Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Viễn cảnh các Big Tech 'thăng hoa' dưới thời ông Trump và mối lo là gì?
Chuyên mục:

Thế giới

Nhà báo & Công luận | 10:55
Google news

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được đánh giá sẽ ủng hộ mạnh mẽ giới công nghệ trong nhiệm kỳ của mình. Điều này có thể sẽ giúp các công ty công nghệ lớn (Big Tech) phát triển rực rỡ, song ngược lại có thể tác động tiêu cực tới giới truyền thông và người dùng internet.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã có mối quan hệ đối đầu với các Big Tech. Ông thậm chí đã khởi xướng các cuộc thảo luận về việc cấm TikTok và đệ trình một vụ kiện có thể dẫn đến việc chia tách Google. 

Tuy nhiên, kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ đầu, ông Trump dường như đã thay đổi quan điểm về công nghệ. Ông đã ám chỉ rằng mình không còn muốn cấm TikTok hay chia tách Google nữa. Hiện tại, ông cũng sở hữu nền tảng mạng xã hội riêng, Truth Social. Ngoài ra, ông đang nhận được sự hợp tác đắc lực của Elon Musk, tỷ phú đang sở hữu mạng xã hội X.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images

Dưới đây là những viễn cảnh và tác động có thể xảy ra đối với thế giới công nghệ và truyền thông dưới chính quyền của ông Trump tới đây:

Lệnh cấm TikTok sẽ bị hủy bỏ?

Ở nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng cố gắng cấm TikTok tại Mỹ thông qua một lệnh hành pháp vì lo ngại về an ninh quốc gia. Tuy nhiên vào tháng 6 năm nay, ông đã đăng tải một video trên nền tảng này và nói rằng ông "sẽ không bao giờ cấm TikTok.”

Như đã biết, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật vào năm nay, yêu cầu TikTok phải tách khỏi công ty mẹ tại Trung Quốc. Đạo luật này sẽ có hiệu lực nếu TikTok không thực hiện yêu cầu, và nền tảng này đã kiện để ngừng thi hành luật này. Vụ kiện hiện đang chờ phán quyết của một hội đồng thẩm phán liên bang.

Tới đây, ông Trump có thể yêu cầu Quốc hội Mỹ bãi bỏ luật, mặc dù các chuyên gia pháp lý cho rằng sẽ khó thành công. Trong trường hợp này, ông có thể chọn một trong hai lựa chọn: chỉ đạo Tổng chưởng lý không thực thi luật hoặc tuyên bố rằng TikTok không còn phải tuân theo luật nữa, theo phân tích của phó giáo sư luật Alan Rozenshtein tại Đại học Minnesota.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không còn bị quản lý?

Ông Trump có thể sẽ đối mặt với một thách thức lớn khi tiếp quản Nhà Trắng trong bối cảnh ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi quy định chặt chẽ hơn về trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên khi tranh cử, ông Trump dường như sẵn sàng hủy bỏ các hướng dẫn và quy định hiện có đối với AI, trong đó có sắc lệnh hành pháp của cựu Tổng thống Joe Biden. Sắc lệnh này được đưa ra nhằm quản lý các rủi ro liên quan đến AI, như phân biệt đối xử và đe dọa an ninh quốc gia.

Văn bản của Đảng Cộng hòa cho biết sắc lệnh này chứa đựng “những ý tưởng cánh tả cực đoan”, gây cản trở cho sự đổi mới công nghệ. "Tôi nghĩ rằng Trump sẽ giảm bớt các quy định”, John Villasenor, Trưởng khoa của Viện Công nghệ, Luật và Chính sách UCLA  và nói thêm rằng ông Trump có thể sẽ thúc đẩy các luật liên bang để ngăn chặn các quy định AI của tiểu bang.

Mạng xã hội sẽ "tự do phát triển"?

Mục 230 của Đạo luật Tín nhiệm Truyền thông năm 1996 là một điều khoản quan trọng trong luật pháp Mỹ, bảo vệ các công ty truyền thông trực tuyến khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng tạo ra trên nền tảng của họ. Trong những năm gần đây, Mục 230 bị chỉ trích cho rằng nó bảo vệ các công ty công nghệ khỏi trách nhiệm đối với nội dung gây hại trên nền tảng của họ.

Các mạng xã hội sẽ không còn phải lo kiểm duyệt nội dung dưới thời ông Trump? Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Brendan Carr, người mà ông Trump đã chọn làm người đứng đầu Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), gần đây tuyên bố rằng chính quyền mới sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Điều này ám chỉ rằng có thể hạn chế khả năng các nền tảng này kiểm duyệt hoặc xử lý các bài đăng của người dùng theo ý muốn.

Điều này có thể dẫn đến việc các mạng xã hội chẳng những không còn phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt các nội dung do người dùng đăng tải, mà thậm chí không được phép loại bỏ nội dung của người dùng, dù nó có thể độc hại hoặc sai sự thật trên nền tảng của mình.

Các Big Tech không còn phải sợ "chống độc quyền"?

Trong chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, Lina Khan, người đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), đã rất quyết liệt trong chiến lược chống độc quyền, đặc biệt là đối với các Big Tech.

Tuy nhiên, khi ông Trump đưa ra chương trình nghị sự thân thiện hơn với doanh nghiệp, nhiều người dự đoán bà Khan có thể sẽ bị thay thế. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, đồng minh đắc lực Elon Musk của ông Trump đã đăng trên X rằng Khan "sẽ sớm bị sa thải".

Cách tiếp cận này cũng đặt ra câu hỏi liệu ông Trump có yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ từ bỏ kế hoạch chia tách Google trong các vụ án chống độc quyền gần đây hay không, cũng như các vụ án độc quyền liên quan tới một gã khổng lồ công nghệ khác là Apple?

Hà Trang (theo CNN)

Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục