Thưa ông, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Nhìn vào những động lực tăng trưởng trong những tháng đầu năm, ông đánh giá như thế nào về khả năng đạt mục tiêu này?
Kết quả tăng trưởng quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 cho chúng ta cơ sở để kỳ vọng vào mức tăng trưởng mục tiêu cả năm là 6,5-7%. Nếu không có đột biến, tốc độ tăng trưởng đầu tư công, xuất nhập khẩu trong những tháng tới nhiều khả năng vẫn giữ nhịp như các tháng qua và chi tiêu người dân sẽ được hỗ trợ bởi tăng lương, các giải pháp hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng… Do vậy, khả năng GDP cuối năm nay sẽ đạt khoảng 6,5%.
Để đạt cận trên của mục tiêu là 7% thì phải kích được đầu tư tư nhân. Song, dữ liệu kinh tế cho thấy động lực tăng trưởng này đang khá yếu trong tổng cầu nếu so với tốc độ tăng của đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.
Từ năm 2023 tới nay, đầu tư công liên tục được Chính phủ thúc đẩy để tạo ra tác động lan tỏa tới nền kinh tế. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng có được hiện nay là dựa vào những khoản đầu tư trong quá khứ. Dù có hiệu quả nhất định nhưng chúng ta không thể mở rộng mãi đầu tư công bởi có thể ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô. Đầu tư nước ngoài vẫn giữ nhịp, song nền kinh tế không thể chỉ dựa vào khu vực này.
Trong khi đó, đầu tư tư nhân dù đã phục hồi đôi chút nhưng vẫn quá thấp so với giai đoạn trước đại dịch. Nếu năng lực sản xuất hiện nay không được mở rộng thì kim ngạch xuất nhập khẩu cũng có thể tới hạn, cho dù nhu cầu thị trường bên ngoài gia tăng.
Vì vậy, bài toán hiện tại vẫn phải là làm thế nào để khôi phục nhanh dòng vốn này trong nền kinh tế. Nếu không có sự chuẩn bị cho tương lai, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp phát triển. Do vậy, các kế hoạch đầu tư cần được thực hiện liên tục để tạo dư địa cho tăng trưởng giai đoạn sau.
Vậy, làm thế nào để khôi phục nhanh dòng vốn này trong nền kinh tế, thưa ông?
Thời gian qua, thông tin về các lễ khởi công, động thổ của các doanh nghiệp lớn khá ít ỏi. Không khí kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng ít sôi động hơn. Nhiều quyết định của nhà đầu tư bị trì hoãn vì những e ngại rủi ro pháp lý, vướng mắc thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư…
Số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp những tháng đầu năm 2024 cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động đã bắt đầu tăng so với số doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng hoạt động, song vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa có niềm tin về triển vọng của thị trường để bắt đầu khởi nghiệp hay quay trở lại hoạt động.
Kết quả khảo sát về tình hình doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê thực hiện tháng 6/2024 cũng chứng minh thực tế này khi chỉ có 40% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh doanh sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm; trong khi có tới 60% ý kiến cho rằng triển vọng kinh doanh không thay đổi hoặc kém hơn và rất e dè với các kế hoạch sắp tới.
Như vậy, để thúc đẩy đầu tư tư nhân, môi trường kinh doanh cần được cải thiện, tạo thuận lợi hơn cho khu vực doanh nghiệp. Theo đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải đặt mục tiêu rõ ràng như yêu cầu cụ thể về số lượng các dự án đầu tư, số tiền các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đưa vào nền kinh tế…
Điều này có nghĩa những vướng mắc đã được tổng kết trong thời gian qua như khó khăn về thủ tục, lo ngại rủi ro về mặt pháp lý, chi phí cao… cần được giải quyết theo hướng gỡ từng dự án, từng doanh nghiệp để có ngay dòng tiền đưa vào nền kinh tế, chứ không phải theo hướng cộng 3 hoặc 4 thủ tục lại thành 1, hay để doanh nghiệp phải đợi nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong kiến nghị. Có như vậy doanh nghiệp mới tự tin khi quyết định bỏ vốn đầu tư, dù là tập đoàn lớn hay cá nhân kinh doanh. Sự hứng khởi đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp cần được đẩy lên lúc này.
Mới đây, Bộ Tài chính có nêu quan điểm tiến tới thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt để nâng cao sức mạnh tài chính công. Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp qua các chính sách cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông, điều này có tác động thế nào đến thúc đẩy đầu tư tư nhân?
Định hướng này là hợp lý, bởi việc hỗ trợ kéo dài trên diện rộng không nên tiếp tục mãi. Tính hiệu quả của chính sách này chỉ phù hợp trong bối cảnh nhất định. Về mặt quản lý, vai trò của ngân sách nhà nước là đảm bảo các nhiệm vụ chi cơ bản cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng,… còn việc hỗ trợ doanh nghiệp thì chỉ trong một khoảng thời gian, tình huống nhất định.
Thực tế, điều doanh nghiệp mong muốn nhất cũng không phải là sự hỗ trợ bằng tiền từ Nhà nước mà là môi trường đầu tư, là không gian để doanh nghiệp phát triển. Do đó, định hướng hỗ trợ, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp bằng các chính sách tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh là rất đúng.
Bên cạnh đó, cần có những cơ chế để nguồn vốn đầu tư công có thể là đòn bẩy hiệu quả cho khu vực tư nhân, chẳng hạn như chính sách về thu hút đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư). Khi đó, một mặt, ngân sách bớt gánh nặng về đầu tư hạ tầng, dành nguồn đó cho giáo dục, y tế; mặt khác, khu vực tư nhân lại có thêm không gian để phát triển.
Vì thế, tôi cho rằng những chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giãn, hoãn nộp thuế cũng chỉ nên kéo dài hết năm nay. Nền kinh tế hiện đã quay trở lại điều kiện bình thường thì các biện pháp hỗ trợ trong tình huống bất thường cũng nên dừng, để các chính sách thuế quay trở về với đúng bản chất, mục tiêu của nó. Nếu chúng ta cứ tiếp tục tư duy hỗ trợ trên diện rộng và cho tất cả các doanh nghiệp thì không phù hợp với nguyên tắc thị trường. Nếu có, nên chăng tập trung vào những lĩnh vực đang cần khuyến khích như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo…
Tuy nhiên, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Chính sách tài khóa thu hẹp lại trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để đảm bảo sức mạnh ngân sách, cân đối vĩ mô. Những năm qua, chính sách tài khóa đã gánh phần lớn trong hỗ trợ kinh tế, thì bây giờ chính sách tiền tệ phải phát huy vai trò của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường. Lúc này thị trường tiền tệ, lãi suất, thị trường vốn phải vận hành như thế nào để đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp là bài toán cần phải tính đến.