Theo ước tính của công ty tư vấn Deloitte, tài sản của các gia đình siêu giàu có thể sẽ tăng lên 9.500 tỷ USD vào năm 2030 khi các công ty quản lý tài sản gia đình (family office) phát triển và chuyển đổi thành các quỹ đầu cơ cạnh tranh với nhau.
Ảnh minh họa
Báo cáo của Deloitte dự kiến tổng khối tài sản của các gia đình siêu giàu sẽ tăng 73% so với mức 5.500 tỷ USD hiện tại.
Số lượng công ty đầu tư dành riêng cho người giàu cũng dự kiến sẽ tăng hơn 30% trong cùng kỳ báo cáo lên 10.720 công ty.
Deloitte cũng lưu ý tình trạng bất bình đẳng về tài sản ngày càng gia tăng và khiến dòng tiền tập trung nhiều hơn vào tay những người rất giàu.
Kết hợp thực trạng đó với việc mở một công ty quản lý tài sản gia đình trở nên dễ dàng hơn, các công ty này đang bắt kịp các quỹ đầu cơ về quy mô.
Trong một số trường hợp, họ còn tuyển dụng từ cùng một nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường.
Các công ty quản lý tài sản gia đình lớn đang tạo nên những vai trò mới trên thị trường, bao gồm cả vai trò nhà đầu tư chủ động, thúc đẩy sự thay đổi trong các công ty.
Việc nới lỏng hạn chế đối với các công ty này và khả năng hành vi đầu tư của họ có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn đã được thể hiện trong vụ sụp đổ năm 2021 của công ty quản lý đầu tư Archegos Capital Management thuộc quyền điều hành của ông Bill Hwang.
Vào tháng Bảy, một bồi thẩm đoàn đã tuyên ông Hwang có tội về các cáo buộc hình sự liên quan đến vụ sụp đổ của Archegos.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số rủi ro. Các công ty quản lý tài sản gia đình được khảo sát trong báo cáo của Deloitte có trung bình chỉ 15 nhân viên, xử lý khối tài sản khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, chỉ có khoảng 1/3 được điều hành bởi một nhân sự từ bên ngoài gia đình.
Bà Rebecca Gooch, phụ trách toàn cầu về thông tin nghiên cứu chuyên sâu của Deloitte Private (đơn vị phục vụ các công ty do tư nhân nắm giữ), cho biết có rất nhiều rủi ro đối với bộ máy quản lý khối tài sản lớn như vậy. Các công ty thực sự cần phải thận trọng trong tuyển dụng nhân sự./.
Theo vietnamplus.vn