Giá dầu giảm trong phiên 29/11 tại châu Á, hướng tới mức giảm hàng tuần hơn 3%, khi lo ngại về rủi ro nguồn cung từ xung đột Israel-Hezbollah giảm bớt.
Một trạm bán xăng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Dầu Brent kỳ hạn giảm 55 xu Mỹ, hay 0,8%, xuống 72,73 USD/thùng vào lúc 14 giờ 58 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 20 xu, hay 0,3%, xuống 69,52 USD/thùng.
Kể từ đầu tuần đến nay, giá dầu Brent giảm 3,3% và giá dầu WTI giảm 3,8%.
Israel và lực lượng Hezbollah ngày 28/11 đã cáo buộc lẫn nhau về vi phạm lệnh ngừng bắn có hiệu lực một ngày trước đó. Thỏa thuận này ban đầu đã làm giảm bớt nguy cơ gián đoạn nguồn cung do xung đột.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu từ Trung Đông hầu như không bị ảnh hưởng trong các cuộc xung đột song song giữa Israel với Hezbollah ở Lebanon và với lực lượng Hamas ở Gaza.
Cũng trong ngày 28/11, các lực lượng của Nga đã tiến hành hoạt động quân sự hướng vào các cơ sở năng lượng của Ukraine lần thứ hai trong tháng. Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng hành động này có thể đưa đến hành động đáp trả và ảnh hưởng đến nguồn cung dầu của Nga.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC+) và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, đã hoãn cuộc họp dự kiến vào ngày 1/12 đến ngày 5/12, do một số bộ trưởng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh vùng Vịnh lần thứ 45 tại Kuwait.
OPEC+ được cho là sẽ tiếp tục quyết định cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới.
Các nhà phân tích của BMI, một bộ phận của công ty thống kê và phân tích dữ liệu Fitch Solutions, nhận định OPEC+ sẽ quyết định gia hạn mức cắt giảm sản lượng hiện tại sang năm tới, nhưng điều này sẽ không đủ để giải quyết hoàn toàn tình trạng dư thừa sản lượng theo dự báo cho năm tới.
Còn các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs dự báo nguồn cung của Iran có thể giảm tới 1 triệu thùng mỗi ngày trong nửa đầu năm tới nếu các cường quốc phương Tây thắt chặt việc thực thi lệnh trừng phạt đối với dầu thô của nước này.
Lê Minh (Theo Reuters)