Quy định về kích thước tối thiểu khi đánh bắt hải sản, trong đó có cá ngừ vằn khiến những ngư dân có thâm niên hàng chục năm bám biển cũng hoang mang.
"Vua tàu cá" bất an
Tại hội thảo "Phát triển bền vững ngành hải sản khai thác" do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 23.8, lần đầu tiên có sự góp mặt của một ngư dân đặc biệt, được gọi là "vua tàu cá". Lão ngư Bùi Thanh Ninh, năm nay 67 tuổi, thường được gọi là ông Sáu Ninh ở Hoài Nhơn (Bình Định) dù không còn trực tiếp đánh bắt trên biển nhưng vẫn chỉ huy đội tàu 12 chiếc của gia đình thông qua các trang bị hiện đại. Để thuận lợi việc chỉ huy đội tàu trên biển, ông Ninh sử dụng thiết bị định vị các tàu, kết nối với điện thoại thông minh, qua đó nắm bắt vị trí đánh bắt đội tàu hoạt động trên biển.
"Vua tàu cá" Bùi Thanh Ninh (Bình Định) bày tỏ trăn trở đối với các quy định mới gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản
Cầm tờ giấy đã được soạn sẵn một cách cẩn thận, ông Sáu Ninh bộc bạch: "Nghề đi biển ở thời điểm hiện nay rất khó khăn, nhất là từ khi quy định về kích cỡ tối thiếu cá ngừ đánh bắt phải từ 500mm, tức là trên nửa mét. Ở vùng biển Việt Nam, cá ngừ vằn có kích thước khá nhỏ, nếu áp dụng đúng quy định kích cỡ được phép khai thác thì mỗi chuyến tàu chỉ đánh bắt được tỷ lệ khoảng 5%. Hơn 2 tháng nay cá ngừ được đánh bắt về cảng không được thu mua, trong khi từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là mùa khai thác cá ngừ vằn. Các tàu cá ra khơi đánh bắt không đủ chi phí, nguy cơ không thể tiếp tục hoạt động được nếu cơ quan quản lý vẫn tiếp tục áp dụng quy định này".
Theo VASEP, từ việc hạn chế nguyên liệu cá ngừ khai thác, tình hình xuất khẩu cá ngừ cũng đã giảm đi thấy rõ. Tại khối thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ giảm 14% trong tháng 7, đạt 16 triệu USD. Xuất khẩu sang Ý mặc dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng tốc độ đã giảm mạnh từ mức 3 con số xuống còn 18% trong tháng 7. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang Hà Lan và Đức đồng loạt giảm lần lượt là 46% và 19%. Cùng với EU, thị trường Israel là nơi tiêu thụ cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam, sau nhiều tháng tăng trưởng tốt đã giảm 31% trong tháng 7 vừa qua.
VASEP phân tích, Nghị định 37 đã được Chính phủ ban hành trong tháng 4 vừa qua để hướng dẫn thực thi luật Thủy sản, quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên. Nhiều cảng cá, các địa phương đã không cấp giấy chứng nhận nguồn gốc đối với cá ngừ không đạt chuẩn, từ đó doanh nghiệp cũng không thể thu mua nguyên liệu cho ngư dân dù nhu cầu tiêu thụ vẫn rất lớn. Cá ngừ vằn chiều dài 500 mm, tương đương size 5-7 kg, trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài cá này để sản xuất đồ hộp hiện nay thường trung bình 1,8-3,4 kg. Thực tế, nhiều tàu khai thác cá ngừ vằn có size cỡ dưới 1 kg và khách hàng chuộng các sản phẩm đóng hộp từ nguyên liệu cá size nhỏ.
Định hướng giảm thủy sản đánh bắt
Nghề khai thác hải sản được quy hoạch giảm dần sản lượng trong tương lai
Theo Bộ NN-PTNT, ngành khai thác thủy sản chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế biển của nước ta. Số lao động trực tiếp tham gia khai thác thủy sản là khoảng 550.000 người với hơn 94.000 tàu cá. Số lao động gián tiếp tham gia nghề cá biển (lao động dịch vụ, hậu cần…) là khoảng 1,5 triệu người, tổng số lao động tham gia khai thác hải sản và dịch vụ lên tới hơn 2 triệu người. Đánh bắt trên biển chiếm gần 43% tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Định hướng của ngành thủy sản trong thời gian tới là chuyển dịch theo hướng giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi trồng mà vẫn đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng giá trị kim ngạch hàng năm ở mức 4-5%. Chính vì vậy, một trong những giải pháp đặt ra là phải cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng chuyển đổi một số tàu làm nghề khai thác hải sản xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái, sử dụng nhiều nguồn lực, nhiên liệu sang các nghề ít xâm hại hơn, hoặc chuyển một số tàu cá sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác với khả năng phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi.
Mặc dù đã đặt ra mục tiêu và lộ trình cụ thể nhưng thực tế từ đầu năm đến nay sản lượng khai thác biển vẫn tăng. Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản thông tin: "Mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản mà chúng ta đặt ra trong năm 2024 là gần 3,4 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2023. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng 1%. Bước sang tháng 7 sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 336.200 tấn, vẫn tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước".
Theo Cục Thủy sản, mục tiêu đặt ra là sản lượng khai thác thủy sản năm 2025 đạt 3,2 triệu tấn, đến năm 2030 chỉ còn 2,8 triệu tấn. Tuy nhiên, qua theo dõi quá trình sản xuất, tình hình ngư trường và năng lực khai thác thì từ đây đến cuối năm sản lượng khai thác tiếp tục tăng. Do đó, mục tiêu giảm sản lượng khai thác 8% so với năm 2023 khó đạt được.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh: "Trong thời gian tới ngành thủy sản vẫn sẽ tập trung giảm sản lượng như mục tiêu đã đề ra: Giảm đội tàu, chuyển đổi nghề; giải quyết các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU như quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản; tăng cường xử lý vi phạm hành chính trong khai thác thủy sản…".