Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
'Sân bay Chu Lai là tiềm năng khác biệt của Quảng Nam'
Chuyên mục:

Kinh tế

Nhà đầu tư | 08:39
Google news

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, quan trọng, là tiềm năng khác biệt, lợi thế của Quảng Nam. Trong đó lưu ý, quy hoạch, phát triển đô thị sân bay, phát triển hệ sinh thái sân bay...

Sân bay Chu Lai đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu đạt công suất khoảng 10 triệu hành khách hàng năm vào năm 2030 và 30 triệu hành khách vào năm 2050.

Đề án xã hội hóa đầu tư và khai thác Cảng hàng không Chu Lai đã được tỉnh gửi đến Bộ GTVT vào cuối năm 2022 theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Theo kế hoạch, tổng nhu cầu huy động vốn đầu tư cho sân bay Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng, bao gồm khu bay (3.500 tỷ đồng), sân đỗ (1.000 tỷ đồng) và khu hàng không dân dụng (6.500 tỷ đồng), chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng.

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, ngày 14/4/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 2221/UBND-KTN về việc đề xuất một số nội dung liên quan đến Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gửi Tổ Công tác 1121 của Chính phủ.

Trong đó, tỉnh đề xuất khu vực đầu tư giai đoạn 1 của Đề án, hình thức đầu tư, trình tự thủ tục đầu tư. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang chờ chủ trương của Trung ương về xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay để tiếp tục hoàn thiện Đề án. 

Theo ông Dũng, ngày 23/8/2024, đại diện Tập đoàn SOVICO-ADANI và CTCP hàng không VIETJET làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất đầu tư Cảng hàng không quốc tế Chu Lai. Sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân về một số nội dung liên quan đến Cảng hàng không Chu Lai.

Tập đoàn SOVICO-ADANI và CTCP hàng không VIETJET đề xuất đầu tư Cảng hàng không quốc tế Chu Lai. Ảnh: T.V.

Trong tháng 12/2024, lãnh đạo tỉnh đã cử đoàn công tác cùng với Tập đoàn SOVICO sang làm việc với Tập đoàn ADANI (Ấn Độ) đề xuất nghiên cứu đầu tư sân bay Chu Lai.

Để sớm triển khai Cảng hàng không Chu Lai, ông Dũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Nam đo đạc, phân định rõ diện tích đất hàng không dân dụng, đất quân sự, đất quân sự dùng chung và xác lập hồ sơ, thủ tục giao phần diện tích đất hàng không dân dụng cho tỉnh Quảng Nam quản lý, để sớm triển khai thực hiện.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính phối hợp, hướng dẫn Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng thực hiện định giá các tài sản thuộc quyền quản lý và thực hiện các thủ tục bàn giao lại cho UBND tỉnh Quảng Nam theo quy định để có cơ sở triển khai thực hiện các nội dung tiếp theo.

Ngoài ra, giao Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan hoàn thiện trình hồ sơ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025. Đặc biệt, chỉ đạo Tổ công tác 1121 sớm thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra dự án sân bay Chu Lai. Ảnh: T.V.

Không chỉ hình thành sân bay

Liên quan đến Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Đề án cơ bản đầy đủ cơ sở pháp lý, đang hoàn thiện các hồ sơ và đã đưa vào các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng.

Theo văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu mà Chính phủ phê duyệt cách đây không lâu, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không phải báo cáo Thủ tướng mà thực hiện phân cấp, phân quyền cho bộ, cho tỉnh. Đáng chú ý, cấp có thẩm quyền nếu xét thấy nhà đầu tư đảm bảo tiêu chí đặt ra thì quyết định cho phép đầu tư. 

Còn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lưu ý, Đề án cần nghiên cứu, thực hiện bài bản, có tầm nhìn chiến lược, khai thác tối đa tiềm năng, vị trí đắc địa sân bay này. 

"Ở đây không chỉ hình thành sân bay, mở đường băng, nhà ga mà phải hình thành trung tâm trung chuyển hóa mang tầm khu vực. Đồng thời hình thành trung tâm sửa chữa, sản xuất phụ tùng linh kiện, công nghệ cao, phát triển logistics. Qua đó hướng đến nền kinh tế sân bay, đô thị sân bay", Bộ trưởng Dũng nói.

Trong khi đó, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thông tin, bộ đã thống nhất chủ trương chuyển giao 868ha đất quốc phòng để thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai.

Song, UBND tỉnh Quảng Nam phải có văn bản chính thức gửi Bộ Quốc phòng. Đồng thời chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT thực hiện thủ tục liên quan trong công tác chuyển đổi diện tích đất này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, quan trọng, là tiềm năng khác biệt, lợi thế của Quảng Nam. Do đó phải xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F (cấp cao nhất trong phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay, phát triển hệ sinh thái sân bay, không chỉ có đường băng cất, hạ cánh.

Thủ tướng giao Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025.

"Quảng Nam phải chủ trì theo thẩm quyền, đề nghị trong tháng 2 phải giải quyết dứt điểm đất đai, kêu gọi nhà đầu tư theo phê duyệt của Bộ GTVT. Doanh nghiệp nào cam kết sau 2 năm làm xong thì cho làm", Thủ tướng yêu cầu.

Thành Vân-Link gốc

Thị trường đóng cửa
VJC
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục