Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cao "Tiền lương toàn cầu 2024 - 2025: Bất bình đẳng về tiền lương đang giảm trên toàn cầu"
Báo cáo cung cấp góc nhìn chi tiết về xu hướng tiền lương trên toàn thế giới và ở các khu vực khác nhau, nêu bật những thay đổi trong bất bình đẳng tiền lương và tăng trưởng tiền lương thực.
Theo báo cáo Tiền lương toàn cầu, hơn một nửa số người lao động trên thế giới là những người làm công ăn lương. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm năm 2022, tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu năm 2023 và hai quý đầu năm 2024 trở lại mức dương.
Dữ liệu sơ bộ trong hai quý đầu năm 2024 cho thấy tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu đạt mức 2,7%, mức tăng cao nhất trong hơn 15 năm qua.
Những kết quả tích cực như vậy đánh dấu sự phục hồi đáng kể khi so sánh với mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu -0,9% vào năm 2022, giai đoạn mà tỉ lệ lạm phát cao hơn nhiều mức tăng trưởng tiền lương danh nghĩa.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tăng trưởng tiền lương diễn ra không đồng đều giữa các khu vực. Các nền kinh tế mới nổi có mức tăng cao hơn các nền kinh tế tiên tiến.
Trong khi các nền kinh tế G20 tiên tiến ghi nhận mức giảm tiền lương thực tế trong hai năm liên tiếp (-2,8% năm 2022 và -0,5% năm 2023), tình hình tăng trưởng tiền lương thực tế vẫn tích cực trong cả hai năm ở các nền kinh tế G20 mới nổi (1,8% năm 2022 và 6,0% năm 2023).
Các mô hình tăng trưởng tiền lương theo khu vực có sự khác biệt đáng kể. Trung Quốc có mức tăng trưởng tiền lương cao nhất với khoảng 4,6% trong năm 2023. Trong khi đó, một số nước ở châu Phi hay một số nước thuộc Liên đoàn Ả Rập có tốc độ tăng lương thực tế vẫn gần bằng 0, thậm chí còn ghi nhận giá trị âm những năm gần đây.
Báo cáo của ILO cũng phản ánh 55% trong số 160 quốc gia có dữ liệu đã tăng lương tối thiểu
Theo báo cáo ghi nhận, người lao động làm công hưởng lương ở châu Á và Thái Bình Dương, Trung Á, Tây Á, và Đông Âu có mức lương thực tế tăng nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Theo ILO, dù có những tiến triển ghi nhận gần đây, tình trạng bất bình đẳng về tiền lương tồn tại ở mức cao vẫn là một vấn đề cấp bách.
Tình trạng bất bình đẳng về tiền lương ghi nhận cao nhất ở các quốc gia thu nhập thấp, với gần 22% người lao động làm công hưởng lương được xếp vào nhóm được trả lương thấp.
Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đa số người lao động là lao động tự làm, chỉ có thể tìm cơ hội kiếm sống trong nền kinh tế phi chính thức.
Báo cáo kết luận rằng để giảm tình trạng bất bình đẳng về tiền lương, cần có chính sách chặt chẽ, và hỗ trợ một cách có hệ thống hướng tới tăng trưởng công bằng.
Các khuyến nghị chính mà ILO đưa ra, bao gồm: Thiết lập tiền lương thông qua đối thoại xã hội. Theo đó, mức lương nên được thiết lập và điều chỉnh thông qua thương lượng tập thể hoặc hệ thống lương tối thiểu được thống nhất giữa Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động.
Đồng thời, áp dụng cách tiếp cận dựa trên thông tin và bằng chứng. Việc thiết lập tiền lương nên tính đến nhu cầu của người lao động và gia đình họ cũng như các yếu tố kinh tế.