Thử nghiệm sàn giao dịch tiền số không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn các hoạt động liên quan đến tài chính, mà còn mang lại lợi ích phát triển kinh tế và đổi mới công nghệ...
Bước tiến mới về quy định
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thử nghiệm có kiểm soát với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính gồm sàn giao dịch tài sản số, tiền số tại các trung tâm tài chính được xây dựng tại TP HCM và Đà Nẵng. Đây là một phần của kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế nhằm thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao.
Cơ chế thử nghiệm sàn giao dịch tiền số cho phép kiểm soát các mô hình kinh doanh Fintech mới, bao gồm giao dịch tài sản số
Theo đó, cơ chế thử nghiệm cho phép kiểm soát các mô hình kinh doanh Fintech mới, bao gồm sàn giao dịch tài sản số và tiền mã hóa; quản lý, cấp phép và đánh giá tác động liên quan đến các hoạt động này. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ quy định các biện pháp về an ninh mạng, chống rửa tiền và quy định về quản lý, phát hành, giao dịch các loại tài sản số.
Về hệ thống đăng ký thành viên trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đối tượng đăng ký trở thành thành viên trung tâm tài chính là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm... được phép thành lập và hoạt động tại trung tâm tài chính. Chính sách này được thiết kế để không bị hạn chế bởi các quy định hiện hành về đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và hoạt động của các trung tâm.
Để thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm tài chính, những ưu đãi đặc biệt về thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong trung tâm tài chính, hay các ưu đãi đầu tư khác nhằm thu hút nguồn lực quốc tế cũng được đề xuất.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã phân tích về cơ hội và rủi ro của thị trường tài sản số bao gồm tiền điện tử, NFT, token hóa tài sản... tại Việt Nam. Các rủi ro này có thể đến từ những yếu tố như:
Thứ nhất, tại Việt Nam, khung pháp lý cho các tài sản giao dịch vẫn chưa hoàn thiện và rõ ràng, dẫn đến các tài sản số như tiền mã hóa, NFT... chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hoặc tài sản hợp pháp. Các giao dịch này có thể được coi là không có giá trị pháp lý, hoặc khó bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Việc sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán hoàn toàn bị cấm tại Việt Nam. Nếu vi phạm điều này, người tham gia giao dịch có thể bị xử lý hành chính hoặc truy tố hình sự.
Thứ hai,giá trị của các tài sản như Bitcoin, Ethereum và nhiều đồng tiền điện tử khác có thể biến động mạnh trong thời gian ngắn, dẫn đến nguy cơ mất mát tài sản lớn. Trong khi đó, một số tài sản có thể khó chuyển đổi sang tiền pháp định, nhất là khi thị trường đóng băng hoặc thiếu vắng người mua.
Chưa kể, nhiều dự án tiền điện tử tại Việt Nam hoạt động dưới dạng mô hình Ponzi hoặc các dự án không minh bạch, dễ dẫn đến việc người tham gia mất tiền khi dự án sụp đổ.
Thứ ba, rủi ro kỹ thuật cũng rất quan trọng. Ví điện tử hoặc sàn giao dịch có thể bị “hacker” tấn công dẫn đến mất mát tài sản. Các tài sản giao dịch lại phụ thuộc vào công nghệ Blockchain và nền tảng kỹ thuật số nên nếu xảy ra lỗi kỹ thuật hoặc sự cố mạng, người dùng có thể bị mất quyền truy cập vào tài sản của mình.
Cũng không tránh khỏi trường hợp người dùng bị mất mật khẩu ví điện tử hoặc bị khóa tài khoản trên sàn giao dịch, tài sản số có thể không thể khôi phục được.
Thứ tư, cónhiều sàn giao dịch tại Việt Nam không được phép hoạt động, không có cơ sở pháp lý rõ ràng, nếu giao dịch đóng cửa hoặc phá sản, người dùng sẽ mất toàn bộ tài sản. Trong khi đó, nhiều người dùng tham gia giao dịch mà không hiểu rõ về công nghệ Blockchain, ví điện tử hoặc cơ chế bảo mật, dẫn đến dễ dàng bị lừa đảo.
Thứ năm,rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng được cơ quan quản lý thường xuyên đề cập. Các tổ chức tội phạm có thể lợi dụng lỗ hổng pháp lý, cơ chế để thực hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tính ẩn danh của giao dịch.
Việc thiếu quy định kiểm soát khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát các giao dịch tài sản số xuyên biên giới, dẫn đến nguy cơ thất thoát dòng tiền ra nước ngoài.
Lợi ích tiềm tàng
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia tài chính số cho biết, việc thử nghiệm giao dịch tiền số tại Việt Nam có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, công nghệ và pháp lý, giúp Việt Nam nắm bắt kịp xu hướng tài chính toàn cầu và giảm thiểu rủi ro rõ rệt.
Hiện nay, nhiều giao dịch tài sản số ở Việt Nam diễn ra trên các sàn quốc tế, không được kiểm soát
Một là, thúc đẩy đổi mới công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thông qua ứng dụng công nghệ Blockchain. Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp Fintech trong nước, giúp họ có thêm dư địa phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại.
Hai là giảm thiểu giao dịch phi pháp và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước. Hiện nay, nhiều giao dịch tài sản số ở Việt Nam diễn ra trên các sàn quốc tế, không được kiểm soát, dẫn đến nguy cơ rửa tiền, lừa đảo và trốn thuế. Vì vậy, thử nghiệm này giúp Chính phủ không chỉ kiểm soát tốt các giao dịch mà còn đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu hoạt động tài chính phi pháp. Đồng thời đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện khung pháp lý phù hợp để quản lý, bảo vệ nhà tư và ngăn chặn rủi ro hệ thống tài chính.
Ba là tạo cơ hội phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Có thể thấy, thị trường tiền số là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu với nhiều dự án tiềm năng. Sàn giao dịch thử nghiệm tại Việt Nam sẽ đặt nền móng cho việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án Blockchain và Fintech; Phát triển nhiều việc làm mới trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ, tài chính, quản lý dữ liệu; Đa dạng hóa danh mục đầu tư của nhà đầu tư trong nước, giúp họ tiếp cận dễ dàng với các loại tài sản.
Bốn là bảo vệ nhà tư và tăng niềm tin vào thị trường. Một lợi ích điển hình chúng ta đều thấy rõ là khi có quy định pháp lý và chuẩn mực an toàn thì rủi ro cho nhà tư sẽ được giảm thiểu. Nhà đầu tư có thể yên tâm hơn khi giao dịch trên nền tảng được kiểm soát bởi Chính phủ, thay vì sử dụng các sàn giao dịch quốc tế có độ rủi ro cao.
Năm là, chuẩn bị cho sự bùng nổ về kinh tế số trong tương lai. Tiền điền tử và tài sản số được xem là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Việc sớm thử nghiệm giúp Việt Nam tránh tụt hậu so với các nước khác. Từ đó, hình thành hệ sinh thái tài sản số toàn diện hơn, bao gồm ví điện tử, thanh toán bằng tiền số và các dịch vụ tài chính phi tập trung.
Sáu là tạo cơ sở nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính công nghệ toàn cầu. Nếu Việt Nam thành công trong việc xây dựng và thử nghiệm giao dịch tiền số, sẽ là một bước tiến lớn giúp Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện cho các Startup Blockchain Việt Nam phát triển mạnh mẽ và vươn ra quốc tế.
Như vậy, thử nghiệm giao dịch tiền số không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn các hoạt động liên quan đến tài chính thế hệ mới, mà còn mang lại lợi ích phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ và chuẩn bị cho nền kinh tế số trong tương lai. Tuy nhiên, cần có giải pháp rõ ràng hơn cùng biện pháp quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho các đối tượng tham gia và hạn chế rủi ro.