Tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, do đó cần thúc đẩy dòng vốn xanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu, tín dụng xanh và các sản phẩm tài chính xanh.
Phát triển thị trường tài chính xanh, xu hướng tất yếu
Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam, những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá” tổ chức ngày 30/10, TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện nghiên Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới".
Quang cảnh Hội thảo
Tại COP26, có 147 quốc gia đã cam kết đạt "Phát thải ròng bằng 0" (PTR0) vào giữa thế kỷ XXI và tính đến hết năm 2022 đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI.
Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay. Bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp theo đó vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.
Song hành với Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII...
Ông Lê Xuân Sang cho rằng, phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm xanh hơn, an toàn hơn; yêu cầu của các nước phát triển; của bên cho vay, cung ứng sản phẩm tài chính… Do đó, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp. “Chuyển đổi xanh là câu chuyện kinh doanh buộc phải chuyển đổi, dù muốn hay không khi xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng”- Phó Viện trưởng Kinh tế Việt Nam TS Lê Xuân Sang nhấn mạnh.
Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là một phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Các quy định cụ thể về triển khai, vận hành thị trường vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được ban hành, điển hình như chính sách đối với trái phiếu xanh mới vẫn đang ở mức thử nghiệm.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, quy mô tín dụng xanh vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống. Tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế vào cuối năm 2023 (từ mức 3,33% vào năm 2018). Trong đó, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 40%). Tỷ trọng tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có dư nợ tín dụng xanh cao thứ hai vào năm 2023, tương ứng 30% tổng dư nợ tín dụng xanh… cho thấy còn nhiều dư địa phát triển.
Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các chủ thể
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng cho biết, qua quá trình theo dõi phát triển thị trường tài chính xanh, ADB thấy rằng, trong việc triển khai tín dụng xanh, thách thức hiện hữu nhất là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, hiệu quả tài chính chưa cao, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro,... dẫn đến khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Ảnh minh hoạ
Theo các chuyên gia, phải có cơ chế và chính sách rõ ràng để phát triển các sản phẩm tài chính xanh. Chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu xanh thí điểm ở TP Hà Nội vào quý IV năm 2016 để tài trợ các dự án xanh. Điều kiện phát hành của các trái phiếu xanh này sẽ tương tự như các trái phiếu thông thường, nhưng các dự án xanh sẽ được chứng nhận theo tiêu chuẩn của MoNRE.
Hiện các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp. Thiếu đồng bộ về tiêu chí “xanh”. Chẳng hạn như chúng ta vẫn thiếu rất nhiều quy định về xây dựng thị trường tín chỉ carbon … Do đó cần hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh.
“Cần hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh. Chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh”- chuyên gia ADB khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính)- TS Nguyễn Thanh Nga đưa ra một số giải pháp như rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế quản lý đối với TTTC nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng. Ban hành tiêu chí phân loại xanh.
Trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh như giảm lãi suất, gia hạn vay… Có chính sách ưu đãi thuế, phí cho phát hành và đầu tư như miễn giảm thuế liên quan đến lợi tức thu được từ đầu tư trái phiếu xanh. Phát triển nhà đầu tư có tổ chức. Tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư xanh, tổ chức tài chính xanh tham gia phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Một số thị trường khác như Indonesia, Trung Quốc đặt ra mục tiêu net-zero vào năm 2060. Mục tiêu của Việt Nam lại sớm hơn 10 năm, thời gian để chuẩn bị sẽ gấp gáp hơn. Trong khi đó, khá nhiều nước đã làm rất bài bản, trong khi Việt Nam vẫn đang dừng lại ở bước thể chế pháp lý. “Đây là bài toán phải giải” - TS Lê Xuân Sang cho hay. Đại diện Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định một cách hiệu quả và nhất quán, cần phải nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh, đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành và nhà đầu tư để đầu tư và phát triển các dự án tài chính xanh.
Nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh thống nhất (Kinh nghiệm EU, Hàn Quốc); Sớm ban hành danh mục phân loại Dự án xanh; Hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Phía doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về ESG (quản trị, môi trường và xã hội) và phát triển bền vững. (Bà Nguyễn Thị Hải Bình- Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ Ban Giám sát Tài chính Quốc gia)