Vượt qua không ít khó khăn trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hải Dương đang nỗ lực tăng tốc để cán đích thành công.
Thời điểm này, Công ty TNHH May Tinh Lợi đã nhận đủ đơn hàng để 100% số công nhân làm việc đến hết tháng 1/2025
Chủ động vượt khó khăn
Năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp FDI Hải Dương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh trong khu vực, thiên tai, nhất là ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 (Yagi) vào đầu tháng 9, song vẫn đạt mức tăng trưởng khá ổn định.
Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam hiện có khoảng 11.000 lao động làm việc ở 2 nhà máy tại khu công nghiệp Đại An và 1 nhà máy tại cụm công nghiệp Nghĩa An (Ninh Giang). Nằm trên địa bàn rộng nên công ty đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Toàn bộ nhà máy số 1 của công ty bị tốc mái, nhà xưởng bị ngập nước. Khi bão vừa dứt, hầu hết người lao động đã chung tay, sát cánh với lãnh đạo công ty, các nhà máy để khắc phục thiệt hại do gió bão, mưa ngập. Sau 1 tuần nhà máy số 1 đã sản xuất trở lại.
"Nhờ nhanh chóng khắc phục sau bão nên các kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của công ty không bị ảnh hưởng, các đơn hàng vẫn được giao đúng hợp đồng đã ký kết. Công ty đang tăng tốc sản xuất và liên tục tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng tiến độ đơn hàng cuối năm", ông Nguyễn Hoàng Lân, Giám đốc Nhà máy Sumidenso 1 cho biết.
Công ty TNHH May Tinh Lợi là một thành viên của Tập đoàn quốc tế Crystal (Hồng Kông, Trung Quốc). Công ty có 3 nhà máy đang hoạt động tại Hải Dương với gần 18.000 lao động. Là doanh nghiệp luôn ở tốp đầu trong "làng" may mặc xuất khẩu Việt Nam, công ty đã chủ động vượt qua nhiều thời điểm khó khăn do tác động tiêu cực từ những căng thẳng bởi các xung đột chính trị, đe dọa sự phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng. Để ứng phó với những tác động bất lợi, công ty đã tăng cường thẩm định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, bảo đảm quy định về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng dệt may khi xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, EU…
"Chúng tôi theo dõi sát sao diễn biến thị trường quốc tế, đồng thời tăng cường quản trị doanh nghiệp, áp dụng nhiều biện pháp để ứng phó hiệu quả với các thách thức khi chi phí đầu vào tăng do cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng tăng…", ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Nhà máy Tinh Lợi 2 chia sẻ.
Công ty TNHH Nhôm Đông Á ở cụm công nghiệp Tân Dân (Chí Linh) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công và xuất khẩu các sản phẩm nhôm định hình. Năm 2024, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty gặp không ít khó khăn do biến động thị trường, giá ngoại tệ, giá vàng liên tục tăng cao khiến giá nguyên vật liệu tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. "Nhờ tối ưu hóa quy trình sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu và duy trì mối quan hệ bền vững với các đối tác chiến lược, công ty vẫn bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định", ông Trương Gia Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhôm Đông Á nói.
Đơn hàng xếp kín
Công ty TNHH Nhôm Đông Á dự kiến đạt mục tiêu tăng trưởng trên 20% trong năm 2024
Những tháng cuối năm được xem là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp tăng tốc, về đích, đồng thời cũng là thời điểm "vàng" để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, ký kết đơn hàng, chuẩn bị kế hoạch cho năm mới.
Đến cuối tháng 11/2024, doanh thu của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam tăng khoảng 15% so với năm 2023. Hiện đơn hàng của công ty cũng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Những đơn hàng này bảo đảm để công ty sản xuất đến hết tháng 1/2025.
Để bảo đảm tiến độ giao hàng cho các đối tác, ngoài việc tổ chức cho công nhân tăng ca, nhà máy đang liên tục tuyển dụng lao động. Theo đại diện Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, các lao động tuyển thêm tập trung vào các khu vực sản xuất và lắp ráp hệ thống dây điện trong xe ô tô, dây dẫn trong máy in. Lao động mới vào làm từ tháng 11/2024 vẫn được lương tháng thứ 13, mỗi tuần làm 5 ngày với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng...
Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (TP Hải Dương) hiện có hơn 1.000 công nhân. Thời điểm này đơn hàng của công ty cũng đã đủ sản xuất đến hết năm. Để bảo đảm tiến độ các đơn hàng, công ty đã bổ sung nhiều loại máy móc hiện đại, tự động như máy lập trình, ép là, cắt trải vải, cấp cúc, hệ thống chuyển treo... Mỗi tháng công ty sản xuất khoảng 250.000 sản phẩm, đều xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm đến 80%), EU và châu Á.
Tại Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, các dây chuyền sản xuất đều hoạt động hết công suất để kịp tiến độ giao những đơn hàng cuối năm. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam cho biết năm 2024 công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm khách hàng nên những tháng cuối năm lượng đơn hàng tăng cao, công ty cũng phải tuyển dụng thêm lao động. Dự kiến, năm 2024 doanh thu của công ty tăng 10% so với năm 2023.
Thu "quả ngọt"
Dự kiến doanh thu năm 2024 của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam tăng từ 15 - 20% so với năm 2023
Với nhiều giải pháp, nỗ lực vượt khó, đa số các doanh nghiệp FDI đều chờ thu "quả ngọt".
Thời điểm này, Công ty TNHH May Tinh Lợi đã nhận đủ đơn hàng để 100% số công nhân làm việc đến hết tháng 1/2025. Để bảo đảm các đơn hàng, công nhân đã tăng ca 2 giờ/ngày. Hiện hằng tuần công ty đều xuất khẩu các lô hàng thành phẩm cho đối tác theo hợp đồng đã ký kết. Thị trường xuất khẩu của công ty chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản.
Ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Nhà máy Tinh Lợi 2 cho biết thêm dự kiến doanh thu năm 2024 của công ty tăng từ 15 - 20% so với năm 2023.
Công ty TNHH Nhôm Đông Á dự kiến tổng sản lượng năm 2024 đạt trên 60.000 tấn, tăng 15% so với năm trước, trong đó xuất khẩu gần 80%, chủ yếu đi các thị trường Mỹ, Úc, Canada. Doanh thu phấn đấu đạt 2.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023, nộp thuế 250 tỷ đồng. "Những tháng cuối năm, số lượng đơn hàng tiếp tục tăng ở cả nội địa và xuất khẩu. Công ty đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng yêu cầu đơn hàng của tất cả các đối tác. Đặc biệt, công ty luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm để duy trì thương hiệu toàn cầu", ông Trương Gia Huy thông tin thêm.
Hàng loạt doanh nghiệp FDI khác như các Công ty TNHH: Brother Việt Nam, Ford Việt Nam, May mặc Makalot Việt Nam… đơn hàng cũng đều tăng từ 10% – 20% so với năm 2023. Nhiều doanh nghiệp đều sản xuất vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Một số doanh nghiệp cũng đã tìm kiếm được đơn hàng lớn cho năm 2025.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp FDI, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực đồng hành hỗ trợ bằng hành động cụ thể. Tỉnh cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường xúc tiến thương mại; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Hải Dương hiện có gần 600 dự án FDI đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 10,582 tỷ USD. Năm 2024, thu hút vốn FDI ước đạt 500 triệu USD, đạt 100% kế hoạch. So với năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước tăng 8,6%, đạt 10,3 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 10,4%. Doanh thu năm 2024 của khối FDI dự kiến đạt hơn 9 tỷ USD, nộp ngân sách trên 500 triệu USD.
LONG VY