Nhà đầu tư rút khỏi các tài sản có độ rủi ro cao hơn và mua mạnh đồng yên - một tài sản được coi là “hầm trú ẩn” mỗi khi thị trường tài chính biến động...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Đồng USD giảm giá do các nhà giao dịch tăng đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất với mức giảm lớn trong lần họp tới. Trong khi đó, đồng yên - với sự hỗ trợ từ quan điểm cứng rắn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư - tiếp tục xu hướng tăng giá.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm điểm trong hai phiên giao dịch vừa qua, trong đó chứng khoán Mỹ bán tháo trong phiên ngày thứ Ba, sau khi số liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự báo làm dấy lên mối lo về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhà đầu tư cũng đang lo ngại rằng báo cáo việc làm tháng 8 mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu tuần này có thể mang tới những con số không đạt kỳ vọng.
Theo hãng tin Reuters, những mối lo trên khiến nhà đầu tư rút khỏi các tài sản có độ rủi ro cao hơn và mua mạnh đồng yên - một tài sản được coi là “hầm trú ẩn” mỗi khi thị trường tài chính biến động.
Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy số đầu việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 năm rưỡi trong tháng 7. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ đang hụt hơi.
Đồng yên đã tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư và tiếp tục đi lên trong phiên sáng nay (5/9). Có thời điểm, tỷ giá yên so với USD tăng 0,26%, đạt 143,56 yên đổi 1 USD. Từ đầu tuần đến nay, đồng tiền của Nhật Bản đã tăng giá gần 2% so với đồng bạc xanh.
Franc Thụy Sỹ, một đồng tiền “vịnh tránh bão” khác, đã tăng 0,46% từ đầu tuần, hiện giao dịch ở ngưỡng khoảng 0,846 franc đổi 1 USD.
“Thị trường đang cảm thấy lo ngại. Đã có những lúc thị trường chỉ tập trung vào tin tốt. Hiện tại đang có một sự thay đổi rõ rệt. Thị trường bây giờ tập trung nhiều hơn vào tin xấu”, Giám đốc đầu tư Hemant Mishr của công ty S Cube Capita nói với Reuters.
Phiên ngày thứ Tư, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm còn 101,36 điểm, từ mức cao nhất 2 tuần là 101,83 điểm vào phiên trước. Sáng nay, chỉ số tiếp tục đi xuống, về dưới mức 101,3 điểm.
Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy số đầu việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 năm rưỡi trong tháng 7. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ đang hụt hơi. Trước đó, báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố hôm thứ Ba cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm.
“Dữ liệu số công việc cần tuyển dụng của tháng 7 cho thấy thị trường việc làm tiếp tục suy yếu. Đối với Fed, dữ liệu này là sự khẳng định rằng thị trường việc làm không còn là một nguồn áp lực lạm phát đối với nền kinh tế Mỹ”, một báo cáo của ngân hàng Wells Fargo nhận định.
Gần đây, giới đầu tư dành sự quan tâm lớn hơn đối với các số liệu về thị trường lao động - việc làm của Mỹ, bởi Fed đang dịch chuyển trọng tâm theo hướng bảo vệ công ăn việc làm trong bối cảnh lạm phát đã giảm gần về mục tiêu 2%.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 55% Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 18/9, và khả năng 45% cho mức giảm 0,5 điểm phần trăm. Cách đây 1 tuần, khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 là 38%.
Ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tổng thể của tháng 8. Giới phân tích dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thêm 160.000 công việc mới trong tháng 8, so với mức 114.000 công việc mới của tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo tăng giảm nhẹ về 4,2% từ mức 4,3% của tháng 7.
“Chúng tôi cho rằng số liệu thất nghiệp công bố vào ngày thứ Sáu tuần này sẽ là 4,2-4,3%. Nếu con số là hơn 4,5%, tôi cho rằng mọi người tin Fed sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm” trong cuộc họp tháng 9 - ông Mishr nói.
Đối với tỷ giá đồng yên, sự hỗ trợ ở thời điểm hiện tại không chỉ đến từ tình trạng mất giá của USD hay nhu cầu phòng ngừa rủi ro, mà còn đến từ triển vọng chính sách tiền tệ trái chiều giữa Mỹ và Nhật Bản.
“Số liệu yếu về kinh tế Mỹ và kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất nhanh và mạnh, cộng thêm những tuyên bố cứng rắn từ BOJ, đang thúc đẩy đồng yên”, nhà quản lý danh mục cấp cao Nathan Thooft của công ty Manulife Investment Management nhận định với hãng tin Bloomberg.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda hôm thứ Ba khẳng định BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến đúng như kỳ vọng. Tuyên bố này của ông Ueda đã tạo ra lực hỗ trợ mạnh cho đồng yên.
“Thị trường tài chính toàn cầu tuần này có tâm lý dè chừng với rủi ro. Vì vậy, những đồng tiền an toàn tăng giá mạnh. Đồng yên hưởng lợi nhiều từ xu thế đó, xét tới sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển khác”, chiến lược gia Skylar Montgomery Koning của ngân hàng Barclays nhận xét.