Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
3 kịch bản đàm phán Việt - Mỹ về thuế suất?
Chuyên mục:

Kinh tế

Nhà đầu tư | 4/4 16:50
Google news

Trong kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam có thể đàm phán thành công để giảm mức thuế xuống còn khoảng 20-30% hoặc đạt được ngoại lệ cho một số mặt hàng chiến lược.

Thách thức trên bàn đàm phán

Ngày 3/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố thuế quan đối với tất cả các quốc gia. Ông Trump đã đẩy thuế quan trung bình lên hơn 20% và tác động rộng lớn đến hầu hết các nền kinh tế. Trong đó, Hoa Kỳ xác định thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Thuế suất này được cho là dựa trên công thức tính thâm hụt thương mại song phương, trong đó Việt Nam có thặng dư lớn với Mỹ (khoảng 123,5 tỷ USD trong năm 2024 theo số liệu từ USTR).

Với mức thuế 46% nếu được áp dụng thì các chuyên gia kinh tế lo ngại hàng loạt ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ "ngấm đòn" như điện tử, dệt may, giày dép, đồ gỗ... Nếu xét tổng thể, việc xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới của Mỹ sẽ khiến GDP có thể ước tính giảm từ 0,99% đến 5,5%.


Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trên bàn đàm phán với Mỹ, nhưng cũng có những 'lá bài' chiến lược của mình. Ảnh: VIMC

Tuy nhiên mọi việc không hẳn đã an bài khi trong một tuyên bố mới nhất, khi được hỏi liệu có chấp nhận đàm phán để giảm mức thuế hay không, ông Trump trả lời: "Còn tùy. Thuế chỉ giảm nếu họ trao cho chúng tôi thứ gì đó tốt đẹp".

Về phần mình, Việt Nam cũng đã có những phản ứng bản đầu, sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố mức thuế mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngay lập tức đã thành lập tổ phản ứng nhanh. Đồng thời, ngày 6/4 sắp tới, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ lên đường sang Mỹ, với kỳ vọng trong khuôn khổ chuyến thăm hai bên sẽ thỏa thuận được mức thuế mới.

Theo nhìn nhận, việc đàm phán với Mỹ để Việt Nam có được mức thuế thuận lợi sẽ gặp nhiều thách thức từ chính quyền Trump. Bởi như đã nói ở trên, hiện chưa rõ "thứ tốt đẹp" mà ông Trump đề cập trong các cuộc thương lượng là gì, nhưng ông chủ Nhà Trắng khẳng định đòn thuế mang lại cho Mỹ sức mạnh to lớn trên đàm phán.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có cơ sở để kỳ vọng sẽ đạt được những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên khi quan hệ song phương Việt - Mỹ hiện đang ở mức tốt đẹp, với nền tảng hợp tác kinh tế và chính trị được củng cố trong những năm gần đây.

Trước đó, Việt Nam cũng đã có những động thái chủ động cân bằng thương mại, như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ xuống 0% (ví dụ đồ gỗ từ ngày 31 tháng 3 năm 2025) và xem xét phê duyệt các dự án đầu tư của Mỹ (như Starlink của SpaceX).

3 kịch bản đàm phán

Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sang Mỹ với nhiều kỳ vọng về mức thuế mới. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 6/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sẽ sang Mỹ tham dự Chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), và thăm chính thức Cộng hòa Cuba.

Chuyến đi của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam – Mỹ đạt được một thỏa thuận cân bằng hơn, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay.

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước kỳ vọng vào chuyến đi của Phó thủ tướng, đồng thời, một số chuyên gia kinh tế cũng đã "vạch" ra những kịch bản có thể xảy ra trong quá trình đàm phán giữa hai bên.

Kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam sẽ tận dụng tối đa những sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp "đóng đô" lâu năm tại Việt Nam (như Intel, Nike, Adidas...) để có thể tạo áp lực ngược lên chính quyền Trump. Với kịch bản này, Việt Nam có thể đàm phán thành công để giảm mức thuế xuống còn khoảng 20-30% hoặc đạt được ngoại lệ cho một số mặt hàng chiến lược (như dệt may, giày dép). Đổi lại, Việt Nam cam kết tăng nhập khẩu từ Mỹ (nông sản, khí đốt, công nghệ) và đưa ra lộ trình rõ ràng để giảm thặng dư thương mại.

Kịch bản thứ hai, Mỹ giữ nguyên mức thuế 46% nhưng đồng ý trì hoãn thời gian áp dụng (ví dụ sau ngày 9 tháng 4) để hai bên tiếp tục đàm phán. Đây là kết quả khả thi nếu Việt Nam đưa ra được các đề xuất ban đầu đủ hấp dẫn nhưng cần thời gian triển khai.

Trong khi đó, kịch bản tiêu cực nhất đó là đàm phán không đạt kết quả, mức thuế 46% được áp dụng từ ngày 9 tháng 4. Điều này có thể xảy ra nếu Mỹ kiên quyết với lập trường bảo hộ và Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của Trump trong thời gian ngắn.

Theo đánh giá, khả năng đàm phán thành công để hạ mức thuế 46% xuống một mức thấp hơn là có thể xảy ra (xác suất khoảng 60-70%), nhưng không dễ dàng. Điều này phụ thuộc vào chiến lược ngoại giao, Việt Nam cần tận dụng tối đa quan hệ song phương và sự ủng hộ từ các đối tác Mỹ để thuyết phục chính quyền Trump.

Bên cạnh đó, sự nhượng bộ kinh tế chắc chắn không tránh khỏi. Cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ và giảm thặng dư thương mại là chìa khóa, nhưng mức nào mới đủ hấp dẫn để Trump coi là "thắng lợi" trong đàm phán vẫn là dấu hỏi lớn.

Với thời hạn ngắn, Việt Nam cần hành động quyết liệt và phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành. Tuy nhiên, ngay cả khi đàm phán thành công trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị cho kịch bản dài hạn, đó là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào Mỹ để tránh rủi ro từ các chính sách bảo hộ trong tương lai.

Đình Duy-Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
https://stockbiz.vn/tin-tuc/3-kich-ban-dam-phan-viet---my-ve-thue-suat/31654561
Cùng chuyên mục