Trên hành trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần huy động nguồn vốn lớn cho các dự án xanh. Với năng lực sẵn có, ngân hàng và các định chế tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phân phối dòng tín dụng giàu tiềm năng này cho những mục tiêu phát triển phù hợp.
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn bên lề sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” tổ chức vào tháng trước tại TPHCM, ông Darryl J. Dong, Đại diện cấp cao Phụ trách Văn phòng TPHCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đã có những trao đổi mang tính gợi mở nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Ông Darryl J. Dong trình bày tham luận tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”. Ảnh: SGT
KTSG: Ông đánh giá như thế nào về nguồn vốn cho các dự án xanh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường đang chứng kiến nhu cầu cấp bách về dòng tiền như hiện nay?
– Ông Darryl J. Dong: Nguồn vốn cho các dự án xanh ở Việt Nam rất dồi dào, đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các ngân hàng, tổ chức tài chính đa phương, các tập đoàn lớn và các quỹ đầu tư toàn cầu. Với Việt Nam, vấn đề hiện tại không phải là thiếu vốn mà là làm sao để các nhà đầu tư tìm được những dự án xanh phù hợp và cung cấp giải pháp tài chính cho những dự án đó một cách hiệu quả.
Trên thế giới, nhiều định chế tài chính đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư vào các dự án xanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính sự thiếu hụt các dự án tiềm năng, được phát triển một cách bài bản và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế dường như lại là trở ngại lớn, gián tiếp tạo ra một vách ngăn vô hình giữa các nhà đầu tư quốc tế với thị trường trong nước và ngược lại.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã bước đầu thu được những kết quả đáng chú ý khi tham gia vào lĩnh vực tài chính bền vững. Dù vậy, thị trường trong nước nhìn chung vẫn còn cần thêm thời gian để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để có thể đánh giá, hỗ trợ tốt hơn cho các dự án đầu tư. Do đó, hoạt động nâng cao năng lực cho các ngân hàng đóng vai trò rất cần thiết.
KTSG: Ở góc độ vĩ mô, làm sao để Việt Nam có thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tạo ra một “sân chơi” công bằng, hấp dẫn hơn cho các hoạt động tài chính liên quan đến khí hậu?
– Để thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển bền vững, việc ban hành các quy định rõ ràng và minh bạch là vô cùng quan trọng. Khung chính sách phù hợp sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào thị trường một cách chủ động hơn.
Ở hiện tại, dù hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là một đòi hỏi cấp bách, nhưng Việt Nam nên theo đuổi một lộ trình xây dựng chính sách tuần tự, thay vì nghiên cứu những quy định phức tạp ngay từ bước đầu. Trước mắt, Việt Nam có thể tập trung vào những vấn đề mang tính cốt lõi như phân loại yếu tố “xanh” trong các dự án và hình thành bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện những khía cạnh bền vững của nền kinh tế.
Nhiều quốc gia ở khu vực đã có những bước đi tiên phong trong lĩnh vực này. Vào tháng 6 năm ngoái, Chính phủ Thái Lan đã ban hành danh mục phân loại xanh giai đoạn 1 (Green Taxonomy Phase 1) để thúc đẩy loại hình tài chính bền vững trong nước phát triển. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm triển khai chính sách trong thực tiễn, nghiên cứu và áp dụng một cách hiệu quả vào điều kiện đặc thù trong nước.
Với một hệ thống quy định được phát triển bài bản và chặt chẽ, Việt Nam có khả năng trở thành điểm đến hấp dẫn và thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư quốc tế tiềm năng.
KTSG: Theo ông, các nhà đầu tư quốc tế thường ưu tiên những yếu tố nào khi xem xét cơ hội đầu tư vào các dự án xanh tại Việt Nam?
– Khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án xanh tại Việt Nam, các nhà đầu tư quốc tế thường quan tâm đến hai yếu tố chính. Thứ nhất, đó là cam kết thực sự của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững. Các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy số liệu trực quan từ các bản báo cáo mà còn cần được đảm bảo rằng tinh thần “xanh” đã thực sự lan tỏa rộng khắp trong hoạt động của doanh nghiệp, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các nhân viên trực tiếp vận hành.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam, việc chứng minh được cam kết lâu dài với phát triển bền vững là rất quan trọng. Tôi cho rằng chỉ đơn giản nói mình “xanh” là chưa đủ, các doanh nghiệp cần có những hành động cụ thể và có thể đo lường được để thuyết phục các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, yếu tố thứ hai mà các nhà đầu tư nên lưu tâm đó là khả năng và trình độ quản trị hệ thống của các doanh nghiệp. Trong đó, các công ty có quy trình quản lý minh bạch, rõ ràng, với năng lực kiểm soát rủi ro hiệu quả là những mục tiêu ưu tiên của dòng vốn đầu tư quốc tế.
KTSG: Vậy đâu là những cách thức để các ngân hàng và định chế tài chính có thể xác định và đồng hành cùng các dự án phát triển bền vững phù hợp, thưa ông?
– Tài chính khí hậu không đơn thuần chỉ là vấn đề tiền bạc. Lĩnh vực này bao gồm hoạt động đánh giá rủi ro từ cả yếu tố môi trường và xã hội, vận hành hoạt động kinh doanh đồng thời theo đuổi các cam kết hướng tới phát triển bền vững. Do đó, các ngân hàng trong nước cần chuẩn bị để có thể tích hợp các tiêu chí liên quan đến khí hậu vào hoạt động cho vay một cách hiệu quả.
Hiện tại, việc xác định được đâu là những dự án đầu tư xanh tiềm năng cũng đặt ra không ít thách thức. Thực tế này buộc các ngân hàng phải tối ưu hóa phương pháp tiếp cận thị trường, tập trung xác định các dự án thân thiện với môi trường và tìm kiếm các đối tác cùng chí hướng trong phát triển bền vững.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư còn e ngại do lĩnh vực tài chính xanh vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, nổi bật là chi phí đầu tư lớn, số lượng dự án không nhiều, loại hình tín dụng xanh chưa phổ biến, thị trường vốn chưa phát triển trong khi thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý toàn diện.
Để giải quyết vấn đề trên, việc áp dụng mô hình tài chính hỗn hợp (blended finance), kết hợp vốn thương mại (từ ngân hàng, nhà đầu tư tư nhân) và vốn ưu đãi (từ chính phủ, tổ chức phi chính phủ, quỹ từ thiện) có thể là một giải pháp hữu hiệu. Bằng cách huy động các nguồn vốn khác nhau, dự án có thể được hưởng lãi suất ưu đãi hoặc các hỗ trợ tài chính phù hợp khác. Cách làm này qua đó giúp giảm chi phí, cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận, thu hút thêm các nhà đầu tư.
KTSG: Xin ông cho biết những hoạt động của IFC trong việc huy động vốn cho các dự án khí hậu tại Việt Nam?
– IFC đang tích cực hỗ trợ các ngân hàng tại Việt Nam trong việc phát triển tài chính xanh. Chúng tôi cung cấp các giải pháp và hỗ trợ trang bị kỹ năng để các ngân hàng có thể xác định, đánh giá và tài trợ cho các dự án xanh một cách hiệu quả.
Tổng cộng, IFC đã đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ cho các dự án khí hậu tại Việt Nam. Riêng trong năm tài chính vừa rồi kết thúc vào ngày 30-6-2024, chúng tôi đã cam kết 310 triệu đô la Mỹ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tài chính xanh lá (green – tập trung vào tác động môi trường), tài chính xanh lam (blue – tập trung vào các vấn đề liên quan đến đại dương và nguồn nước), và tài chính bền vững (sustainability – bao gồm cả các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị). Đối với khu vực ngân hàng, tháng 6-2024, chúng tôi đã đầu tư 150 triệu đô la Mỹ vào lĩnh vực tài chính xanh, và dự kiến sẽ đầu tư thêm ít nhất 200 triệu đô la Mỹ trong năm nay.
IFC đã hỗ trợ BIDV phát hành thành công trái phiếu xanh lá (green bond) đầu tiên ở Việt Nam. IFC cũng hợp tác với SeABank và giúp ngân hàng này trở thành tổ chức đầu tiên ở Việt Nam phát hành trái phiếu xanh lam (blue bond), đồng thời là ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên phát hành trái phiếu xanh lá.
Có thể thấy, những nỗ lực của IFC đang góp phần tích cực vào việc huy động vốn cho các dự án khí hậu tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tài chính trong nước để đẩy nhanh quá trình hướng tới phát triển bền vững.