các công ty hàng đầu ngành internet có mạng lưới toàn cầu như Google, Facebook, Amazon, Tiktok và Alibaba. Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản phẩm riêng biệt, tự chủ hơn trong kiểm soát quyền lực thị trường thúc đẩy sự tích lũy tri thức trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo số.
Hoạt động kinh doanh của công ty đi xuống trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn sau dịch bệnh, một số khách hàng lớn của công ty phải ngừng hẳn việc thực hiện hợp đồng để cắt giảm ngân sách cho hoạt động marketing, nhóm khách hàng từ bất động sản, FMCG, bảo hiểm…giảm dần chi tiêu quảng cáo để thắt chặt và tiết kiệm chi phí.
Năm 2023, công ty báo cáo doanh thu giảm 23% xuống 412 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm từ 26 tỷ đồng xuống 15,6 tỷ đồng. Tổng chi phí bán hàng và quản lý tăng 29% lên 58 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa xuống 20 tỷ đồng.
Tình hình có cải thiện nhẹ trong nửa đầu năm nay khi doanh thu tăng 11,6% lên 202 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 45% lên 8,7 tỷ đồng. Clever Group cho biết doanh thu quý I không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước nhưng ghi nhận tăng trưởng tốt trong quý II. Đồng thời, giá vốn phát sinh được tối ưu hóa, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Bị chôn vốn do đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát
Tính đến cuối quý II, doanh nghiệp có tổng tài sản 451 tỷ đồng, tương đương đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoảng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 252 tỷ đồng, trong đó có 138,6 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và 114 tỷ đồng trái phiếu.
Công ty đầu tư 52,2 tỷ đồng vào trái phiếu của Công ty TNHH Sài Gòn Glory, 6,28 tỷ vào trái phiếu Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land, 50 tỷ vào trái phiếu Công ty đầu tư Tân Thành Long An.
Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam lưu ý đến lô trái phiếu của Công ty cổ phần đầu tư Tân Thành Long An với số dư 50 tỷ đồng mà công ty đang sở hữu. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, ngày phát hành 20/5/2021 và đáo hạn 20/5/2026, lãi suất không thấp hơn 10%/năm. Tuy nhiên, Đầu tư Tân Thành Long An đã chậm thanh toán lãi của lô trái phiếu này. Đồng thời, công ty này cũng đang bị phong tỏa tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu nêu trên để phục vụ điều tra do có liên quan đến vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đơn vị kiểm toán cho biết vụ án mới xét xử xong giai đoạn 1 và đang trong quá trình điều tra để xét xử theo giai đoạn 2 liên quan đến các trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, phần lớn tài sản còn lại được công ty phân bổ trong bất động sản đầu tư trị giá 65 tỷ đồng. Các bất động sản mà Clever Group đang nắm giữ chờ tăng giá gồm sàn văn phòng tầng 11 tại C1 tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội; biệt thự B8 – 12 dự án khu biệt thự nhà vườn và thể thao giải trí tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội; biệt thự số C 727 dự án công viên Đại dương Hạ Long tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, căn hộ A307 và B411 chung cư Moonlight I, khu đô thị mới AN Lạc Green Symphony tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội và căn chung cư số 24.03, khối C, khu nhà ở cao tầng phương Phú Hữu, quận 9, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Về phần nguồn vốn, doanh nghiệp không có nợ vay dài hạn và có khoản nợ vay ngắn hạn 40,8 tỷ đồng. Chủ yếu là khoản vay Vietcombank chịu lãi 4,6% - 5,3%/năm, mục tiêu để tài trợ nhu cầu tín dụng ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.