Ông Phạm Duy Hiếu đảm nhận vị trí quản lý cao nhất tại ABBank trong bối cảnh nhân sự cấp cao của ngân hàng liên tục thay đổi trong thời gian qua.
Trở lại...
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa chính thức bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu làm tân tổng giám đốc. Theo đó, ông Hiếu sẽ đảm nhiệm cương vị này trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/1/2025.
Theo thông tin từ ABBank, ông Hiếu sinh năm 1978, tốt nghiệp thạc sỹ tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng - Đại học Kinh tế quốc dân, có bề dày hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Tân Tổng giám đốc Phạm Duy Hiếu đối diện với nhiều thách thức tại ABBank trong thời gian tới. Ảnh: ABBank
Đây là lần thứ hai ông Hiếu chính thức đảm nhận vị trí tổng giám đốc của ABBank. Trước đây, ông Hiếu từng đảm nhận vị trí này từ tháng 8/2012 - 5/2015 và là vị tổng giám đốc ngân hàng trẻ nhất tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Tháng 10/2018 – 4/2020, ông Hiếu trở lại ABBank và đảm nhận vị trí quyền tổng giám đốc. Sau đó, ông Hiếu rời chức vụ này và đảm nhiệm vị trí thành viên Ủy ban Nhân sự.
Tháng 8/2023, ông Hiếu một lần nữa trở lại vị trí quyền tổng giám đốc ABBank trước khi chính thức được tái bổ nhiệm làm tổng giám đốc ngân hàng.
Ngoài ra, ông Phạm Duy Hiếu từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các tổ chức như Vietcombank Leasing, VietABank, VNDirect, Sabeco Fund Management, IPA Investment, Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF).
Sau quyết định bổ nhiệm này, ban điều hành của ABBank bao gồm Tổng giám đốc Phạm Duy Hiếu, ba vị trí phó tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Hương, ông Lại Tất Hà và ông Khương Đức Tiệp cùng 7 thành viên khác.
... cùng sự thận trọng
Ông Hiếu đảm nhận vị trí quản lý cấp cao nhất tại ABBank trong bối cảnh xảy ra hàng loạt biến động về nhân sự cấp cao, cổ đông lớn cũng như kết quả kinh doanh tại ngân hàng trong thời gian qua.
Đầu năm nay, ABBank đã miễn nhiệm cùng lúc 2 thành viên Ban điều hành là ông Nguyễn Hồng Quang và ông Nguyễn Khánh Phúc. Đầu tháng 2, ABBank miễn nhiệm tiếp Phó tổng giám đốc Đỗ Lam Điền.
Tới tháng 3, ABBank tiếp tục ra quyết định về việc miễn nhiệm chức danh phó tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 20/3/2024 sau gần 10 năm đảm nhiệm vị trí này. Xen kẽ trong thời gian này, ông Quân từng được giao đảm nhận vị trí quyền tổng giám đốc ABBank từ tháng 1/2018 - tháng 5/2018 và từ tháng 3/2022 - tháng 1/2023.
Đáng chú ý, ABBank được biết đến là một trong những ngân hàng có số lần thay đổi vị trí tổng giám đốc nhiều nhất hệ thống trong nhiều năm vừa qua.
Tính từ năm 2018 tới nay, một loạt các nhân sự cấp cao như ông Cù Anh Tuấn, ông Nguyễn Mạnh Quân, bà Dương Thị Mai Hoa, ông Lê Hải, bà Lê Thị Bích Phượng... lần lượt tiếp quản chiếc "ghế nóng" tại ngân hàng này trước khi ông Hiếu trở lại giữ quyền tổng giám đốc vào giữa năm 2023.
Về cơ cấu cổ đông, cuối quý II năm vừa qua, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã bán toàn bộ hơn 84 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 8,2% tỷ lệ sở hữu tại ABBank theo lộ trình thoái vốn đã thống nhất từ trước.
Phía ABBank cho biết, trong suốt thời gian là cổ đông chiến lược của ABBank, IFC đều dành nhiều sự hỗ trợ cho ngân hàng trong việc định hướng thành ngân hàng bán lẻ, phát triển bền vững và quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong gần 14 năm hợp tác, IFC đã hỗ trợ ABBank về nguồn vốn, các sản phẩm cho vay trung, dài hạn và tài trợ thương mại cũng như tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho ABBank, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển bền vững và thúc đẩy tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa - SME.
Đặc biệt, IFC đã hỗ trợ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong suốt quá trình ABBank triển khai các dự án nhằm đảm bảo tuân thủ về quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III.
Quãng thời gian nắm giữ vị trí đứng đầu ban điều hành của ông Hiếu cũng là khoảng thời gian được ghi nhận là vùng "trũng nhất" về kết quả kinh doanh của ABBank trong nhiều năm. Mặc dù vậy, ông Hiếu và ban lãnh đạo ABBank cũng đã đề ra chiến lược tái cấu trúc hệ thống cùng tầm nhìn trung - dài hạn.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2024, ông Hiếu cho biết, ABBank đã xây dựng lộ trình đi đến mục tiêu 3 tỷ USD vốn hóa, ROA hơn 2% và tổng tài sản 15 tỷ USD vào năm 2028 theo “Chiến lược ngân hàng giai đoạn 2024-2028” cùng sự đồng hành của hãng tư vấn hàng đầu thế giới là McKinsey.
Để đạt được mục tiêu này, cùng với các đối tác lớn như MayBank, IFC và hãng tư vấn McKinsey, ABBank sẽ thực hiện đồng loạt những thay đổi để có thể tạo những “cú hích” như các thương vụ M&A, chuyển sàn niêm yết sang HNX, rồi HOSE để tăng khả năng huy động vốn, tăng cường quản trị minh bạch, tiếp cận làm việc với những cổ đông chiến lược mới cùng những câu chuyện phát triển mới…
Theo ông Hiếu, ABBank không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng, tăng lợi nhuận bằng mọi giá. Lợi nhuận và tính lành mạnh của danh mục cần phải song hành với nhau. ABBank đã xây dựng lộ trình đi đến mục tiêu trên một cách lành mạnh nhất.
Trong đó, bên cạnh việc trực tiếp cải thiện các chỉ tiêu tài chính như giảm tỷ lệ nợ xấu, duy trì tăng trưởng tài sản, tín dụng… thì chuyển đổi số và tăng cường tỷ lệ thu phí dịch vụ được coi như hai mũi nhọn chính của ABBank trong chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Đồng thời, về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, ABBank sẽ từng bước phát triển và cải thiện hành trình trải nghiệm nội bộ của nhân sự, xây dựng chính sách đãi ngộ khuyến khích sáng tạo, đột phá, khích lệ cống hiến để đảm bảo thu hút và giữ chân cán bộ chất lượng cao.
Dũng Phạm