Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) dự kiến tài trợ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 50.000 tỷ đồng để phát triển các dự án điện đến năm 2030.
Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, EVN và VDB vừa ký thỏa thuận hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2030, VDB dự kiến sẽ cung cấp khoảng 50.000 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để tài trợ cho các dự án của EVN.
Theo đó, EVN và VDB sẽ cùng thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng và thế mạnh của cả hai bên.
EVN có thêm 50.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án điện
EVN cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của đất nước, ngoài việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp khác, trong giai đoạn 2025-2030, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các công trình nguồn và lưới điện với tổng giá trị đầu tư hằng năm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Trước nhu cầu đầu tư lớn như vậy, ngoài việc tận dụng các nguồn lực nội bộ như vốn khấu hao cơ bản, vốn đầu tư phát triển, và nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, EVN phải tìm kiếm thêm các nguồn vốn từ bên ngoài. Điều này bao gồm việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước cũng như tiếp cận các khoản tín dụng đầu tư từ Nhà nước.
Theo EVN, sự hợp tác với VDB sẽ giúp Tập đoàn tìm kiếm được nguồn vốn mới để tài trợ cho các dự án xây dựng trong những năm tới. Bên cạnh đó, EVN cũng đang hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để phát triển dự án Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS).
Cụ thể, ADB đề xuất triển khai dự án BESS thí điểm với quy mô 50MW/50MWh, tổng mức đầu tư khoảng 30,17 triệu USD.
Về phương thức huy động vốn, ADB đề xuất cho EVN vay vốn trực tiếp (không có bảo lãnh của Chính phủ) và bổ sung thêm viện trợ từ Quỹ Liên minh Năng lượng Toàn cầu cho con người và hành tinh (GEAPP).
Dự án này cũng được đề xuất đưa vào danh mục các dự án thuộc chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP).
Báo cáo hợp nhất sau kiểm toán năm 2023 của EVN ghi nhận doanh thu hợp nhất của Tập đoàn năm ngoái đạt 500.719 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ bán điện trong năm vừa qua đạt hơn 498.436 tỷ đồng, chiếm 99%.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán chiếm 487.677 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của EVN còn 13.041 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm 2022.
Năm 2023, Tập đoàn này cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh xuống còn hơn 4.065 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm 2022. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng lên gần 22.686 tỷ đồng, các chi phí khác biến động nhẹ.
Theo báo cáo của EVN, sản lượng điện sản xuất và mua của tập đoàn năm 2023 đạt hơn 271 tỷ kWh, tăng hơn 3,6% so cùng kỳ năm 2022 và bằng 99% kế hoạch.
Bên cạnh đó, sản lượng thủy điện giảm mạnh so với năm 2022 (giảm khoảng 15,3 tỷ kWh) và kế hoạch đầu năm 2023 (giảm khoảng 8,7 tỷ kWh), chi phí mua điện trên thị trường điện tăng cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN dự kiến lỗ năm thứ 2 liên tiếp.