Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
CEO Phúc Khang Corp kể chuyện đi ra thương trường quốc tế: "Nếu chỉ xác định mục tiêu là tiền thì nguy hiểm"
Chuyên mục:

Kinh tế

Tạp chí Nhịp sống thị trường | 11:43
Google news

Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng Giám đốc Phúc Khang Corp, làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài phải "chuẩn bị tinh thần là mục tiêu lợi nhuận đứng sau cùng". Bà nhấn mạnh nếu cống hiến, cam kết và minh bạch thì lợi nhuận sẽ đến.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng Giám đốc CTCP đầu tư & xây dựng Phúc Khang. Ảnh: Baodautu.

Ngày 27/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 (M&A Vietnam Forum 2024) lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra tại TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế đang từng bước phục hồi và thị trường M&A được dự báo sẽ sôi động trở lại sau giai đoạn trầm lắng.

Tại phiên thảo luận “Giải mã nhu cầu và chiến lược thành công trong các thương vụ M&A”, bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Kim Oanh Group – đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc với các đối tác Nhật Bản. Dự án The One World do Kim Oanh Group hợp tác với 4 tập đoàn Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi, NTT Urban Development và AEON có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thời gian qua.

Theo bà Kim Oanh, lý do lựa chọn các đối tác Nhật Bản là bởi họ đã có hàng trăm năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản, phong cách làm việc chuyên nghiệp, chú trọng nhất vào chất lượng và sự bền vững, phù hợp với chiến lược của Kim Oanh Group.

“Người Nhật nổi tiếng về sự minh bạch, kỷ luật, nhân sự gắn bó lâu dài. Về kinh nghiệm phát triển bất động sản, họ mang lại những giải pháp quy hoạch, thiết kế và quản lý vận hành dự án hàng đầu thế giới”, bà chủ Kim Oanh Group giải thích.

Theo chia sẻ của bà, các đối tác đưa ra những yêu cầu vô cùng khắt khe và chi tiết cho Kim Oanh Group, đặc biệt về vấn đề pháp lý. Do đó, họ quyết định “lùi một bước”, đặt mình vào vai trò của đối tác. Người Nhật kỹ tính nhưng một khi đã chốt deal thì gắn bó rất bền vững, lâu dài, cùng nhau phát triển.

Bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Kim Oanh Group. Ảnh: Baodautu.

Cũng có kinh nghiệm làm việc với đối tác Nhật Bản, bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng Giám đốc CTCP đầu tư & xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corp) chỉ ra rằng để có thương vụ thành công, đầu tiên phải hiểu những điều kiện tiên quyết của nhà đầu tư nước ngoài, chuyển biến doanh nghiệp của mình ở nhiều khía cạnh để đạt được các điều kiện đó.

“Điều thứ hai là lòng can đảm để chiến thắng nỗi sợ. Ngày đầu tiên ra thương trường quốc tế, tôi đâu biết tiếng Nhật, cũng không giỏi tiếng Anh, nhưng bây giờ tôi có thể nghe và trao đổi được với các đối tác nước ngoài bằng tiếng Anh.

Quan trọng nhất là xác định mục tiêu của doanh nghiệp mình là gì. Nếu chỉ xác định mục tiêu là tiền thì nguy hiểm, vì con người mới làm ra tiền. Chúng ta sẽ thất bại nếu không có đội ngũ chuẩn hóa, có tính quốc tế.

Để vượt qua thử thách, chỉ có công cụ duy nhất là xây dựng một tổ chức học tập, người lãnh đạo cũng phải học. Cuối cùng, chúng ta không chỉ lời về vật chất mà còn lời về tinh thần, sự phát triển bản thân của mỗi nhân sự, cộng sự trong doanh nghiệp. Đấy là điều hứng thú của người quản trị. Không phải phát triển bất động sản hay tài sản, mà là phát triển con người trong tổ chức”, bà Thanh Mẫu trình bày.

Trong 3 điều mà CEO Phúc Khang Corp cho rằng các doanh nghiệp Việt cần làm để M&A thành công, điều thứ nhất là quản trị mục tiêu, sắp xếp trước khi bắt tay với đối tác nước ngoài.

“Làm với họ thì phải chuẩn bị tinh thần là mục tiêu lợi nhuận đứng sau cùng. Chúng ta phải cho đi, cống hiến, cam kết, kỷ luật, lao động, nhiệt thành, chân thành, cởi mở và minh bạch. Rồi sau đó lợi ích sẽ đến”, bà nêu quan điểm.

Điều thứ hai là quản trị sự thay đổi trong văn hóa làm việc, hợp tác. Ví dụ bà Thanh Mẫu đưa ra là trong quá trình hợp tác với Mitsubishi, bà từng nhận được email lúc 2h sáng ngày mùng 2 Tết. Đội ngũ Phúc Khang Corp vẫn phải làm việc, bởi đối tác không nghĩ đến chuyện nhân sự nghỉ vào Tết Nguyên đán. Bài học rút ra là phải sẵn sàng với tính toàn cầu, chuyên nghiệp.

Điều cuối cùng mà bà Thanh Mẫu nhấn mạnh là quản trị mục tiêu, từ đó quản trị được tiêu chuẩn và mô hình phát triển.

“Sau tất cả những thương vụ với nước ngoài, tôi muốn chia sẻ thêm một điều. Tại sao các doanh nghiệp trong nước lại ngồi chờ? Có những sứ mệnh với quốc gia mà chúng ta phải chủ động. Sự chủ động đến từ hai khía cạnh là tìm những nguồn lực mình thiếu, thứ hai là tìm những đòn bẩy giúp mình phát triển nhanh, mạnh hơn.

Điều người ta thiếu nhất của một cuộc đời, một doanh nghiệp là thanh xuân. Chúng ta không nên đợi 10-20 năm nữa mới xúc tiến, làm những việc mà chúng ta nghĩ tới lúc đó mình mới đủ lực”, bà Thanh Mẫu đưa ra góc nhìn.

Minh Anh-Link gốc

THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục