Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, người Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nếu được chuyển giao.
Tại buổi gặp mặt trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chiều 1/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ phụ thuộc vào trình độ phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ.
"Với năng lực, trình độ ở trong nước hiện nay, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ giữa các dải tốc độ 250km/h, 300km/h, 350km/h là tương tự nhau. Nghiên cứu cho thấy, nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghệ xây dựng, tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế", ông Huy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói thêm, chúng ta xác định hoàn toàn làm chủ công nghiệp xây dựng (cầu, đường, hầm), tự chủ hoàn toàn trong vận hành, bảo trì, sửa chữa. Quá trình triển khai, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác để phát huy tính tự lực, tự cường để tự tin bước vào kỷ nguyên mới.
Khẳng định chắc chắn sẽ có nhiều thách thức do quy mô dự án lớn, tiến độ rất áp lực, song Thứ trưởng cũng cho hay, giải quyết bài toán này, cơ quan thực hiện sẽ mời tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu trong nước, quốc tế cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Theo dự kiến, dự án xây dựng được sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ sử dụng 100% vốn đầu tư công. Trong đó gồm nhiều nguồn vốn đến từ việc cân đối chi tiêu, phát hành trái phiếu trong và ngoài nước.
"Chúng ta sẽ không phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ nước ngoài, chỉ vay khi được ưu đãi, không có các điều kiện ràng buộc. Điều kiện quan trọng nhất khi lựa chọn công nghệ từ nước ngoài cũng như nguồn vốn là họ phải chuyển giao toàn bộ công nghệ", Thứ trưởng Huy cho biết.
Lý giải về tính cạnh tranh trong vận chuyển hành khách của đường sắt tốc độ cao với các loại hình vận chuyển khác, đặc biệt là hàng không, ông Huy nhấn mạnh, khi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đưa vào hoạt động sẽ mang tính phụ trợ cho các ngành vận tải khác chứ không mang tính triệt tiêu.
"Chúng ta đang dùng dao mổ trâu để mổ ruồi. Chúng ta đang buộc hàng không phải bay các chặng bay ngắn dưới 500km, với những chặng bay ngắn này, chi phí của hàng không bị đội lên rất lớn so với bay dài. Như vậy, khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, loại hình này có hiệu quả với các chặng di chuyển ngắn dưới 800km. Vậy, hàng không sẽ được giảm tải trách nhiệm bay các chặng ngắn và tập trung phát triển các đường bay dài. Như vậy, các ngành này sẽ phụ trợ cho nhau chứ không triệt tiêu", Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định.
Bộ GTVT đã nghiên cứu kinh nghiệm của 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đang khai thác, 6 quốc gia đang xây dựng và các nghiên cứu quốc tế, tổ chức đoàn công tác liên ngành khảo sát tại 6 quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao phát triển và rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Cụ thể, Bộ đã tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển, gồm: Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp. Trong số này, có 3 nước tự phát triển công nghệ là: Đức, Pháp, Nhật Bản. Các chuyến đi có sự tham gia của nhiều Bộ, ban, ngành, việc đánh giá rất cẩn trọng và minh bạch.
Tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên vào khai thác 1964 tại Nhật Bản với tốc độ 200 - 250 km/h. Tốc độ 250 km/h hình thành phổ biến cách đây khoảng 25 năm. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, tốc độ 350 km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.
Theo kinh nghiệm thế giới, các tuyến đường sắt tốc độ cao là trục chính, chiều dài lớn đều lựa chọn tốc độ 350km/h trở lên vì tính hiệu quả.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy với chiều dài tuyến lớn hơn 800 km, tốc độ 350 km/h hấp dẫn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với các dải tốc độ thấp hơn.
Chi phí đầu tư tốc độ 350 km/h cao hơn tốc độ 250 km/h khoảng 8-9%. Song, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h là khó khả thi và không hiệu quả.