Trong vòng 12 tháng, dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3-4 lần dòng vốn FDI. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cho lọai tài sản này…
Giá trị tài sản mã hóa cao gấp 3-4 lần thu hút FDI
Tại Hội thảo khoa học Quản lý Nhà nước về tài sản mã hóa do 2 đơn vị thuộc Bộ Tài chính là Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Học viện Tài chính phối hợp tổ chức mới đây, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, dự báo đến năm 2030, toàn cầu sẽ có 16 nghìn tỷ USD tài sản truyền thống được mã hóa (chiếm 10% GDP).
Thống kê của CoinMarketCap cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2024, giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu ước đạt 2,21 nghìn tỷ USD với hơn 2,4 triệu loại tiền mã hóa.
Tại Việt Nam, tiền mã hóa đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2011, khi một số cá nhân tiến hành đầu tư vào Bitcoin thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Nhiều loại tiền mã hóa khác như Bitcoin, Ethereum, Litecoin và Ripple đã có mặt và được giao dịch tại Việt Nam.
Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa và đứng thứ 7 với 17,4% dân số sở hữu tài sản mã hóa và thuộc TOP 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất.
Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Học viện Tài chính phối hợp tổ chức (ảnh:VGP)
Theo báo cáo của Hãng Chainalysis (Mỹ), trong vòng 12 tháng (tính đến tháng 7/2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3-4 lần dòng vốn nước ngoài đầu tư FDI vào Việt Nam. Lượng tiền này đã tăng 20% so với con số 100 tỷ USD ở giai đoạn 2021 - 2022.
Hiện Việt Nam đứng thứ 7 thế giới, thứ 2 khu vực Trung-Nam Á và Châu Đại Dương về dòng tài sản mã hóa. Việt Nam cũng đang dẫn đầu với 85% freelancers (những người làm việc tự do) sở hữu tài sản mã hoá và 34% freelancer chấp nhận thanh toán bằng tài sản mã hoá..
Đáng chú ý, lợi nhuận từ tài sản mã hóa cùng rất hấp hẫn. Năm 2023, lợi nhuận toàn cầu từ tài sản mã hoá đã đạt 37,6 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 3 với mức 1,18 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ là khoảng 9,36 tỷ USD và Anh là 1,39 tỷ USD …
Khoảng trống pháp lý
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, mặc dù tỷ lệ người dân sở hữu và giá trị tài sản mã hóa tại Việt Nam đang ở mức rất cao, nhưng vẫn chưa có các quy định pháp lý cụ thể liên quan đến lĩnh vực này.
"Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán, trong khi Bộ Tư pháp không coi tiền mã hóa là một loại tài sản. Tương tự, Bộ Công Thương cũng không xem tiền mã hóa là một loại hàng hóa hay dịch vụ. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chưa đề cập cụ thể đến tài sản ảo và tài sản điện tử...", chuyên gia dẫn chứng.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp - TS. Nguyễn Văn Cương xác nhận, cho đến nay, trong văn bản pháp luật ở nước ta, thuật ngữ "tài sản mã hóa" chưa được chính thức sử dụng. Điều này có nghĩa rằng, "tài sản mã hóa" chưa trở thành thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong hệ thống pháp luật.
Thực tế cho thấy, do lợi nhuận lớn, việc huy động vốn cộng đồng từ tài sản mã hóa cũng đã xảy ra gian lận. Theo Phó Chủ tịch VBA Phan Đức Trung, nhiều đơn vị không rõ thông tin đã tổ chức hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh để thu hút huy động vốn từ cộng đồng. "Nhiều báo cáo từ người dùng gửi về VBA cho thấy, họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví không rõ thông tin…", ông Trung thông tin.
Theo TS. Cấn Văn Lực, khoảng trống pháp lý đối với tài sản mã hóa tại Việt Nam đã tạo ra nhiều hạn chế.
Thứ nhất, việc thiếu các quy định cụ thể khiến Việt Nam không theo kịp sự phát triển công nghệ cũng như các quy định pháp lý tiên tiến trên thế giới;
Thứ hai, người sở hữu các loại tài sản mã hóa không được pháp luật bảo vệ, gây ra rủi ro lớn cho các nhà đầu tư. Nhiều dự án ICO9 tại Việt Nam giả danh dưới hình thức đa cấp, chiếm đoạt tiền từ nhà đầu tư, gây phẫn nộ trong dư luận và làm suy giảm niềm tin vào hình thức đầu tư này. Nguyên nhân chính là do thiếu các quy định kiểm soát và bảo vệ tài sản mã hóa;
Thứ ba, giao dịch tài sản mã hóa chưa được ghi nhận trên các hệ thống tài chính chính thống. Điều này dẫn đến việc không kiểm soát được các giao dịch, gây ra hiện tượng thất thu thuế và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngoại hối. Việc thiếu các quy định cụ thể không chỉ làm suy yếu khả năng quản lý nhà nước mà còn tạo ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, tiền mã hóa đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2011
Nguy cơ mất khoảng 7-8% GDP ?
Không chỉ gây nên những hệ lụy trong nước, theo các chuyên gia, trên thực tế, việc thiếu các quy định pháp lý liên quan đến tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo cũng là 1 trong những nguyên nhân chính khiến Việt Nam bị đưa vào danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF).
Ngày 23/2/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 194/QĐ- TTg, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Kế hoạch bao gồm 17 hành động, nhằm mục tiêu nhanh chóng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của FATF. Trong đó, các vấn đề trực tiếp liên quan đến quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo được chỉ rõ trong hành động 6 và 7.
Theo đó, hành động 6 (tháng 5/2025): Xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ.
Hành động 7 (tháng 1/2025): Tiến hành các hoạt động tiếp cận và cung cấp hướng dẫn cho khu vực tư nhân về kết quả báo cáo Đánh giá rủi ro quốc gia (NRA), đánh giá rủi ro ngành và các nghĩa vụ phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố (bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu và báo cáo giao dịch đáng ngờ), trong đó tập trung vào các ngành có rủi ro cao hơn.
Theo quyết định 194/QĐ-TTg, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan, hoàn thành trước tháng 5/2025.
"Đây là hành động quyết liệt và cần thiết của Chính phủ khi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng việc lọt vào danh sách xám của FATF có thể khiến một quốc gia mất khoảng 7-8% GDP và phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng mang tính quốc gia...", TS Cấn Văn Lực lưu ý.
Khẳng định tài sản mã hóa là xu hướng phát triển tất yếu, các giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam cần có phương án quản lý phù hợp.
"Việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, tài sản số, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là rất cần thiết. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý nhà nước đối với các vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội…", TS. Nguyễn Như Quỳnh bày tỏ quan điểm.